Tín chỉ carbon - giá trị mới từ rừng

Điện Biên có hơn 423.000ha rừng, với tỷ lệ che phủ đạt 44%, là tỉnh có diện tích rừng đứng thứ 7/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc (theo Quyết định số 816/QĐ-BNN ngày 20/3/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về công bố hiện trạng rừng năm 2023). Với diện tích rừng lớn, Điện Biên được đánh giá là một trong những bể chứa carbon rừng của cả nước. Đây là nguồn lực đáng kể để bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 (Netzero) của Việt Nam với thế giới.

Lực lượng kiểm lâm Mường Chà tuyên truyền đến người dân, chủ rừng về tầm quan trọng của việc giao khoán, bảo vệ rừng.

Lực lượng kiểm lâm Mường Chà tuyên truyền đến người dân, chủ rừng về tầm quan trọng của việc giao khoán, bảo vệ rừng.

Tiềm năng lớn

Tín chỉ carbon rừng là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (C02) hoặc một tấn khí C02 tương đương. Một tín chỉ carbon tương đương với một tấn CO2 (cho phép phát thải một tấn CO2 hoặc quy đổi tương đương từ các loại khí nhà kính khác như CH4, NO2). Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng và tái tạo thảm thực vật (ARR), hoạt động tăng cường quản lý rừng (IFM). Việc phát triển các dự án tín chỉ carbon rừng là cơ hội lớn để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao đời sống người dân và chống biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo khoa học về phát triển đô thị, công nghiệp xanh, thông minh gắn với thị trường tín chỉ carbon (tổ chức ngày 12/1/2024 tại Điện Biên), ông Hoàng Hiệp, Viện trưởng Viện nghiên cứu tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh Điện Biên sẽ có nhiều cơ hội và thách thức. Trong đó, chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon là cơ hội lớn bởi tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, tỷ lệ đô thị còn thấp và tỷ trọng phát triển công nghiệp chưa cao để hiện thực hóa chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số trong phát triển đô thị và công nghiệp”.

Người dân xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé nhận giao khoán bảo vệ rừng.

Người dân xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé nhận giao khoán bảo vệ rừng.

Trong khu vực Tây Bắc, Điện Biên thuộc nhóm tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển ngành nông, lâm nghiệp đa dạng gắn với công nghiệp chế biến, du lịch trải nghiệm, phù hợp mô hình phát triển kinh tế xanh, phát thải thấp trong tương lai. Tỷ lệ đô thị hóa của Điện Biên còn thấp là thuận lợi trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 28%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,5% trong GRDP; một số ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh Điện Biên bao gồm: thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng (gạch xây, đá xây dựng, xi măng), khai thác khoáng sản... đây là một số nhóm ngành có tỷ lệ phát thải cao.

Những năm qua, đời sống người dân trong tỉnh, đặc biệt các hộ sinh sống gần khu vực rừng thu nhập còn hạn chế, tình trạng phát phá rừng trái phép còn xảy ra. Tỉnh đã và đang vận dụng các chính sách của Trung ương hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư giao khoán quản lý, bảo vệ rừng nhằm giảm thiểu tác động lên rừng. Song các mức khoán hỗ trợ thực tế còn thấp. Vì vậy, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon sẽ đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo tính toán ban đầu, trữ lượng carbon rừng Việt Nam, bao gồm Điện Biên dao động từ khoảng 1 - 19 tấn/ha, cá biệt có những nơi hơn 100 tấn/ha. Điều này cho thấy Điện Biên đang có một nguồn tài nguyên mới rất giàu tiềm năng, nhưng chưa được khai thác.

