Tín chỉ nhựa: Giải pháp toàn diện

Mặc dù còn khá mới mẻ ở Việt Nam, tín chỉ nhựa là công cụ khá toàn diện để các nước giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

TS. Lê Xuân Thịnh - Công ty TNHH Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) - cho biết: Tín chỉ nhựa là các đơn vị có thể đo lường, xác minh và chuyển nhượng đại diện cho một lượng nhựa cụ thể, thường là một tấn nhựa, đã được thu gom từ môi trường hoặc được tái chế. Các doanh nghiệp đang hướng tới thực hiện thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa trong chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm có sử dụng nhựa, tuần hoàn nhựa, quan tâm đến an sinh xã hội, môi trường, và phát triển bền vững, đều là những đối tượng phù hợp để có thể tham gia thực hiện Dự án tín chỉ nhựa đang được Công ty Cổ phần Tư vấn năng lượng và Môi trường (VNEEC) phối hợp với South Pole xây dựng và kết nối các đối tác tiềm năng trong nước với khách hàng quốc tế có nhu cầu mua tín chỉ.

Tín chỉ nhựa mang lại nhiều lợi ích cho cả bên mua và bên bán. Ảnh: Duy Tân

Tín chỉ nhựa mang lại nhiều lợi ích cho cả bên mua và bên bán. Ảnh: Duy Tân

Bà Đặng Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC) - cho biết: Lợi ích từ việc tham gia dự án tín chỉ nhựa rất lớn. Đối với bên mua, ngoài thúc đẩy phát triển bền vững, còn có thể bù đắp cho lượng nhựa công ty sản xuất và đưa vào môi trường, tạo cơ hội cho công ty đạt được “trung hòa nhựa”. Đồng thời, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững cũng như tác động tích cực với cộng đồng địa phương và cộng đồng toàn cầu. Đối với bên bán là những doanh nghiệp thu gom, xử lý và tái chế chất thải nhựa, họ cũng có cơ hội đạt được lợi ích kép (kinh tế, môi trường) từ việc tham gia dự án tín chỉ nhựa.

TS. Lê Xuân Thịnh cho rằng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn (RECP) trong sản xuất tái chế nhựa, rác thải nhựa sẽ được phân loại, sau đó qua các công đoạn để tạo hạt nhựa hoặc sử dụng tuần hoàn. Nhựa thải hiện có từ nhiều nguồn khác nhau, là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm nhựa có ích. Các sản phẩm nhựa tái chế dưới nhiều hình thức như ngói nhựa, gạch lát, thùng rác, ghế…

Trước mối đe dọa từ chất thải nhựa và túi nilon, Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, gắn kết hành động chống rác thải nhựa, sử dụng có hiệu quả tài nguyên với chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một phần, khó phân hủy. “Áp dụng tiêu dùng bền vững trong quản lý rác thải nhựa, nhà sản xuất cần hạn chế sản xuất và dần thay thế các sản phẩm nhựa. Đối với người tiêu dùng, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và nhựa dùng một lần” - ông Thịnh nhấn mạnh

Theo ông Thịnh, tín chỉ nhựa là xu hướng mới. Ngoài thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, việc mua tín chỉ nhựa sẽ giúp các doanh nghiệp “trung hòa nhựa” và đạt các mục tiêu phát triển bền vững… Năm 2022, để triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã ban hành Quy chế hoạt động của chương trình nhằm thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Trong đó, Bộ Công Thương đã tập trung xây dựng định mức tiêu hao nguyên liệu cho các ngành giấy, nhựa, dệt may; khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, vật liệu tái tạo, tái sinh; phát triển hệ thống phân phối, tiêu dùng bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; triển khai áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực chế biến, chế tạo… Đặc biệt, cần truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-chi-nhua-giai-phap-toan-dien-275907.html