Tìm hạt nhân mới của cải lương miền Tây

Dù sàn diễn cải lương còn nhiều khó khăn, nhưng 20 diễn viên tranh tài tại vòng bán kết cuộc thi cải lương Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền năm 2023 đã cho thấy nỗ lực tìm kiếm hạt nhân mới cho sàn diễn cải lương miền Tây.

Sáng 21-11, sàn tập Nhà hát Tây Đô - TP Cần Thơ lại vang lên những tiếng hát chuẩn bị cho vòng chung xếp cuộc thi cải lương "Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền" năm 2023. Sau hai đêm bán kết (18 và 19-11), tại Nhà hát Tây Đô, hội đồng giám khảo đã chọn được 12 thí sinh đủ điểm vào chung kết.

Diễn viên Lê Duy thể hiện xuất sắc nhân vật trong trích đoạn "Kiếp tằm"

Khán giả mộ điệu sân khấu cải lương tại TP Cần Thơ đã có dịp xem 16 diễn viên các đoàn đến từ các tỉnh ĐBSCL, trong đó có 2 diễn viên đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam (Hà Nội) và 1 diễn viên đến từ TP HCM (Nhà hát Trần Hữu Trang) tranh tài với 19 trích đoạn.

Đa dạng thể loại

Trong số 43 thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi năm nay, Ban giám khảo đã chọn được 19 thí sinh dự thi vòng bán kết. Ở vòng thi này, mỗi thí sinh đã trình diễn một trích đoạn cải lương, thời lượng không quá 20 phút, có thể mời nghệ sĩ phụ diễn.

Qua sự sàng lọc này, 12 nhân tố mới được hội đồng giám khảo đánh giá cao về mặt ca, diễn và trên hết là tạo được ấn tượng thông qua nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, đáp ứng được tiêu chí sáng tạo của cuộc thi.

TP Cần Thơ có 4 diễn viên dự thi, cả 4 đều vào chung kết gồm: Lê Duy, Kim Ngân, Hải Linh, Phương Anh (Nhà hát Tây Đô). Họ đã tự tin thể hiện xuất sắc các vai diễn. Theo đánh giá của các thành viên hội đồng giám khảo, cả 5 diễn viên đều nghiên cứu kỹ vai diễn, biết đào sâu các tính cách nhân vật và biết tạo điểm nhấn để khai thác chất giọng, phong cách diễn xuất.

Nghệ sĩ Lê Duy phụ diễn cho Kim Ngân (trích đoạn "Oan khiên")

Diễn viên Lê Duy dự thi với trích đoạn "Kiếp tằm", anh đã gửi vào số phận nhân vật nỗi niềm của người nghệ sĩ phải lìa xa sân khấu. Nhân vật bị tai nạn, phải ngồi xe lăn, khao khát được tiếp tục nghiệp diễn và nhớ lại lỗi lầm của chính mình, vì phút nông nỗi dẫn đến tai nạn.

Lê Duy ca diễn thật xúc động, gửi gắm đến người xem niềm khát vọng chinh phục sáng tạo mới. Để diễn một mình không có sự phụ trợ của bạn diễn, lâu nay không phải là thế mạnh của diễn viên Lê Duy, nhưng anh đã vượt lên bằng sự phấn đấu không ngừng để vai diễn vỡ òa cảm xúc.

Diễn viên Phùng Ngọc Bảy với trích đoạn "Miền nhớ"

Tương tự, khán giả cổ vũ nồng nhiệt cho diễn viên Hải Linh với trích đoạn "Miền nhớ" (tác giả Lê Duy Hạnh), khi anh vận dụng vũ đạo, võ thuật vào lớp diễn ông bầu gánh hát thà chết chứ không bẻ cong ngòi bút, ca ngợi quân xâm lược.

Diễn viên Phương Anh cho thấy có nhiều tiến bộ về khả năng ca diễn, nhất là diễn vai sử Việt, đã thể hiện xuất thần nhân vật Nguyễn Trung Trực trong trích đoạn "Tiếng thép nơi pháp trường". Phương Anh nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của số đông khán giả chính bởi nét diễn nội tâm sâu sắc, mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho vai diễn.

