Tìm lại niềm tin

Cuối cùng, Vương Thị Huyền đã trở lại kể từ sau Olympic 2016. Nữ lực sĩ rất được kỳ vọng của cử tạ Việt Nam sẽ làm nên lịch sử tại Brazil đã thất bại đầy bất ngờ nhưng đó là quá khứ. Cô đã nhẹ nhàng giành HCV tại giải VĐQG 2016...

1. Thành tích tổng cử mà Vương Thị Huyền (Hà Nội) đạt được tại giải VĐQG 2016 (khai mạc ngày 29-10 tại Đà Nẵng) là 182kg (81kg cử giật, 101kg cử đẩy) qua đó giúp cô chiến thắng tuyệt đối giành 3 HCV. Mức 182kg so với những kết quả Huyền từng giành được trước đây còn quá khiêm tốn. Nhưng, Ban huấn luyện đội cử tạ đã xác định, thi đấu VĐQG có tính chất khác và cần đảm bảo thành tích huy chương. Huyền đã đạt được.

Lực sĩ Vương Thị Huyền

Thêm nữa, mọi người muốn nữ lực sĩ này ổn định tâm lý trở lại sau “cú sốc” Olympic 2016 nên thành tích vô địch quốc gia dù không quá to tát nhưng lại là một sự khích lệ và phần thưởng lấy lại tinh thần cho bản thân VĐV này. Olympic 2016 là lần gần nhất Vương Thị Huyền thi đấu nhưng cô không đạt được kết quả chung cuộc vì không có thành tích tổng. Vì vậy, kết quả chuyên môn gần nhất của Huyền là tại giải vô địch châu Á 2016 trong tháng 4. Khi đó, Huyền đạt 187kg tổng cử (87kg cử giật, 100kg cử đẩy) và xếp hạng 8. Thành tích tại giải VĐQG 2016 mà cô vừa có không thay đổi nhiều so với cách đây 6 tháng.

Khi đội cử tạ nói riêng và những VĐV của Hà Nội nói chung trở về từ Olympic 2016, nhiều người thật sự buồn vì mình không giành được chính kết quả như đã tập luyện. Vương Thị Huyền khi đó gần như im lặng không muốn tiếp xúc với báo giới. Vì thế, liệu pháp tâm lý từ các HLV để VĐV lấy lại thăng bằng rất quan trọng. Bản thân VĐV này sau đó hạ quyết tâm phải lấy lại hình ảnh ở giải VĐQG 2016. Và, sau đợt tập huấn tại Trung Quốc cùng đơn vị chủ quản, Huyền trở về sung sức hơn. Trước khi giải VĐQG 2016 thi đấu, Phó Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT), phụ trách môn cử tạ, - ông Đỗ Đình Kháng cũng xác nhận “hiện tại ở giải VĐQG, một số hạng cân thì sự vượt trội vẫn ở nhiều lực sĩ mạnh nòng cốt của đội tuyển. Các VĐV như Vương Thị Huyền, Nguyễn Thị Thúy, Trần Lê Quốc Toàn... khó có thể sơ sẩy nhưng họ vẫn phải thi đấu đúng khả năng mới giành được vị trí cao nhất cho đơn vị”.

2. Sau Olympic 2016, một số đội tuyển đã chính thức giải tán do nhiệm vụ quốc tế trong năm đã hết. Cử tạ trong số đó. Vì vậy, sự thành bại trong thi đấu giải VĐQG 2016 của từng người hoàn toàn trong sự chuẩn bị từ đơn vị chủ quản. Nhiều người đã đặt dấu hỏi rằng sau Olympic 2016 thì cử tạ Việt Nam sẽ thay đổi hay định hướng lại như thế nào? Theo tìm hiểu, con người trọng điểm của cử tạ vẫn có trong danh sách chuẩn bị của Tổng cục TDTT. Nói gì thì nói, cử tạ (trong hạng cân nhỏ của nam, nữ) là nơi thể thao Việt Nam đủ lực tranh chấp tại châu Á, thế giới. Vương Thị Huyền còn được ở nhóm trọng điểm hay không sẽ chờ danh sách sau khi Tổng cục TDTT thông qua là rõ.

Điều tiếc là năm 2017, Huyền cùng nhiều lực sĩ nữ không có cơ hội dự SEA Games 2017. Chủ nhà Malaysia bỏ nội dung cử tạ của nữ, chỉ đưa thi đấu hạng cân nam. Năm sau, 2 giải quan trọng nhất là vô địch châu Á và vô địch thế giới. Kể như, giải VĐQG 2016 tại Đà Nẵng là bước kết thúc cuối cùng trong năm thi đấu của Vương Thị Huyền để cô chuẩn bị năm tiếp theo. Một điều chắc chắn Huyền đã biết đấy là cử tạ Hà Nội vẫn hướng đầu tư trọng tâm vào lực sĩ này và có chương trình tập huấn dài ngày tại Trung Quốc cho tuyển thủ ở năm 2017.

Theo SGGP

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/cac-mon-khac/tim-lai-niem-tin-372-204721.html