Tìm kiếm những đại lộ mới cho hợp tác Mỹ-ASEAN

(Toquoc)-Hội nghị Cấp cao tại New York đã nhất trí nâng mối quan hệ Mỹ-ASEAN lên “tầm chiến lược”.

Trong buổi làm việc giữa các nhà lãnh đạo Hiệp hội ASEAN và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, tại New York sáng 24/9, ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tuyên bố rằng “trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, Hoa Kỳ cần thăm dò, khảo sát “những đại lộ mới” để mở rộng thị trường và phát triển việc làm”. Có lẽ không chỉ giới doanh nghiệp Mỹ, mà cả các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN và Tổng thống Mỹ dự cuộc gặp Cấp cao Mỹ-ASEAN lần thứ hai chiều 24/9 tại New York cũng đang tìm kiếm những “đại lộ mới” làm cho sự hợp tác giữa hai phía tăng thêm năng động và hiệu quả. Từ trái qua phải, Phó Tổng thống Indonesia Boediono, Chủ tịch Lào Choummaly Sayasone, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Obama, Tổng thống Philippine Benigno Aquino, Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Ngoại trưởng Myanmar U Nyan Win. Ảnh: Reuters Theo tin của TTXVN từ New York, các nhà lãnh đạo của Mỹ và ASEAN đã ra Tuyên bố chung gồm 25 điểm. Tuyên bố chung cho biết ASEAN đánh giá cao sự can dự liên tục của Mỹ với các nước thành viên của khối. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa mối quan hệ hiện nay, hoan nghênh ý tưởng nâng mối quan hệ này lên “tầm chiến lược”. Ngoài ra, hai bên còn thảo luận về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán ma túy, tái khẳng định việc cần phải có các giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên, kêu gọi các cuộc bầu cử tự do và hoan nghênh Mỹ can dự vào vấn đề Mianma. Các chương trình hợp tác còn bao gồm hàng loạt vấn đề, như thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, sử dụng năng lượng hiệu quả, an ninh lương thực, nông nghiệp, trao đổi giáo dục, văn hóa và nhân dân, khoa học công nghệ, y tế, môi trường, biến đổi khí hậu... Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đều đánh giá cao và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại ở cấp cao giữa hai bên và đồng ý tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Mỹ lần thứ ba vào năm 2011, bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Indonesia. Các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua việc lập “Nhóm các nhân vật nổi tiếng ASEAN-Hoa Kỳ” để nghiên cứu và đề xuất biện pháp tăng cường hợp tác hai bên trong thời gian tới. Vấn đề Biển Đông, mối quan tâm chính của các quốc gia ở Đông Nam Á, được một số nhà lãnh đạo đề cập trực tiếp tại các sự kiện cấp cao ở New York. Tổng thống Obama kêu gọi hòa bình giải quyết cuộc tranh chấp tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Và điều này cũng được ông đề cập trong cuộc gặp hai tiếng với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói tại Hội nghị Cấp cao: “Singapore không phải là một bên tranh chấp chủ quyền (tại Biển Đông). Chúng tôi không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ tại biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Nhưng nước chúng tôi là một quốc gia buôn bán lớn, có lợi ích thiết yếu trong việc duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế. Chúng tôi xem việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và việc các nước tôn trọng luật quốc tế và các điều khoản của Công ước quốc tế về Luật biển của Liên hợp quốc là có tầm quan trọng to lớn”. Trước đó, hôm 23/9, phát biểu trước các thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ ở New York, Tổng thống Philippinnes Benigno Aquino III tuyên bố ASEAN sẽ hợp thành một khối nếu Trung Quốc sử dụng sức mạnh trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông nói tới nay Trung Quốc chưa “ép buộc chúng tôi. Nếu điều đó xảy ra thì ASEAN sẽ đoàn kết thành một khối…”. Về quan hệ của Mỹ đối với châu Á và Đông Nam Á, tại Cấp cao lần này, Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh: “Mỹ có lợi ích to lớn đối với nhân dân và tương lai của châu Á. Tại khu vực này Mỹ có một số trong các đối tác thương mại lớn nhất, nhập khẩu và mua rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của chúng tôi, mang lại hàng triệu việc làm cho người Mỹ”. Tổng thống Mỹ nói: Cuộc gặp này “phản ánh tầm quan trọng đang tăng lên và sự hợp tác chưa từng có giữa Asean và Mỹ”... "Là tổng thống, tôi đã nói rõ rằng Mỹ muốn đóng vai trò lãnh đạo ở Châu Á. Vì vậy, chúng tôi đã tăng cường những khối liên minh cũ, làm sâu sắc những mối quan hệ đối tác mới, như những gì chúng tôi đang thực hiện với Trung Quốc, và chúng tôi đã tái can dự với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN. Các nước ASEAN đang ngày càng đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực. Bản thân ASEAN có tiềm năng trở thành một lực lượng hết sức tích cực trong các vấn đề toàn cầu. