Tín dụng kỳ vọng cán đích 12%

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của năm nay được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dựa trên các chỉ tiêu kinh tế và lạm phát đề ra từ đầu năm. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, sẽ không tăng tín dụng bằng mọi giá, tuy nhiên vẫn có nhiều tín hiệu đạt được mục tiêu đề ra.

Dòng vốn sẽ hướng vào các ngành trọng điểm

CôngThương - Tăng tín dụng có thể đạt mục tiêu

Theo NHNN, đến cuối tháng 10/2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống đạt mức 7,02%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (chỉ tăng 3,54%). Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định: Trên cơ sở kết quả đạt được những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2012, có cơ sở để tin tưởng rằng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cuối năm 2013 sẽ đạt khoảng 11 - 12%.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) được ngành ngân hàng đưa ra thời gian qua như: Giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại các khoản vay; xem xét miễn, giảm lãi vay, không thu lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau…, đã góp phần không nhỏ trong việc tăng trưởng tín dụng, nhất là ở những lĩnh vực ưu tiên. Thống kê của NHNN cho thấy, đến hết tháng 9/2013, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng đạt 646.706 tỷ đồng, tăng 15,17% so với ngày 31/12/2012. Dư nợ cho vay của lĩnh vực này chiếm khoảng 19,58% dư nợ nền kinh tế và dự kiến trong năm 2013 cho vay nông nghiệp sẽ tăng khoảng 18%. Tăng trưởng dư nợ so với cuối năm 2012 của các lĩnh vực ưu tiên khác cũng tương đối khả quan, cụ thể như: Cho vay xuất khẩu ước đạt 157 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4%; cho vay DN nhỏ và vừa ước đạt 856 nghìn tỷ đồng, tăng 0,75%.

Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN BÌNH: NHNN đã điều hòa lượng tiền trong lưu thông một cách hợp lý và đang dự trữ một số vốn tương ứng để sẵn sàng cho tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm. Hoạt động này không gây ảnh hưởng đến kế hoạch cung tiền của NHNN và nhờ đó, sẽ kiềm chế được gia tăng của lạm phát nếu tín dụng có tăng mạnh trong các tháng tới.

“Nới” điều kiện cho doanh nghiệp

Văn bản số 7558/NHNN-TD ngày 14/10/2013 của NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến điều kiện và thủ tục tín dụng đã mang lại nhiều cơ hội cho DN trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng phải phối hợp chặt chẽ với nhau và làm việc với khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong trường hợp nhiều ngân hàng cùng cho vay đối với một khách hàng. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét và quyết định xử lý đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ như: Miễn, giảm lãi vốn vay; không thu lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau.... Đặc biệt, cơ quan này cho phép các ngân hàng không xem xét các điều kiện về các khoản nợ cũ khi khách hàng vay vốn mới có dự án, phương án kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo thu hồi được nợ.

Hai tháng còn lại của năm 2013, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh nguồn vốn ra thị trường thông qua các gói tín dụng trị giá hàng tỷ đồng với lãi suất hấp dẫn. Ông Trần Xuân Quảng – Phó Tổng giám đốc Maritime Bank- nhận xét: So với thời điểm này của các năm trước, nhu cầu vốn của DN hiện nay không cao bằng. DN có khó khăn về tiếp cận vốn có thể do họ cũng đang thực sự gặp khó khăn trong kinh doanh chứ không phải do ngân hàng “thắt chặt” cho vay. Ông Quảng cho rằng, để tín dụng tăng trưởng tốt thì bên cạnh các chính sách vĩ mô, việc xử lý nợ xấu thông qua Công ty quản lý tài sản (VAMC) cũng góp phần hỗ trợ các DN có khả năng tiếp cận vốn trở lại.

Duy Minh

Dòng vốn sẽ hướng vào các ngành trọng điểm

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/tai-chinh/44649/tin-dung-ky-vong-can-dich-12.htm