Tìm giải pháp thích ứng khi giá xăng dầu tăng cao

Người dân đổ xăng tại một cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống Petrolimex. Ảnh: KHANG ANH

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã 5 lần liên tiếp được điều chỉnh tăng. Nhiều người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… đã và sẽ gặp không ít khó khăn nếu không có kế hoạch, giải pháp thích ứng.

Gặp khó vì giá xăng dầu

Trong kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 21/2), liên bộ Tài chính - Công thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 961 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 965 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.531 đồng/lít, xăng RON 95 là 26.285 đồng/lít; dầu diesel 20.800 đồng/lít, dầu hỏa 19.500 đồng/lít và dầu mazut 17.930 đồng/kg. Chưa đầy 2 tháng nhưng giá mặt hàng này đã 5 lần tăng, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi chi phí sản xuất, sinh hoạt… bị điều chỉnh tăng theo.

Làm việc cho một công ty sản xuất thủy sản ở Khu công nghiệp An Phú (TP Tuy Hòa), mỗi ngày cả đi và về, anh Lê Văn Ấn ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân phải di chuyển gần 90km. “Khi giá xăng ở mức 21.000-22.000 đồng/lít, nếu đổ xăng 100.000 đồng thì xe có thể chạy hơn 3 ngày. Nay giá xăng gần 27.000 đồng/lít thì đổ từng này tiền, chỉ chạy được 2 ngày. Giá xăng tăng cao làm chi phí đi lại tăng. Bình quân mỗi tháng, tôi phải chi 1,5 triệu đồng tiền xăng, cao hơn trước đây 500.000 đồng”, anh Ấn nói.

Hiện chi phí cho mỗi chuyến biển của ngư dân trên địa bàn cũng tăng theo giá xăng dầu. Theo ông Võ Văn Biện ở xã An Chấn, huyện Tuy An, ngư dân trong xã chủ yếu đi biển trong ngày, gần bờ. Mỗi lượt đi tốn 150-160 lít dầu diesel, trị giá 3,3 triệu đồng, chưa tính các chi phí khác. Ngày nào gặp cá thì bù chi phí, nếu không sẽ lỗ trắng. Lỗ vài ngày, ngư dân có thể cầm cự, còn dài ngày thì phải cho ghe nằm bờ, đợi khi nào có cá mới dám đi biển.

Không riêng người dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đang gặp khó khi giá xăng dầu tăng. Bà Nguyễn Thị Kiều Thanh, Trưởng Phòng Kinh doanh - Xuất nhập khẩu của một công ty sản xuất vật liệu xây dựng ở TP Tuy Hòa chia sẻ: Công ty đã nhận thông báo giá cước vận chuyển tăng từ các đơn vị vận tải hàng hóa. Nếu các khoản chi phí khác cũng tăng theo giá xăng dầu thì lợi nhuận của doanh nghiệp chắc chắn giảm…

Cố gắng giảm áp lực

Theo liên bộ Tài chính - Công thương, nguồn cung xăng dầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào thị trường thế giới. Giá dầu thế giới tăng mạnh đã khiến giá xăng dầu ở Việt Nam leo thang. Trước mắt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cố duy trì hoạt động, tìm giải pháp thích ứng trong thời gian dài.

Ông Bùi Văn Khương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP An Hưng cho biết: Sau khi giá xăng dầu điều chỉnh, nhiều công ty vận tải đã tăng 15% cước phí, làm chi phí vận chuyển hàng hóa của công ty vào các cảng ở TP Hồ Chí Minh tăng theo. Chưa kể các khoản chi phí khác cũng bắt đầu tăng, kéo giá sản phẩm đi lên. Tuy nhiên, thực hiện thỏa thuận hợp đồng đã ký kết với khách hàng trước đó, công ty không thể thay đổi giá trên từng sản phẩm mà phải tuân thủ đúng cam kết, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đàm phán lại với khách hàng để có sự điều chỉnh về giá sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Hồ Đắc Thành, chủ nhà xe Cúc Tư (TP Tuy Hòa) thì cho hay: Dịch COVID-19 bùng phát nên gần nửa năm 2021, nhà xe không lưu chuyển. Chúng tôi chỉ mới hoạt động bình thường từ trước Tết Nguyên đán đến nay, nhưng liên tục gặp các đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Nếu nhà xe tăng cước phí thì sẽ thêm gánh nặng cho người dân. Vì vậy, dù khó nhưng chúng tôi quyết định giữ giá trong thời gian này. Nếu sắp tới, giá xăng tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ có phương án khác.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, giá xăng dầu tăng tác động đến tất cả các mặt đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... Theo dự báo, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng và giá xăng dầu trong nước cũng phải theo xu hướng chung của thế giới. Điều này tạo ra thách thức không nhỏ, nhất là khi các doanh nghiệp của tỉnh đang nỗ lực phục hồi trong điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát. Các doanh nghiệp, người dân cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm chi phí, hạn chế các khâu, quy trình sản xuất… để tạo thế chủ động khi giá mặt hàng xăng dầu tăng cao.

Báo cáo mới đây của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trước và trong Tết Nguyên đán, tình hình hàng hóa, giá cả thị trường bình ổn, không có dấu hiệu khan hàng, sốt giá. Tuy nhiên sau tết, nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, trong đó có yếu tố giá xăng dầu nên có khả năng nhiều mặt hàng sẽ còn tăng giá.

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/271238/tim-giai-phap-thich-ung-khi-gia-xang-dau-tang-cao.html