Tín hiệu khởi sắc đầu tiên của ngành sản xuất Trung Quốc

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc dù tăng khiêm tốn nhưng đây là kết quả tốt nhất kể từ tháng 3/2023...

Là số liệu chính thức được công bố đầu tiên mỗi tháng, PMI cung cấp cái nhìn sơ bộ về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Lần đầu tiên kể từ tháng 9/2023, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tháng 3 chứng kiến sự tăng trưởng trở lại, một tín hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần bình ổn.

Theo số liệu công bố ngày 31/3 của Tổng Cục thống kê Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất nước này tháng 3 tăng lên 50,8 điểm, từ mức 49,1 điểm của tháng trước đó. Con số này cao hơn mức dự báo bình quân 50,1 điểm của các nhà phân tích trong một khảo sát của hãng tin Bloomberg.

Dù đây là mức tăng trưởng khiêm tốn nhưng là kết quả tốt nhất của ngành sản xuất Trung Quốc kể từ tháng 3/2023.

Trong khi đó, PMI ngành dịch vụ tháng 3 của Trung Quốc cũng tăng lên 53 điểm, cao hơn mức dự báo bình quân 51,5 điểm của các nhà kinh tế. PMI trên ngưỡng 50 điểm cho thấy sự tăng trưởng so với tháng trước đó, còn dưới 50 điểm đánh dấu sự sụt giảm.

Là số liệu chính thức được công bố đầu tiên mỗi tháng, PMI cung cấp cái nhìn sơ bộ về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc. Kết quả tháng 3 cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang trên đà phục hồi. Điều này có thể giúp các nhà hoạch định chính sách ở Bắc kinh có thêm thời gian để đánh giá tác động của các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế trước khi có động thái tiếp theo để hỗ trợ sự phục hồi.

“PMI ngành sản xuất tốt hơn dự báo là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang bình ổn trở lại, dù còn phải xét tới các yếu tố thời vụ và cơ sở so sánh thấp của giai đoạn Tết Nguyên đán”, ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc đại lục của công ty Jones Lang LaSalle Inc., nhận xét. “PMI ngành dịch vụ cũng cho thấy niềm tin và kỳ vọng của các doanh nghiệp về hoạt động kinh doanh trong tương lai tương đối mạnh”.

PMI sản xuất được tính toán dựa trên 5 yếu tố gồm đơn hàng mới, sản xuất, việc làm, giao hàng từ nhà cung cấp và hàng tồn kho. Theo nhà kinh tế David Qu của Bloomberg Intelligence, tăng trưởng PMI sản xuất tháng 3 của Trung Quốc chủ yếu nhờ yếu tố sản xuất và đơn hàng mới. Trong đó, chỉ số sản xuất tăng từ 49,8 điểm lên 52,2 điểm, còn đơn hàng mới tăng từ 49 điểm lên 53 điểm.

“Đây là những dấu hiệu rõ ràng cho sự gia tăng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc”, ông Qu nhận xét trong một báo cáo công bố ngày 31/3.

Tuy nhiên, theo ông Qu, số liệu mới nhất cho thấy giá tại cổng nhà máy của các nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục giảm, trong đó cầu phần giá thành phẩm thậm chí giảm mạnh. Giá tại cổng nhà máy là giá của sản phẩm trước khi xuất khỏi nhà máy, một chỉ số đã loại bỏ chi phí vận chuyển và giao hàng.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng trước, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay. Các nhà kinh tế đánh giá mục tiêu này không dễ đạt được trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp tục kéo dài cùng với áp lực lạm phát tại quốc gia này.

Từ đầu năm nay, nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục bơm thanh khoản dài hạn vào hệ thống ngân hàng nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay. Các quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng phát đi tín hiệu về việc có thể tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại.

Chính phủ Trung Quốc thời gian qua cũng tăng chi tiêu nhằm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời cam kết hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp chi tiêu, thay thế đồ dùng như ô tô, hàng gia dụng.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tin-hieu-khoi-sac-dau-tien-cua-nganh-san-xuat-trung-quoc.htm