Tìm lại sự cân bằng

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm (Donald Trump) đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị lãnh đạo nước Mỹ. Chặng dừng chân đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng là hai nước Trung Đông A-rập Xê-út và I-xra-en. Ông cũng dự kiến sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Pa-le-xtin, Tổng thống Ma-mút Áp-bát (Mamoud Abbas) tại Bét-lê-hem. Tiếp theo, Tổng thống Đô-nan Trăm sẽ tới châu Âu với điểm dừng chân ở Tòa thánh Va-ti-căng, dự Hội nghị NATO ở Brúc-xen (Bỉ) và Hội nghị G7 tại I-ta-li-a.

Việc lựa chọn Trung Đông là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của ông Đô-nan Trăm trên cương vị Tổng thống cho thấy "chảo lửa" xung đột này tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Oa-sinh-tơn. Tới Trung Đông trong bối cảnh khu vực này đang chìm trong các cuộc xung đột bạo lực và chia rẽ ở Xy-ri, I-rắc và tiến trình hòa bình Pa-le-xtin - I-xra-en ngưng trệ, chương trình nghị sự của ông Đô-nan Trăm không hề nhẹ nhàng. Trong đó, người ta đặt hy vọng nhiều nhất vào những nỗ lực của chính quyền Oa-sinh-tơn trong việc nối lại tiến trình đàm phán Trung Đông nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột dai dẳng giữa Pa-le-xtin và I-xra-en.

Sự trông đợi càng được khích lệ khi gần đây, Tổng thống Đô-nan Trăm đã cho thấy hướng tiếp cận mềm mỏng hơn trong vấn đề này, với cam kết sẽ trở thành nhà trung gian hòa giải để tiến tới đạt thỏa thuận hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Các tin tức cho thấy ông Đô-nan Trăm sẽ chưa đưa ra quyết định có chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Ten A-víp về Giê-ru-xa-lem hay không trong chuyến công du lần này, nhằm tránh đẩy xa Pa-le-xtin khỏi các cuộc hòa đàm tương lai với I-xra-en mà Oa-sinh-tơn đang thúc đẩy. Đặc biệt, gần đây ông Đô-nan Trăm đã cho thấy mối quan tâm nhiều hơn dành cho vấn đề này khi tiếp đón Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát tại Oa-sinh-tơn trước chuyến thăm không lâu và đưa ra những cam kết thúc đẩy hòa bình. Ông cũng đang thúc đẩy kế hoạch được gọi là “cách tiếp cận từ bên ngoài” đối với cuộc xung đột Pa-le-xtin – I-xra-en, theo đó Oa-sinh-tơn sẽ khiến các nước A-rập bằng cách nào đó gây áp lực để Pa-le-xtin “làm lành” với I-xra-en. Oa-sinh-tơn đang ấp ủ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo A-rập với I-xra-en để đưa hai bên vào “một cuộc mặc cả lớn” dựa trên lợi ích chung của các bên liên quan đến vấn đề này. Ông Đô-nan Trăm sẽ có cơ hội thúc đẩy hướng tiếp cận được cho là mới mẻ này khi ở thăm A-rập Xê-út, nơi ông sẽ có một cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các nước A-rập và Hồi giáo trong khuôn khổ các cuộc họp rộng.

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm . Ảnh: ABC News

Kết quả những nỗ lực trên của chính quyền Tổng thống Đô-nan Trăm như thế nào vẫn phải chờ xem, bởi đây là vấn đề mà các chính quyền Mỹ tiền nhiệm liên tục gặp thất bại. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn cùng cách tiếp cận mới này trong vấn đề hòa bình Trung Đông của chính quyền Tổng thống Đô-nan Trăm được hy vọng là có xác suất thành công cao. Tổng thống Đô-nan Trăm từng cho biết tham vọng muốn là người khép lại thỏa thuận hòa bình cho khu vực hỗn loạn này.

