Tín dụng tăng thêm đi đâu: Việt Nam đã có bài học

Tăng trưởng tín dụng quá cao chính là con dao hai lưỡi và Việt Nam đã có bài học trước đây khi có thời kỳ tăng trưởng tín dụng lên tới 30%.

Trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội  vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% năm nay mà Chính phủ đặt ra liệu có đạt? Đồng thời, tăng thêm 3% thì liệu nền kinh tế có hấp thụ được không, hấp thụ được thì vào đâu, bất động sản, thị trường chứng khoán?

Trong phần trả lời của mình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, hiện tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,8%.

Theo quy luật, quý 4 và tháng 11, tháng 12 sẽ có mức tăng trưởng cao hơn. Nếu kiểm soát lạm phát, cân đối vĩ mô và chất lượng tín dụng đảm bảo thì có thể điều hành trên mức 18%.

Trao đổi với Đất Viêt, một số chuyên gia kinh tế chia sẻ với băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cho rằng, từ băn khoăn này, các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xem xét để có giải pháp phù hợp.

Nhiều ý kiến lo ngại vốn tín dụng sẽ đổ vào lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán

TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc nâng mức tăng trưởng tín dụng có hai mặt.

Xét ở khía cạnh tích cực, trước hết, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP có quan hệ mật thiết, tỷ lệ thuận với nhau và đã được chứng minh bởi mô hình của nước ngoài.

Tùy vào sự hấp thụ của nền kinh tế và cách điều hành của ngân hàng trung ương các nước, tỷ lệ này giữa các nước sẽ khác nhau. Chính vì thế, để tăng trưởng GDP, ngoài các chính sách khác mà Chính phủ và các cơ quan, ban ngành thực hiện thì còn có biện pháp tăng trưởng tín dụng.

Thứ hai, quý 4 hàng năm vẫn có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Chẳng hạn, các năm trước trung bình quý 4 tăng trưởng 6-7% nhưng nếu tích cực điều hành với các công cụ như tín dụng, lãi suất, tỷ giá... thì khả năng có thể đạt được 10%.

Thứ ba, rót vốn vào lĩnh vực bất động sản tuy có rủi ro, nhưng không phải dự án nào cũng như vậy. Những dự án có căn hộ dưới 1,5 tỷ đồng, phù hợp với nhu cầu thực của tầng lớp người dân có thu nhập trung bình, vẫn sống tốt và ngân hàng vẫn rót tín dụng vào bình thường, nhất là khi chủ đầu tư những dự án đó có dòng tiền tốt, lịch sử vay nợ tốt và họ trả nợ bình thường, đầy đủ. Hiện tại, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đang hấp thụ vốn tốt.

"Thực chất, nền kinh tế Việt Nam trong quý 4 rất cần vốn của hệ thống ngân hàng vì hiện nay trên 70% nguồn vốn của nền kinh tế chủ yếu là từ nguồn vốn của ngân hàng. Do điều kiện thị trường tài chính Việt Nam phát triển chưa đồng đều, gánh nặng trên vai hệ thống ngân hàng rất lớn, cho nên ngân hàng tăng cường tín dụng phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế", TS Bùi Quang Tín chỉ rõ.

Trong khi đó, xét ở khía cạnh tiêu cực, trong khi quý 4 hàng năm tăng trưởng tín dụng đạt 6-7%, giờ nếu tăng thêm khoảng 3% nữa sẽ tạo ra áp lực lên lạm phát. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, lạm phát mục tiêu bình quân của Việt nam khoảng 3,8%. Một trong những cách để tăng trưởng tín dụng là tăng cung tiền và như thế sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.

Thứ hai, sự lo lắng của người dân và các cơ quan điều hành liên quan tới đến vấn đề nợ xấu. Tăng trưởng tín dụng luôn gắn với nguy cơ tăng trưởng nợ xấu, mà các món nợ xấu giải quyết theo Nghị quyết 42 của Quốc hội chỉ áp dụng cho các món nợ trước ngày 15/8/2017 và các món nợ này ngân hàng cũng chưa giải quyết xong.

Thứ ba, trong các lĩnh vực ngân hàng giải ngân, lĩnh vực bất động sản và chứng khoán vẫn là lĩnh vực dễ cho vay nhất và cho vay với lãi suất cao hơn so với sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, rất nhiều ngân hàng vẫn mong muốn đổ vốn vào các lĩnh vực này, trong đó có dự án tốt, ngành tốt nhưng cũng có dự án xấu.

"Làm sao để kiểm soát cái xấu và xử lý cái xấu như thế nào? Giữa cái xấu và cái tốt có sợi dây rất mỏng manh, nếu thanh tra, giám sát thiếu chặt chẽ, để vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, lại tập trung vào dự án xấu, không đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân thì tai hại vô cùng", TS Tín lưu ý.

Trong khi đó, cũng để tâm đến phần giải thích của đại diện Ngân hàng Nhà nước, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước theo dõi vấn đề này nhiều năm và quan trọng là giám sát, kiểm tra được chất lượng tín dụng thì mới nói được như vậy.

"Còn bây giờ nếu thả ra, không quản lý, kiểm soát được chất lượng tín dụng thì cực kỳ nguy hiểm. Trước đây, Việt Nam đã trả giá khi có thời kỳ tăng trưởng tín dụng lên 30%, sau phải kéo xuống. Đây chính là con dao hai lưỡi nên cần phải tính toán kỹ", GS.TS Đặng Đình Đào lưu ý.

Vị chuyên gia cảnh báo, tăng trưởng tín dụng quá nhanh sẽ dẫn đến nợ xấu, các dự án không hiệu quả và hệ quả là rất nguy hiểm.

Mặt khác, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm 2017 thì quý 4 tăng trưởng phải đạt 7,31%,

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/tin-dung-tang-them-di-dau-viet-nam-da-co-bai-hoc-3345161/