NSƯT Nguyễn Văn Sơn hỗ trợ cho diễn viên Khánh Hòa trong trích đoạn "Dòng sông đỏ"

Diễn viên Kim Ngân với vai Nguyễn Thị Lộ trong trích đoạn "Oan khiên" được cô thể hiện đầy nội tâm, chứa đựng nghĩa khí kiên cường, không khuất phục bạo ngược, cường quyền. Nét nữ tính đậm chất làm cho vai diễn Nguyễn Thị Lộ chan chứa nỗi niềm, nhận được sự đồng cảm từ khán giả, nhất là lớp nghĩ về nhân vật Nguyễn Trãi.

Khán giả TP Cần Thơ đã dành nhiều tình cảm cho hai chàng kép đến từ đoàn Cao Văn Lầu - Bạc Liêu, đó là: diễn viên Hoàng Dững (trích đoạn "Bát cháo nghĩa tình") và Khánh Hòa (trích đoạn "Dòng sông đỏ").

Ở lần thi thố tài năng này, hai anh đã có sự chuẩn bị thật kỹ, mỗi lớp ca diễn, từ lời thoại đến câu ca đều rất đời, khiến khán giả nhớ mãi sự hóm hỉnh của Chí Phèo qua nét diễn của Hoàng Dững và nỗi căm hận quân xâm lược của ông Sáu che giấu cán bộ cách mạng đến hơi thở cuối cùng của Khánh Hòa.

Khán giả tặng hoa chúc mừng nghệ sĩ Hải Linh sau khi anh diễn xuất sắc vai ông bầu trong trích đoạn "Miền nhớ"

Diễn viên Kim Tuyến đến từ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật An Giang có nét diễn mộc mạc, chân thật qua nhân vật cô Diệu trong trích đoạn "Lá sầu riêng". Cô có giọng ca ngọt ngào, làn hơi chân phương đã giúp cho vai Diệu thăng hoa cảm xúc.

Diễn viên Hùng Vương đến từ Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre đã diễn vai Hồ Quý Ly xuất sắc, anh thể hiện nổi bật khí phách hiên ngang của nhân vật trong trích đoạn "Phán xét", tạo sự bất ngờ đối với khán giả.

Diễn viên Phương Anh trong vai Nguyễn Trung Trực

Nhà hát Trần Hữu Trang có đại diện tranh tài là diễn viên Phùng Ngọc Bảy (trích đoạn "Miền nhớ"), anh có làn hơi khỏe, mùi mẫn, truyền cảm nên vào vai lão rất hợp, trích đoạn lại vừa với sức thể hiện của anh, nên nhận được sự cổ vũ của khán giả.

Nhà hát Cải lương Việt Nam có hai nữ diễn viên dự thi: Phương Nga ("Hoàng hậu hai vua") và Hoa Mai ("Tượng đá trông chồng"), gieo nhiều thương cảm cho khán giả yêu thích vọng cổ xứ bắc.

Cần bệ đỡ của tài năng

Qua cuộc thi cải lương "Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền" năm 2023 do UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức, TP Cần Thơ sẽ là nơi hội tụ những hạt nhân cải lương mới.

Sau vòng Bán kết, 12 diễn viên xuất sắc sẽ được chọn tranh tài trong đêm Chung kết vào tối 29-11 tại Nhà biểu diễn Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ. Ở đêm thi quyết định ai sẽ đoạt HCV, HCB các thí sinh sẽ thể hiện bài ca cổ bốc thăm ngẫu nhiên và thi vấn đáp kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến của cố soạn giả "Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền".

Diễn viên Mỹ Lệ (vai Thị Nở) và Hoàng Dững (vai Chí Phèo) trong trích đoạn "Bát cháo nghĩa tình"

Từ năm 2001 đến 2008, TP Cần Thơ đã tổ chức 4 lần cuộc thi cải lương "Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền", thu hút hàng trăm thí sinh tham dự.