Ngoài chương trình nghị sự nổi bật là hòa bình Pa-le-xtin - I-xra-en, chuyến công du của ông Đô-nan Trăm còn nhằm khẳng định cam kết với các đồng minh chiến lược ở khu vực như A-rập Xê-út và I-xra-en, cũng như tạo dựng niềm tin đối với các nước A-rập Hồi giáo. Ông Đô-nan Trăm muốn gửi tới các nước này một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ đang cùng sát cánh với họ trong đối phó với các vấn đề nổi cộm ở khu vực và sẽ không từ bỏ họ. Bởi mục tiêu của chính quyền Tổng thống Đô-nan Trăm còn nhằm củng cố và thắt chặt liên minh chống khủng bố trong bối cảnh Oa-sinh-tơn đang đẩy nhanh mục tiêu tiêu diệt Tổ chức khủng bố IS tự xưng cũng như sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan, vốn đang là mối đe dọa lớn không chỉ ở khu vực mà cả thế giới, và nước Mỹ không phải ngoại lệ. Cũng như những người tiền nhiệm, Tổng thống Đô-nan Trăm đã vẽ lên một bức tranh đầy hy vọng cho khu Trung Đông với những lời phát biểu nghe hấp dẫn. Trước chuyến thăm, ông nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng ta không phải là chỉ đạo người khác sống như thế nào mà là xây dựng liên minh giữa những người bạn và những đối tác, những người chia sẻ mục tiêu chống khủng bố và mang lại an ninh, cơ hội và sự ổn định cho Trung Đông”.

Để đạt được những mục tiêu ở Trung Đông, bao gồm việc giành quyền ảnh hưởng ở khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng này, Oa-sinh-tơn đang có cách thể hiện khôn khéo và thực dụng. Oa-sinh-tơn cũng hiểu rằng cả Mỹ và các nước khu vực đều chia sẻ lợi ích chung là một Trung Đông ổn định và phi bạo lực. Tổ chức khủng bố IS và Al-Qaeda đã lợi dụng mớ hỗn độn ở Trung Đông để bành trướng, tuyển mộ chiến binh và gây tội ác khắp nơi, không ít lần trên cả đất Mỹ. Chính quyền Oa-sinh-tơn hiểu rằng, để đạt được các tham vọng của mình ở khu vực, cách tốt nhất là phối hợp chặt chẽ với các nước ở chính khu vực đó.

Ở chặng dừng chân châu Âu, Tổng thống Đô-nan Trăm sẽ họp với lãnh đạo các nước NATO và G7. Trước chuyến thăm, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống mong sớm gặp các đối tác NATO để khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với NATO, thảo luận mọi vấn đề quan trọng với liên minh, đặc biệt là chia sẻ trách nhiệm và vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố. Một châu Âu đang phải đối mặt với hậu quả từ các cuộc nội chiến ở Trung Đông khi phải đối phó với làn sóng di cư ồ ạt và các vụ tấn công khủng bố liên tiếp, sẽ không thể nằm ngoài mối quan tâm của Oa-sinh-tơn trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Sự bối rối ở châu Âu liên quan tới cuộc khủng hoảng nhập cư đang tạo mảnh đất màu mỡ cho khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy. Vì vậy việc củng cố một liên minh chống khủng bố vững chắc với các đối tác châu Âu trong NATO là một mục tiêu mà Oa-sinh-tơn không thể coi nhẹ.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên luôn được coi là dấu mốc quan trọng và thể hiện ưu tiên trong chính sách đối ngoại đối với mỗi Tổng thống Mỹ. Ông Đô-nan Trăm cả trước và sau khi trở thành Tổng thống Mỹ luôn tạo ấn tượng là một nhà lãnh đạo thiên về “đối nội” với phương châm nổi bật là “nước Mỹ trên hết”. Nhưng nhãn quan và tầm nhìn của ông Đô-nan Trăm trên cương vị nhà lãnh đạo nước Mỹ so với hồi đang là ứng viên tranh cử đã có sự khác biệt rõ ràng. Có thể nhận thấy ông Đô-nan Trăm đang có sự lựa chọn và điều chỉnh để cân bằng hơn giữa các ưu tiên đối nội và đối ngoại. Gần đây, với một loạt động thái mạnh mẽ liên quan tới cuộc chiến Xy-ri hay CHDCND Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Đô-nan Trăm đã cho thấy nước Mỹ không đứng ngoài cuộc trong các vấn đề quốc tế nổi cộm. Quyết định tấn công tên lửa Xy-ri và gia tăng sức ép quân sự lên Triều Tiên, Oa-sinh-tơn đã cho thấy một hướng tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Đô-nan Trăm, đó là quyết đoán và mạnh mẽ hơn.

Dù theo đuổi phương châm “nước Mỹ trên hết”, nước Mỹ cũng không thể đứng ngoài những vấn đề nóng bỏng toàn cầu. Trong một trật tự thế giới đầy biến động và đan xen, tác động lẫn nhau như hiện nay, Oa-sinh-tơn hiểu rằng việc cùng gánh vác trách nhiệm với các nước trên thế giới trong các vấn đề toàn cầu cũng nằm trong lợi ích của chính nước Mỹ.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/tim-lai-su-can-bang-507829