Tìm giải pháp cho tàu thuyền cập bến Quan Lạn khi thủy triều cạn

Để tàu thuyền có thể cập bến Quan Lạn, Quảng Ninh ngay cả khi thủy triều cạn, huyện Vân Đồn đã họp bàn đưa ra các giải pháp giải quyết tình trạng này.

Tình hình thủy triều xuống kiệt trong những ngày qua ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh khiến tàu, thuyền chở du khách và người dân từ đất liền ra đảo gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng hoạt động du lịch cũng như việc đi lại của nhiều người.

Bãi biển Quan Lạn những ngày thủy triều xuống thấp.

Bãi biển Quan Lạn những ngày thủy triều xuống thấp.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống sáng ngày 2/5, tại cảng tàu Quan Lạn mực nước thủy triều vẫn trong tình trạng xuống thấp, ngay khu vực cầu cảng nước cạn trơ đáy, tàu thuyền không thể cập cảng, một số tàu chở khách dưới 50 chỗ cũng khó có thể cập cảng phải tăng bo bằng xà lan để vào bờ.

Chị Bùi Thị Thúy, người dân xã đảo Quan Lạn, Quảng Ninh cho biết: "Thủy triều xuống kiệt nên việc di chuyển vào đất liền và ngược lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Những lúc cần vào đất liền mà thủy triều xuống thấp đành phải chuyển tải từ tàu to sang xuồng nhỏ nhưng gây mất nhiều thời gian và ảnh hưởng tới an toàn của người dân và du khách. Mong sao chính quyền, các cấp có biện pháp để sớm khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đi lại an toàn".

Một số chủ tàu cho biết, những ngày nghỉ lễ vừa qua, lượng khách ra đảo đông nhưng thủy triều xuống thấp khiến việc cập cảng vô cùng vất vả. Tâm lý du khách phải lênh đênh giữa biển trong khi cách đảo chưa đầy kilomet khiến họ hoang mang, lo lắng. Cũng may, khi chuyển tải sang xuồng nhỏ đưa du khách vào bờ thì mọi chuyện đều an toàn nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời".

Thủy triều xuống thấp khiến bờ biển Quan Lạn cạn trơ đáy.

Thủy triều xuống thấp khiến bờ biển Quan Lạn cạn trơ đáy.

Việc cập bờ cho tàu thuyền của người dân bản địa cũng gặp nhiều khó khăn.

Việc cập bờ cho tàu thuyền của người dân bản địa cũng gặp nhiều khó khăn.

Đến tàu chở 50 khách cũng không thể cập bờ phải tăng bo bằng xà lan nhỏ để đưa khách vào cảng.

Đến tàu chở 50 khách cũng không thể cập bờ phải tăng bo bằng xà lan nhỏ để đưa khách vào cảng.

Trong vòng 7 năm qua, biển Quan Lạn mới bị rơi vào tình trạng thủy triều xuống thấp như đợt này.

Trong vòng 7 năm qua, biển Quan Lạn mới bị rơi vào tình trạng thủy triều xuống thấp như đợt này.

Để khắc phục trước mắt tình trạng cập bến cho phương tiện khi mực nước thủy triều thấp trong những ngày gần đây, vừa qua, tại cảng tàu Quốc tế Ao Tiên, ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch TT UBND huyện Vân Đồn đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và đại diện các hãng tàu vận tải khách trên địa bàn huyện để bàn giải pháp.

Tại cuộc họp, đại diện các hãng tàu vận tải khách, lãnh đạo 1 số phòng ban và đơn vị chức năng đã tập trung phân tích, đề xuất các giải pháp để đưa, đón khách vào những hôm nước thủy triều xuống thấp nhất một cách thuận tiện, an toàn nhất.

Qua những ý kiến đóng góp từ các thành viên cuộc họp, UBND huyện Vân Đồn giao các hãng tàu chủ động sắp xếp chuyển tải cho khách đối với các tàu trên 50 khách nếu không cập được cảng Quan Lạn; đề nghị Cảng cao cấp Ao Tiên - Công ty TNHH MTV Mai Quyền và chủ các hãng tàu vận tải khách thông tin, tuyên truyền cho người dân và du khách biết về mực nước thủy triều thấp trong năm và phương án vận hành của nhà tàu trong quá trình cập cảng tại xã đảo Quan Lạn để người dân, du khách chủ động phối hợp, thông cảm, đảm bảo an toàn, an ninh.

Huyện Vân Đồn cũng yêu cầu các chủ cảng, các hãng vận tải khách đường thủy thống nhất không cho phép tàu khách cập bến Con Quy, Quan Lạn (bến Con Quy là bến vận chuyển vật liệu xây dựng và đã hết hạn).

UBND huyện Vân Đồn sẽ đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh sớm kiểm tra, có phương án nạo vét kịp thời đối với đoạn tuyến luồng thủy nội địa địa phương nối từ luồng thủy nội địa quốc gia Hòn Đũa – Cửa Đối vào bến Đồng Hồ (bến Quan Lạn), đáp ứng yêu cầu giao thông của các phương tiện thủy.

Quan điểm của huyện là phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn của du khách và người dân cần phải đặt lên hàng đầu. Huyện cũng đồng ý với đề xuất cho các hãng tàu xuất bến theo đúng lịch và bố trí phương tiện nhỏ có thể cập bến để trung chuyển khách vào bờ an toàn. Đề nghị các bến cảng và các hãng tàu cần tuyên truyền, phổ biến cho du khách về thực trạng thủy triều xuống thấp có thể ảnh hưởng đến thời gian di chuyển cũng như việc thay đổi phương tiện cập bến để khách hàng chủ động và thông cảm. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông đường thủy đồng thời linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục vụ khách chu đáo.

Về giải pháp lâu dài, huyện Vân Đồn sẽ xem xét khảo sát có phương án nạo vét luồng tuyến sâu, rộng để đảm bảo các phương tiện thủy ra vào cảng tàu Quan Lạn.

Trước đó, sáng 29/4, trong khoảng thời gian từ 7h đến 10h trên vùng biển xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn có hiện tượng mực nước thủy triều xuống thấp nhất trong năm. Thời điểm này, 4 chiếc tàu cao tốc chở 343 khách du lịch từ Cảng quốc tế Ao Tiên, huyện Vân Đồn ra đảo Quan Lạn đã không thể cập cảng tàu Quan Lạn do nước xuống quá cạn. (Cụ thể, gồm các tàu: Thành Hưng 668 chở 93 khách, Hoàng Vi 08 chở 58 khách, Hảo Thịnh 68 chở 83 khách, Nguyên Việt 838 chở 109 khách). Sau khi bị mắc cạn, các tàu phải tạm neo đậu ở cách bờ gần 2km để chờ nước lên, sau đó đã dùng các xuồng nhỏ để chuyển tải dần du khách lên đảo.

Thế Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tim-giai-phap-cho-tau-thuyen-cap-ben-quan-lan-khi-thuy-trieu-can-169240502132839504.htm