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhận lời mời của ASEAN tham gia hội nghị Cấp cao Đông Á, nơi sẽ giúp chúng ta cùng nhau đương đầu với những thách thức khu vực và toàn cầu". Nhân dịp này, Ben Rhodes, Phó trợ lý an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, cho biết: “Tổng thống muốn thể hiện quan điểm rằng ông coi trọng ASEAN và mối quan hệ ASEAN-Mỹ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN đối với tương lai của châu Á và những ưu tiên sống còn của Mỹ cũng như của các nước ASEAN”. Trong cuộc họp báo trước phiên họp của Đại hội đông LHQ, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Susan Rice đã khẳng định quan hệ Mỹ-châu Á, với cả các nước ASEAN và vùng Đông Á rộng hơn, có ý nghĩa sống còn đối với chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Washington. Bà nói: “Những mối quan hệ đó có vai trò trung tâm trong công việc chúng tôi đang thực hiện tại Liên hợp quốc, bao gồm cả ở Hội đồng bảo an và Đại hội đồng, nơi những mối quan hệ đối tác và liên minh có vai trò quan trọng mỗi ngày với những vấn đề cốt lõi như an ninh quốc gia”. Thủ tướng Lý Hiển Long nói tại Hội nghị: Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ có vai trò quan trọng đang tăng lên, nhưng vai trò của Mỹ là “không thể thay thế” trong việc bảo đảm an ninh, buôn bán và tài chính tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Có thể nói thêm rằng, trong Tuyên bố chung của Hội nghị, về an ninh, quốc phòng, có ba lĩnh vực quan trọng được ghi nhận: Trước hết, vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN “khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định khu vực, an ninh hàng hải, lưu thông thương mại không bị gián đoạn, tự do đi lại trên biển, phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của luật quốc tế, bao gồm Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc và các luật hàng hải quốc tế khác, và giải quyết hòa bình các tranh chấp”. Thứ hai, “ASEAN và Mỹ khẳng định việc thiết lập Đông Nam Á thành khu vực phi hạt nhân (SEANWFZ) đóng góp vào quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, không phổ biến vũ khí hạt nhân, hòa bình và ổn định khu vực”. Thứ ba, các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ hoan nghênh một kênh ngoại giao an ninh đa phương mới - Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào tháng tới, coi đó “như là một cơ chế góp phần tăng cường sự hợp tác hiện nay về quốc phòng và an ninh khu vực giữa ASEAN và các đối tác”. Về phía Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố tại Liên hợp quốc rằng Trung Quốc không đe dọa nước khác nhưng “sẽ không bao giờ nhượng bộ trong tranh chấp”. Ông nói: “Trung Quốc quý trọng tình hữu nghị và luôn trung thành với các nguyên tắc của mình. Khi nói tới chủ quyền, đoàn kết dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, Trung Quốc sẽ không lùi bước hay nhân nhượng”. Tuy nhiên Thủ tướng nói Bắc Kinh không muốn đối đầu. “Thế giới trong thế kỷ 21 không mấy yên tĩnh, nhưng thời nay không ai còn có thể đơn độc giải quyết các vấn đề bằng vũ lực nữa”. Mặt khác, đã có một số biểu hiện hòa hoãn trong cách đề cập của Trung Quốc liên quan Biển Đông. Ngày 24/9, Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đường Gia Triền hé lộ trong phát biểu tại cuộc Đối thoại Toàn cầu Singapore tổ chức tại Khách sạn Shangri-La (Singapore), rằng Trung Quốc sẵn sàng xem xét thảo luận với ASEAN như một nhóm; và Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) “cần được thực hiện trên tinh thần tin cậy để tạo niềm tin giữa các quốc gia liên quan và tạo những điều kiện thuận lợi để cuối cùng giải quyết cuộc xung đột”. Nhân dịp này, ông Đường Gia Triền còn khẳng định Trung Quốc “không thực hiện bá quyền và không bành trướng”. Các nhà quan sát có mặt tại cuộc Đối thoại nhận xét rằng ý kiến của ông Đường về việc có thể chấp nhận DOC như một cơ chế cho các thảo luận tiếp theo là một thay đổi có ý nghĩa; và nhận xét mới nhất của nhân vật từng đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc có thể mang lại một xung lực mới cho việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Biển Đông. Tổng thống Mỹ Obama nói chuyện cùng Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Lào Choummaly Sayasone. Ảnh: AP Nhật báo The Hill (Quốc hội) có bài viết khẳng định chính quyền hiện nay của Mỹ coi Đông Nam Á là khu vực đang lên, có ảnh hưởng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế và cho rằng “Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN là một cơ hội để (Mỹ) can dự trở lại với Đông Nam Á”. Về quan hệ Mỹ-Việt, tờ báo lớn này nhận xét, vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm nay đã mở rộng cửa cho ngoại giao Mỹ bước vào khu vực này. Quan điểm của Việt Nam là phát triển khu vực hòa bình với sự tham dự của nhiều bên. Việt Nam đánh giá ASEAN là một tổ chức khu vực trong đó các thành viên cùng mong muốn tăng cường quan hệ nội khối, vừa muốn mở rộng quan hệ với bên ngoài. Vấn đề quan trọng nhất là những ưu tiên chính của Việt Nam trong việc giữ ổn định khu vực và phát triển thịnh vượng tương đồng với các ưu tiên của Mỹ. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng Bảy vừa qua, Ngoại trưởng Clintơn khẳng định Mỹ cam kết có sự tự do đi lại trong vùng Biển Đông. Sáng kiến Hạ nguồn Mekong năm 2009 do Mỹ đề xuất với sự tham dự của Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan bàn về các mối quan tâm liên quan tới an ninh phi truyền thống đã giúp các nước tham dự có chính sách ngoại giao hợp tác trong nhiều lĩnh vực như môi trường, y tế, giáo dục và phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, bài báo nhấn mạnh, sự can dự của Mỹ với Đông Nam Á vẫn được thực hiện theo hai con đường, đó là vừa tăng cường can dự với ASEAN vừa phát triển quan hệ với Trung Quốc./. P.V

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/Tim-Kiem-Nhung-Dai-Lo-Moi-Cho-Hop-Tac-My-Asean.html