Kiểm lâm huyện Mường Nhé tuyên truyền người dân bảo vệ, phát triển rừng, sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Kiểm lâm huyện Mường Nhé tuyên truyền người dân bảo vệ, phát triển rừng, sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Khi tham gia giao dịch tín chỉ carbon (hiện nay mỗi tín chỉ carbon có giá 5 USD) sẽ đem lại một nguồn thu lớn, góp phần tăng thu nhập của người trồng rừng và bảo vệ rừng; thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững của địa phương. Về môi trường, sẽ giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nỗ lực của cộng đồng quốc tế liên quan đến giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, hiện nay việc kinh doanh tín chỉ carbon vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể nên nhiều doanh nghiệp muốn mua tín chỉ carbon nhưng lại không thể. Trên cơ sở Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”. Theo đó năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Sẵn sàng gia nhập thị trường tín chỉ carbon

Để sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon rừng, những năm qua tỉnh Điện Biên đã triển khai những hành động cụ thể. Đặc biệt, tỉnh đã phê duyệt dự án bảo vệ phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu đầu tư phát triển diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng cây phân tán để góp phần nâng tỷ lệ che phủ đến năm 2025 đạt 45,5%; bảo tồn đa dạng sinh học và chức năng của hệ sinh thái rừng. Qua đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện sinh kế từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc chăm sóc rừng trồng thay thế tại xã Mường Mươn, huyện Mường Chà. (Ảnh CTV)

Lực lượng chức năng kiểm tra việc chăm sóc rừng trồng thay thế tại xã Mường Mươn, huyện Mường Chà. (Ảnh CTV)

Để có thể khai thác tối đa lợi thế, chủ động phát triển thị trường carbon, các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh, Viện Quản lý phát triển đô thị, Viện Chiến lược chuyển đổi số, Trung tâm tư vấn - Viện Kiến trúc nhiệt đới đều cho rằng: Điện Biên cần có thêm những chính sách khuyến khích, thu hút phát triển các dự án bảo vệ và phát triển rừng, tạo nguồn tín chỉ carbon chất lượng cao; chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, phục hồi rừng ở các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông…

Bà Ngô Thị Thanh Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư SDP cho biết: Tín chỉ carbon rừng Điện Biên đang có tiềm năng rất lớn với diện tích rừng hiện hữu. Cùng đó chính sách trồng rừng, phát triển rừng và các biện pháp bảo vệ rừng được triển khai hiệu quả. Với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp gần 695.000ha (chiếm 72,8% diện tích đất tự nhiên), Điện Biên cần đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp chế biến gỗ và thúc đẩy người dân trồng rừng lấy gỗ để nâng cao kinh tế rừng. Bên cạnh đó, diện tích trồng cây mắc ca lớn cũng là một tiềm năng để hấp thụ CO2 tạo ra tín chỉ carbon. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân, nhà đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động nghiên cứu, phát triển tín chỉ carbon tại tỉnh.

Việc phát triển cây keo lấy gỗ vừa đem lại hiệu quả kinh tế rừng, vừa tạo tín chỉ carbon rừng.

Việc phát triển cây keo lấy gỗ vừa đem lại hiệu quả kinh tế rừng, vừa tạo tín chỉ carbon rừng.

Thực hiện Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong năm 2022 toàn tỉnh đã chăm sóc gần 702ha rừng trồng; khoanh nuôi tái sinh 15.386ha; trồng mới hơn 391ha rừng tập trung; trồng hơn 906.000 cây phân tán. Năm 2023, toàn tỉnh đã trồng mới hơn 1.551ha rừng (đạt 373,93% kế hoạch năm). Ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng 5.342ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ 489ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng cây lâm sản ngoài gỗ 22ha.

Cũng trong năm 2023, toàn tỉnh đã trồng mới được 2.474ha cây mắc ca nâng tổng diện tích cây mắc ca trong toàn tỉnh lên hơn 7.249ha; hơn 2.180ha cây dược liệu… Đây được xem như giải pháp quan trọng để làm cơ sở xác định chủ quản lý rừng tự nhiên trước khi bước vào thị trường kinh doanh tín chỉ carbon.

Phát triển cây dược liệu là một trong những giải pháp kinh doanh tín chỉ carbon.

Phát triển cây dược liệu là một trong những giải pháp kinh doanh tín chỉ carbon.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng không chỉ phù hợp với xu hướng của thế giới, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đúng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; góp phần thực hiện cam kết Netzero của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26. Tỉnh Điện Biên hiện đang tích cực triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng để tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/quan-ly-bao-ve-rung/215303/tin-chi-carbon---gia-tri-moi-tu-rung