Tìm giải pháp phát triển tôm hùm nuôi

Người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu chuyển tôm vào bờ để bán. Ảnh: ANH NGỌC

Phát triển hơn 30 năm nay, nhưng nghề nuôi tôm hùm vẫn trong tình trạng bấp bênh, thiếu bền vững. Mới đây, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Sở NN&PTNT tổ chức diễn đàn Bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm nhằm đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch phát triển trong thời gian tới.

Bấp bênh, thiếu bền vững

Nghề nuôi tôm hùm thường ở các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó phát triển tập trung tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa (chiếm hơn 95% số lượng lồng nuôi và sản lượng nuôi cả nước). Hiện có 4 loài tôm hùm nuôi chính, trong đó phổ biến là tôm hùm xanh và tôm hùm bông chiếm đến 97-98%, còn lại tôm hùm đỏ và tôm hùm tre. Nghề nuôi tôm hùm đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, mang lại hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm, trong đó giá trị xuất khẩu từ 250-300 triệu USD.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên đã phát triển hơn 30 năm nay, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 6.000 lao động và ngư dân tích lũy nhiều kinh nghiệm qua các thế hệ. Tỉnh đã quy hoạch 1.650ha để nuôi tôm hùm, trong đó TX Sông Cầu 1.000ha (đầm Cù Mông 253ha, vịnh Xuân Đài 747ha) và huyện Tuy An 650ha. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh nuôi khoảng 110.000 lồng tôm hùm, sản lượng hơn 1.750 tấn; riêng 6 tháng đầu năm 2023 nuôi khoảng 87.500 lồng, sản lượng hơn 1.000 tấn. Tuy nhiên, công nghệ nuôi đến nay vẫn còn đơn giản, kỹ thuật nuôi dựa vào kinh nghiệm là chính, kết cấu lồng, bè nuôi theo kiểu truyền thống nên chỉ có thể nuôi trong các vịnh kín, ít sóng gió.

Khó khăn nhất hiện nay là quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt, nên việc giao khu vực biển còn nhiều vướng mắc, chưa triển khai được. Địa phương chưa chủ động được nguồn giống, chủ yếu khai thác tự nhiên và nhập khẩu nước ngoài nên chất lượng không ổn định.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản), cho biết: Thực trạng nuôi tôm hùm ở nước ta vẫn còn mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ. Các địa phương thiếu quy hoạch chi tiết để sắp xếp lại các vùng nuôi, chưa đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi biển, đa phần sử dụng lồng nuôi truyền thống, công nghệ nuôi lạc hậu, môi trường và dịch bệnh trên tôm hùm nuôi ngày càng phức tạp. Công tác quản lý, cấp phép nuôi tôm hùm bằng lồng bè ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, chưa hình thành được mối liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất.

Các thương lái thu mua tôm hùm ở TX Sông Cầu. Ảnh: ANH NGỌC

Ưu tiên hoàn thiện quy trình, công nghệ

Định hướng phát triển ngành Tôm Việt Nam là tập trung nuôi và xuất khẩu 2 đối tượng chính là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Tiếp tục phát triển nuôi hình thức lồng bè trên biển theo hướng ứng dụng công nghệ cao phát triển vùng biển hở; chuyển dịch từ vùng ven bờ ra vùng xa bờ. Đồng thời nuôi bể trên mặt đất sử dụng thức ăn công nghiệp và hệ thống lọc tuần hoàn. Tuy nhiên, vấn đề con giống và thức ăn công nghiệp cho tôm hùm nuôi đang được người nuôi và các địa phương quan tâm.

Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông (Panulirus ornatus) được Bộ KH&CN giao cho viện thực hiện từ năm 2019-2023. Kết quả nghiên cứu đến nay tương đối khả quan. Ấu trùng tôm hùm bông được lưu giữ hơn 6 tháng và tạo được một số ấu trùng phyllosoma 10. Tuy nhiên, cần thêm một số thử nghiệm để có thể thành công trong việc nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm.

PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, cho biết: Từ năm 2019 đến nay, nhóm tác giả của viện và Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã nghiên cứu, sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm xanh và tôm hùm bông nuôi trong bể tái sử dụng nước bằng hệ thống lọc tuần hoàn (RAS). Nuôi thương phẩm trong RAS, áp dụng 50% thức ăn viên công nghiệp và 50% thức ăn tươi cho tôm hùm bông, còn tôm hùm xanh có thể áp dụng 100% thức ăn viên đến cỡ 0,25kg/con. Ương tôm hùm bông giống bằng thức ăn công nghiệp đạt tỉ lệ sống cao, nhưng tăng trưởng chậm. Nuôi tôm hùm trong bể bằng thức ăn công nghiệp đã đem lại kết quả tích cực về tăng trưởng, tỉ lệ sống và chất lượng sản phẩm. Nhóm tác giả đang đánh giá lại hiệu quả kinh tế của mô hình.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết: Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm, cần ưu tiên nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống trong nước, công nghệ nuôi thương phẩm theo hướng bền vững, công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp và nghiên cứu các biện pháp phòng trị bệnh trên tôm hùm. Các địa phương cần tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; đánh giá sức tải môi trường; rà soát, sắp xếp mật độ lồng nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; mở rộng vùng nuôi biển hở, xa bờ bằng công nghệ nuôi vật liệu mới. Các địa phương cần rà soát kế hoạch phát triển nuôi tôm hùm để tích hợp vào quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển; hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm tăng cường quản lý, khuyến khích phát triển chuỗi giá trị tôm hùm phát triển bền vững.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/306970/tim-giai-phap-phat-trien-tom-hum-nuoi.html