Tìm 'vạch đích' cho di sản

Tự hào là quốc gia có 15 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh và hàng trăm di sản cấp quốc gia. Tuy nhiên, để các di sản sống mãi với thời gian vẫn còn đó một hành trình dài trong việc trao truyền cho các thế hệ mai sau và những nỗi lo của sự biến tướng.

Di sản văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ, lan tỏa.

Di sản văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ, lan tỏa.

Băn khoăn giữa bảo tồn và phát huy

Cùng với các di sản được UNESCO vinh danh, Việt Nam hiện nay còn đang sở hữu một số lượng lớn các di sản phi vật thể cấp quốc gia, cấp địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào về “kho tàng” di sản đồ sộ, vẫn còn đó những băn khoăn. Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương sau khi di sản được vinh danh, việc bảo tồn di sản nảy sinh nhiều yếu tố bất cập. Thậm chí, có địa phương di sản đã biến dạng hoặc đánh mất vai trò của chủ nhân di sản, đem di sản tách rời khỏi không gian, môi trường sản sinh ra di sản. Ở đó, câu chuyện giữ “tính thiêng” của di sản và “sân khấu hóa” dường như vẫn chưa tìm được “sợi dây” kết nối.

Theo TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, các di sản đều gắn chặt với không gian văn hóa sản sinh ra di sản. Đó có thể là không gian thiêng ở đình làng, ở nơi có các địa điểm hay các sự tích thiêng hoặc không gian thiêng của bản làng... Các không gian thiêng tuy chưa cấu trúc thành loại hình văn hóa nghệ thuật của di sản nhưng nó lại là một bộ phận cực kỳ quan trọng của di sản.

Ông Sơn dẫn chứng, với di sản “Thực hành nghi lễ Then” thì phải gắn với bàn thờ Then; di sản “Hát chống quân Đức Bác” phải gắn với ngôi đình - trung tâm thiêng của lễ hội Cầu Đinh; di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ” phải gắn với các không gian thiêng là các đền, phủ. Nhưng khi bảo tồn di sản, ở nhiều địa phương lại không chú trọng về không gian. Bảo tồn di sản “Thực hành nghi lễ Then” ở nhiều nơi chỉ coi trọng phần nghệ thuật biểu diễn như hát Then, đàn tính.

Trước đó, thời kỳ đầu khi được ghi danh hát Xoan chưa chú ý đến nghi lễ hát ở cửa đình mà chủ yếu tập hát phổ cập cho học sinh ở các trường học... Những hiện tượng bảo tồn trên đã phá vỡ cấu trúc của di sản, thậm chí, làm cho di sản biến dạng.

Không nhưng vậy, để “viết tiếp” hành trình cho di sản hiện nay cũng đặt ra những băn khoăn về xu hướng biểu diễn, sân khấu hóa di sản đang phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương và thậm chí là cả đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện nay với danh xưng di sản thì nhu cầu biểu diễn, gắn kết đang ngày càng trở nên phổ biến trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch, bên cạnh đó là các cuộc thi, liên hoan. Cùng với đó, một vấn đề “nổi cộm” hiện nay là di sản luôn gắn liền với chủ thể - chủ nhân của di sản là các nghệ nhân, đặc biệt là cộng đồng. Thế nhưng hiện nay cộng đồng không được tham gia vào việc tổ chức, thực hành các di sản. Thay vào đó là bộ máy hành chính của nhà nước hoặc các doanh nghiệp.

Đi tìm công thức chuẩn

Có thể nói, câu chuyện bảo tồn và phát huy di sản, đặc biệt là các di sản phi vật thể đến nay vẫn còn nhiều “nút thắt” chưa được tháo gỡ. Nếu không nói là ngay chính cộng đồng thực hành di sản vẫn còn đó nhưng băn khoăn về “công thức” chuẩn để phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Đơn cử như Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt - một trong những “điểm nóng” về thực hành di sản phi vật thể hiện nay.

Theo GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia, một số tổ chức xã hội lạm dụng danh nghĩa, quyền hạn để cấp các danh hiệu di sản như: Đền đạt chuẩn đền thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ; Việt Nam linh thiêng cổ tự, danh hiệu Nghệ nhân văn hóa dân gian... Nhìn chung, đó thực chất là những hình thức mua bán danh hiệu "ăn theo" danh hiệu của UNESCO...

Bà Loan cũng bày tỏ, một biểu hiện không hay nữa là mâu thuẫn nảy sinh giữa các bản hội, cộng đồng tín ngưỡng. Tính chất cạnh tranh cả về quyền lực, quyền lợi và uy tín trong cơ chế thị trường càng khiến cho sự mất đoàn kết có xu hướng gia tăng. Hiện tượng bằng mặt mà không bằng lòng, gièm pha, nói xấu lẫn nhau ngày càng phổ biến. Điều đó khiến cho môi trường tâm linh và những giá trị nhân văn của tín ngưỡng thờ Mẫu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm lỏng lẻo tính cố kết cộng đồng, gây nên sự mất thiện cảm ở người ngoài cuộc.

“Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nhìn nhận, tổng kết, đánh giá kịp thời thực trạng thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, chỉ ra những mặt được và chưa được, để từ đó có những đối sách, giải pháp quản lý phù hợp và hiệu quả” - bà Loan nói.

Thực tế cho thấy, để bảo tồn và phát huy các di sản, ngoài việc thực hiện đúng theo các Công ước quốc tế, gắn kết cộng đồng mà là những hành động thực tế từ các cơ quan quản lý nhằm chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản và tín ngưỡng làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tim-vach-dich-cho-di-san-5726880.html