Bên cạnh giải thưởng Trần Hữu Trang của TP HCM, những tên tuổi được trao giải qua 4 lần tổ chức gồm: Hồ Ngọc Trinh, Giang Bích Phượng, Võ Minh Lâm, Lê Minh Hảo, Thu Vân…cho đến hôm nay đã tạo được nhiều thành tựu nghệ thuật. Ngoài ra còn có các thí sinh đã từng tham gia như: Lịch Sử, Hoàng Khanh, Ngọc Huyền….hiện vẫn là những hạt nhân nồng cốt của sàn diễn cải lương ĐBSCL.

Giới chuyên môn quan tâm đến sự kiện nâng tầm quốc gia của cuộc thi cải lương "Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền" kể từ năm nay, để qua đó phát hiện tài năng mới cho sàn diễn cải lương các tỉnh thành phía Nam. Thông qua cuộc thi, kỳ vọng các diễn viên trẻ sẽ được trang bị vốn kiến thức sâu để nắm bắt những kỹ năng mới trong sáng tạo vai diễn.

Từ trái sang: Ban tổ chức tặng hoa các nghệ sĩ trong hội đồng giám khảo bán kết: NSND Trọng Phúc, đạo diễn Kiều Mỹ Dung (Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP Cần Thơ), NSND Giang Mạnh Hà (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN), NSND Trúc Linb, NSƯT Lê Nguyên Đạt.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ - đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật trọng tâm, chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương. Đồng thời cũng kỷ niệm 70 năm ngày mất soạn giả "Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền". Soạn giả Nguyễn Trọng Quyền sinh ra tại Thốt Nốt, Cần Thơ. Ông được xem là hậu tổ cải lương, là người khai sinh ra dòng nghệ thuật sân khấu tuồng Tàu, sáng tạo ra nhiều bản cổ nhạc Việt Nam như: Xang xừ líu, Khốc hoàng thiên, Ú liu ú xáng...

Diễn viên Hoa Mai trong trích đoạn "Tượng đá trông chồng"

"Ông còn được biết là thầy tuồng chỉ dạy ca cho các nghệ sĩ cải lương lừng danh như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân... là hậu Tổ của ngành sân khấu. Thế hệ trẻ hôm nay học từ ông để nâng cao ý thức làm nghề tử tế" - NSND Trọng Phúc - Thành viên Ban giám khảo đã chia sẻ.

Lần này, TP Cần Thơ quyết tâm nâng tầm chuyên nghiệp. Nhưng để xứng tầm quốc gia, thì khâu tổ chức phải được kiện toàn hơn.

Cụ thể, phải có nhiều kịch bản của "Mộc quán - Nguyễn Trọng Quyền" để vòng chung kết các diễn viên tranh tài.

Nếu chỉ dừng lại ở việc chọn bài ca hoặc sáng tác bài ca về "Mộc quán - Nguyễn Trọng Quyền" cho các thí sinh dự thi ở vòng chung kết, thì khó thể tạo được sức lan tỏa đúng tầm.

Bởi, rất nhiều kịch bản của ông có thể phổ biến để thí sinh tập dợt và thi thố.

Diễn viên Nguyễn Hùng Vương - đoàn Bến Tre trong vai Hồ Quý Ly

Nhìn chung, chất lượng hai đêm bán kết không quá xuất sắc. Có một số diễn viên mang tiết mục dự thi còn quá vội, nên cách thể hiện bị nghiệp dư. Có tỉnh gửi thí sinh tham dự nhưng về tay trắng như: Long An, Cà Mau (Hương Tràm), Hậu Giang.

Người xem kỳ vọng sân chơi này sẽ là bà đỡ để các diễn viên sau khi đoạt giải sẽ gắn bó với TP Cần Thơ. Mỗi quý một đợt sau khi đoạt giải, họ sẽ cùng hội ngộ ở mỗi tỉnh thành theo mô hình chương trình nghệ thuật "9 dòng sông hò hẹn", để cùng mang sự sáng tạo mới cho sàn diễn, tạo sức lan tỏa rộng hướng đến những giá trị nghệ thuật dân tộc cao đẹp hơn.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/tim-hat-nhan-moi-cua-cai-luong-mien-tay-20231121123632232.htm