Tìm lại nụ cười cho trẻ khuyết tật

Mang lại niềm vui, kiến thức cho trẻ tự kỷ, trẻ bị khuyết tật... là hành trình đầy khó khăn, thử thách. Thế nhưng bằng tình yêu thương con trẻ, những giáo viên ở Trung tâm Giáo dục chuyên biệt Bầu trời xanh luôn tâm huyết với công việc của mình, góp phần trong việc tìm lại nụ cười cho những đứa trẻ kém may mắn.

Cô giáo Phạm Thị Khương hướng dẫn học sinh cách phân biệt màu sắc từ các loại củ, quả.

Qua lời giới thiệu của người bạn, hơn 3 năm trước, cô giáo Lê Thị Quỳnh đã “rẽ ngang” về dạy tại lớp “học sinh đặc biệt” này. Đặc biệt vì không giống như những học sinh bình thường khác, đây là lớp học dành cho trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ, không giao tiếp với mọi người xung quanh... Đây cũng là lớp học mà giáo viên không đứng trên bục giảng và cũng không có kỳ nghỉ hè như ở nhiều nơi khác.

Biết đặc thù của công việc và chuẩn bị tinh thần, kiến thức chuyên môn để can thiệp kịp thời cho học sinh, nhưng những ngày đầu chưa quen với môi trường mới, cô Quỳnh không tránh khỏi tình trạng chán nản, định rời bỏ để tìm công việc mới. Cô Lê Thị Quỳnh vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh của những ngày đầu đến lớp, nơi có nhiều em không giao tiếp, không hiểu được những giao tiếp đơn giản; mỗi khi cần gì, muốn gì đều tỏ thái độ la hét, đập phá, tự cắn tay mình. Chính vì vậy, cô Quỳnh không khỏi lo lắng và luôn tự hỏi liệu bản thân có làm tốt được công việc của mình? Trong quá trình can thiệp, cô luôn tâm niệm rằng cứ coi các em như người thân của mình yêu thương, vỗ về thì sẽ hiểu được tâm tính của từng học sinh để phương pháp dạy học hiệu quả.

3 năm gắn bó với trung tâm, cô Quỳnh đã tiếp xúc rất nhiều trẻ bị tự kỷ. Mỗi em đều có hoàn cảnh khác nhau nhưng có điểm chung là chịu thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Đối với cô cũng như giáo viên ở đây thì niềm hạnh phúc lớn nhất khi thấy các con tiến bộ hàng ngày, biết quay đầu khi gọi, giao tiếp cơ bản, vệ sinh cá nhân, những cái ôm của trò dành cho giáo viên. Vừa nắm tay cậu học trò tên Minh Khôi, cô Quỳnh chia sẻ: “Đây là trường hợp hai anh em sinh đôi được can thiệp tại đây. Lúc đầu các em hầu như ít có sự tương tác với giáo viên, không biết giao tiếp những kỹ năng cơ bản, vì vậy trách nhiệm của giáo viên ngoài tình thương thì cũng phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước, học ở sách vở để có cách dạy hiệu quả nhất. Qua thời gian can thiệp, tôi rất mừng vì em đã có sự tiến bộ vượt bậc khi đang tiếp cận với việc học chữ cái và những con số”.

Tương tự, cô Phạm Thị Khương cũng là một trong những giáo viên đã có nhiều năm gắn bó với trung tâm. Hôm tôi đến, cô đang dạy cho Hà My (3 tuổi ở phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) cách phân biệt màu sắc, cắt hoa quả bằng nhựa. Nhìn cách cô kiên trì, nhẫn nại, cầm tay chỉ bảo cho các em, cảm nhận rõ tình yêu nghề trong cô. Cô Khương cho biết, những ngày đầu Hà My đến đây em không thể chủ động ăn uống bình thường, thậm chí cũng chưa biết cầm hộp sữa để uống. Nhưng sau một thời gian dài can thiệp, đến nay Hà My hiểu được cô giáo nói, khi “nhờ” em lấy hộ đồ chơi, sách cũng như ăn uống hàng ngày cũng dễ dàng hơn. Trong quá trình dạy học, tôi thấy thỉnh thoảng Hà My lại ra ôm cô giáo. Những điều tưởng như đơn giản với những bạn cùng trang lứa, nhưng với những bạn bị tự kỷ thì đây là một quá trình nỗ lực rất lớn và là niềm hạnh phúc của người giáo viên.

“Nếu mình thực sự yêu thương trẻ, mình sẽ cố gắng hiểu được đứa trẻ. Quá trình dạy học của những bạn này không phải cứ giáo án đó mà áp dụng, bởi mỗi bạn đều có triệu chứng khác nhau, tôi thường phải quan sát, ghi chép hành vi để theo dõi và can thiệp phù hợp. Khi dạy các bạn đặc biệt như thế này mình phải tâm huyết thực sự thì mới có thể hiểu trẻ, yêu thương trẻ” - cô Khương chia sẻ.

Tại trung tâm, tôi đã bắt gặp hình ảnh của các bà, các mẹ đang ngồi xem camera được gắn tại các lớp học của con mình và nhận thấy niềm hạnh phúc của mọi người khi con có sự tiến bộ hàng ngày. Vừa đón cháu, chị N.T.N (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Đối với những người làm cha, làm mẹ, việc có con bị tự kỷ rất khổ về mọi mặt, con tôi trước đây chậm phát triển ngôn ngữ, không tương tác với mọi người xung quanh... Nhưng từ ngày được can thiệp, cháu đã có sự tiến bộ trong việc nhận thức một số kỹ năng sống cơ bản. Nhìn thấy con nhanh nhẹn hơn, nụ cười có hồn của con, gia đình tôi cũng vui vẻ hạnh phúc hơn nhiều”.

Và tôi hiểu rằng, niềm vui của chị N.T.N cũng là niềm vui của biết bao gia đình trong hoàn cảnh này. Bằng tình yêu thương, trách nhiệm, các giáo viên ở đây đã và đang cố gắng từng ngày để mang đến cho em những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, thắp sáng lên niềm tin, hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài và ảnh: Thu Thủy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/tim-lai-nu-cuoi-cho-tre-khuyet-tat/27952.htm