Tin cảnh báo: Vụ ngộ độc ở Lai Châu nghi nguyên nhân không chỉ do rượu

Tin cảnh báo: 70% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không đạt chuẩn; Nhiễm trùng uốn ván ở trẻ tăng cao; Nguy cơ virus cúm A (H7N9) xâm nhập vào Việt Nam... là những tin cảnh báo nổi bật nhất trong ngày.

Vụ ngộ độc ở Lai Châu nghi nguyên nhân không chỉ do rượu?
Ông Đồng Xuân Linh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phong Thổ cho biết, tính tới thời điểm này các nạn tử vong và nhập viện đều bị ngộ độc, tuy nhiên, nguyên nhân thì không phải tất cả do ngộ độc methanol.

Ông Linh lý giải, trong số những bệnh nhân đang được điều trị tại trung tâm, hầu hết nam giới đều uống rượu, nhưng có 6 phụ nữ và 1 trẻ em không uống rượu nhưng vẫn bị ngộ độc. Các nữ bệnh nhân Giàng Tả Mẩy (53 tuổi); Tô Si Son (25 tuổi); Phu A Gồ (27 tuổi); Nù Tả Mẩy (58 tuổi); bệnh nhi Hờ Ơ Seo (7 tuổi) cũng khẳng định chưa từng uống rượu.

Riêng về công tác xét nghiệm, điều tra nguyên nhân, tính đến thời điểm này mới có kết quả kiểm nghiệm các mẫu rượu từ viện Kiểm nghiệm Quốc gia và Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Vụ ngộ độc thực phẩm ở Lai Châu nghi nguyên nhân không chỉ do ngộ độc rượu chứa methanol. Ảnh: Khám Phá

Vụ ngộ độc thực phẩm ở Lai Châu nghi nguyên nhân không chỉ do ngộ độc rượu chứa methanol. Ảnh: Khám Phá

Theo kết quả xét nghiệm từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, có 8 mẫu có nồng độ methanol trong máu cao hơn cho phép. Thậm chí có trường hợp có nồng độ methanol lên tới 326 mg/dL. Chỉ có 1 trường hợp là nữ được xét nghiệm âm tính với methanol và 1 ca có mức nồng độ thấp hơn 20mg/dL.

Còn Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã lấy mẫu rượu tại địa điểm trên để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng methanol là 970 mg/l cồn 1000, 556.000 mg/l cồn 1000 và 475.000 mg/l cồn 1000. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm Đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về Rượu trắng (TCVN 7043:2013) hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/l cồn 1000. Như vậy, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol vượt ngưỡng nhiều lần.

70% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở Q.1 không đạt chuẩn

Kết quả kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của 10 trạm y tế trên địa bàn Q.1, TP.HCM, cho thấy năm 2016, trong số 2.222 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, chỉ 663 (29,8%) cơ sở đạt chuẩn.

Đoàm giám sát HĐND TP kiểm tra ngành hàng kinh doanh thực phẩm tại chợ Bến Thành sáng 16-2. Kết quả kiểm tra của năm 2015, tỉ lệ cơ sở đạt chuẩn cũng chỉ 10.8%. Thông tin được đưa ra tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn quận 1 năm 2015-2016 vào chiều 16/2.

Nguyên nhân tỉ lệ đạt chuẩn thấp là do người kinh doanh có trình độ học vấn thấp, gia đình khó khăn, không có giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm… Hàng năm, trạm y tế các phường tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng số người tham gia rất hạn chế.

Nhiễm trùng uốn ván ở trẻ tăng cao

Phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh uốn ván. Liên quan đến vụ việc một bé sơ sinh hơn 10 ngày tuổi ở xã Yang Réh, huyện Krông Bông, Đăk Lăk bị uốn ván do bà đỡ cắt rốn bằng dao lam, Giám đốc trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết, đây là trường hợp thứ 3 xảy ra trên địa bàn từ đầu năm đến nay, trong đó có 2 trường hợp tử vong, 1 trường hợp nguy kịch. Cả 3 trường hợp đều là con của các bà mẹ là người dân tộc thiểu số, thực hiện sinh đẻ tại nhà, người mẹ không được tiêm phòng vaccine uốn ván.

Ngành y tế tỉnh Đăk Lăk khuyến cáo, phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh uốn ván, tuyệt đối không sinh đẻ tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn cho bà mẹ và trẻ em.

Nguy cơ virus cúm A (H7N9) xâm nhập vào Việt Nam

Ngày 16/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch cúm A (H7N9) đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc. Mặc dù đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm trên người nhưng Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập virus cúm A (H7N9) từ vùng có dịch.

Do nước ta có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nơi đã ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A (H7N9), thêm vào đó việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập virus cúm A (H7N9) từ vùng có dịch. Mặc dù, cho đến nay Việt nam chưa ghi nhận các trường hợp mắc cúm A (H7N9) trên người.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm A (H7N9) sang người, xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Cảnh báo dòng kháng sinh fluoroquinolone có nhiều tác dụng phụ

Bộ Y tế Canada vừa tăng cảnh báo đối với loại kháng sinh fluoroquinolone do có liên quan với nhiều tác dụng phụ kéo dài, hoặc gây mất năng lực cơ thể trong một số trường hợp hiếm gặp.

Nguồn tin từ cơ quan trên cho biết cảnh báo được áp dụng cho các loại kháng sinh fluoroquinolone dạng uống và tiêm, dùng trong việc điều trị nhiễm trùng hô hấp, đường tiết niệu và một số chứng bệnh khác. Tên gọi phổ biến của các sản phẩm có chứa fluoroquinolone gồm Ciprofloxacin (Cipro), Moxifloxacin (Avelox), Levofloxacin, Norfloxacin và Ofloxacin.

Cách đây 9 năm, vào năm 2008, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Y tế Canada cũng đã yêu cầu các hãng sản xuất thuốc fluoroquinolone phải ghi cảnh báo trên nhãn về khả năng thuốc có thể gây viêm gân hay thậm chí đứt gân của người sử dụng.

Những nghiên cứu mới cho thấy ngoài những tác dụng phụ nêu trên, dòng kháng sinh fluoroquinolone còn có thể gây tổn hại hệ thần kinh ngoại vi và hệ thần kinh trung ương (như chứng lo âu, chóng mặt hoặc rối loạn tiền đình).

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tin-canh-bao-vu-ngo-doc-o-lai-chau-nghi-nguyen-nhan-khong-chi-do-ruou-d115279.html