Tìm giải pháp để ổn định thị trường vàng

Các chuyên gia cho rằng việc đấu thầu vàng là cần thiết, nhưng về lâu dài, cần phải cho nhập khẩu vàng thì mới ổn định được thị trường.

Đón đấu thầu, vàng tăng chậm lại

Sau nhiều lần các doanh nghiệp kiến nghị, và thị trường liên tục “nổi sóng”, thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã quyết định mở phiên đấu thầu để cung ứng vàng ra thị trường. Thị trường lập tức phản ứng với thông tin tích cực, giá vàng đã chững lại mặc cho giá thế giới tiếp tục tăng cao. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 16/4, giá vàng thế giới tăng chóng mặt. Thời điểm 9 giờ sáng, giá vàng thế giới giao dịch tại 2383,15 USD/ounce, tương đương 73,36 triệu đồng/lượng.

Phản ứng cùng chiều, giá vàng SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mốc 82,20 - 84,32 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), giá vàng tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên ngày 15/4. Cùng thời điểm trên giá nhẫn được các doanh nghiệp giao dịch quanh mốc 75,56 - 77,26 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng nhẹ vài trăm nghìn ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên liền trước.

Thị trường vàng sẽ thêm nguồn cung khi Ngân hàng Nhà nước cho đấu thầu.

Đây được xem là “hiện tượng lạ” của thị trường vàng, vì trong thời gian qua, giá vàng trong nước luôn trong tình trạng tăng nhanh, giảm chậm. Chỉ cần giá vàng thế giới tăng ít, giá vàng trong nước đã tăng vọt. Thế nên, có những thời điểm, chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn, vốn được xem là sát với giá thế giới, cũng đã có thời điểm cao hơn tới 5-6 triệu đồng/lượng. Vì thế, phiên giao dịch ngày 16/4, dù thị trường vàng tiếp tục biến động cùng chiều với giá vàng thế giới, tuy nhiên, với đà tăng có lực mạnh hơn, vàng thế giới thu hẹp khoảng cách với vàng nhẫn xuống 3 triệu đồng, từ mức 4 triệu đồng cùng thời điểm ngày 15/4.

Các chuyên gia đánh giá chênh lệch giữa hai thị trường hẹp lại là tín hiệu tích cực, tạo sự minh bạch cho thị trường vàng nội địa, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng trong nước cũng giảm mạnh. Đây là kết quả của việc khi giá vàng nhẫn tăng nhưng vàng miếng lại giảm. Diễn biến trái ngược này được cho là bị ảnh hưởng bởi thông tin về việc NHNN chuẩn bị cho đấu thầu vàng miếng để tăng cung ra thị trường.

Về phía cơ quan quản lý, chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại, NHNN đã có văn bản gửi các Bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý thị trường vàng, đồng thời có văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện các nhiệm vụ mà NHNN giao.

Theo đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính phối hợp yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này; tiếp tục cung cấp thông tin về các sự vụ, sự việc buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới để NHNN kịp thời nắm bắt thông tin thị trường nhằm đưa ra phương án quản lý thị trường vàng hiệu quả.

Hỗ trợ NHNN trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu. Cùng với đó, NHNN đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp với NHNN và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...

Nên tính đến giải pháp thương mại dài hơi?

Đánh giá về việc NHNN mở lại phiên đấu thầu vàng miếng sau 10 năm, các chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu tốt cho thị trường. “Câu chuyện đấu thầu vàng ta đã làm năm 2013 (tổ chức 76 phiên). Lần này, NHNN cho vận hành nghiệp vụ này trở lại để đảm bảo công khai minh bạch, hai là tăng cung vàng để góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, chênh lệch SJC với giá vàng quốc tế cũng như SJC với các thương hiệu vàng khác”, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực đánh giá.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng thời gian tới, vẫn phải nhập khẩu một lượng vàng nhất định vì nguồn vàng sản xuất trong nước không nhiều. Song cơ quan quản lý sẽ phải tính toán xem cần nhập bao nhiêu vàng và nhập ở thời điểm nào cho phù hợp để vừa cân đối cung cầu vừa kiểm soát tỷ giá, ổn định vĩ mô. Ông Lực cũng lưu ý thời gian qua giá vàng tăng mạnh chủ yếu do giá quốc tế. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới tăng khoảng 20%, trong nước tăng khoảng 13%, chủ yếu do xung đột vũ trang ở một số nước trên thế giới.

Cũng có ý kiến tương tự, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng đề cập đến vàng hóa khi nhập vàng là không cần thiết. “Chúng ta chỉ gọi là vàng hóa khi vàng đi vào hệ thống ngân hàng (vàng trở thành tiền gửi, cho vay). Trong khi đó, NHNN đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng. Chúng ta đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay, nên vàng hóa đã kết thúc. Kể cả dùng vàng để mua bất động sản, đó cũng không gọi là vàng hóa", ông Nghĩa nói. Vì vậy, vấn đề hiện nay chỉ còn là chênh lệch giá vàng trong nước (SJC) và giá vàng thế giới.

Ông Nghĩa cho rằng việc NHNN chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại chỉ là giải pháp có thể tạo ra tác động tâm lý trong ngắn hạn, xóa bỏ chênh lệch vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý. "Nhiều người lo nếu cho phép xuất nhập khẩu bình thường thì lấy đâu ra ngoại tệ. Nhưng thực tế, vàng nhập lậu xảy ra thời gian qua cũng cần đến ngoại tệ. Hơn nữa, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước tính không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/tim-giai-phap-de-on-dinh-thi-truong-vang-i728472/