Tìm giải pháp cho nghề nuôi tôm Sóc Trăng

Trong những tháng đầu năm nay, người nuôi tôm Sóc Trăng không những gặp khó khi giá tôm nguyên liệu liên tục giảm mà các chi phí chăm sóc, giống, thuốc, thức ăn lại tăng khiến càng thêm khó khăn.

Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình công nghệ cao ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN

Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình công nghệ cao ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN

Nhiều hộ nuôi tôm cho rằng, vụ nuôi tôm năm nay chỉ cần thu được vốn là đã thành công. Những ngày đầu tháng 7 này, giá tôm thẻ nguyên liệu tại thị trường Sóc Trăng đứng ở mức thấp.

Hiện, giá tôm thẻ loại 100 con/kg được thương lái thu mua tại ao chỉ còn trên 80.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với hồi giữa năm 2022; còn giá tôm loại 30 con/kg có mức giá từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, giảm hơn 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Một chủ trang trại tôm ở huyện Mỹ Xuyên cho biết, mặc dù, giá tôm thấp như vậy nhưng các chi phí thức ăn, vật tư đầu vào lại tăng và dịch bệnh trên tôm phát sinh nhiều, rồi giá điện, giá xăng dầu cũng tăng, chi phí vận chuyển tăng theo nên sau khi thu hoạch, trừ chi phí sản xuất, người nuôi tôm chỉ từ hòa vốn đến lỗ vốn.

Việc nuôi tôm gặp khó, viễn cảnh càng nuôi càng lỗ, trong khi người dân không có sẵn vốn đầu tư nên việc thả nuôi tôm năm nay ở Sóc Trăng đang chậm lại.

Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi được trên 32.000ha, đạt 63% so với kế hoạch; trong đó, tôm thẻ chân trắng thả hơn 24.500ha, tôm sú thả gần 8.000 ha.

Toàn tỉnh cũng đã thu hoạch được hơn 7.500ha, sản lượng gần 42.600 tấn. Diện tích thả nuôi và thu hoạch đều chậm so với cùng kỳ năm ngoái và kế hoạch năm do giá tôm giảm, chi phí thả nuôi cao; trung bình giá tôm giảm từ 16.000 - 33.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh mới đây, nhiều đại biểu ở các huyện, thị xã, vùng nuôi tôm đã phản ánh ý kiến của cử tri đến các cấp ngành của tỉnh về làm thế nào để gỡ khó cho người nuôi tôm, hình thức tổ chức liên doanh, liên kết, ưu đãi vốn đầu tư cho người nuôi tôm, nhất là với người nuôi tôm nhỏ lẻ, không có vốn khi mua con giống, thức ăn, thuốc bệnh cho tôm…

Ông Lý Bình Cang, đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị thị xã Vĩnh Châu cho rằng, UBND tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo sớm về nhu cầu thị trường để các địa phương chỉ đạo sản xuất hiệu quả, phát triển bền vững đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Quan tâm thiết lập vùng trồng đối với những sản phẩm là thế mạnh, điển hình như hành tím và tôm nuôi.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp các địa phương cũng cần tập trung khai thông, nạo vét kênh, mương, thủy lợi, xem xét thực hiện các công trình đê, kè, cầu thủy lợi đáp ứng kịp thời nhu cầu nuôi trồng thủy sản.

Để nắm cụ thể tình hình khó khăn của người nuôi tôm, ngày 13/7, ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cùng đoàn đại biểu đã tiếp xúc cử tri tại xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), các cử tri tại đây cũng đề đạt tỉnh có chính sách hỗ trợ vốn cho người nuôi tôm; hỗ trợ vốn để nông dân chuyển đổi ngành nghề từ nuôi tôm không hiệu quả sang trồng hoa màu; đồng thời, đầu tư xây dựng, mở rộng cống, kênh nguồn để phục vụ việc nuôi tôm tại địa phương và kiến nghị Trung ương có chính sách bình ổn giá, nhất là đối với thức ăn thủy sản, vật tư nông nghiệp.

Trong khi đó, để hạn chế nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo hộ nuôi tiếp tục tham gia sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời, ngành tiếp tục làm việc với ngân hàng và các đại lý cung cấp vật tư đầu vào bàn bạc phương án, kế hoạch để người nuôi tôm có thể tiếp cận được nguồn vốn vay trong sản xuất; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp xây dựng mối liên kết bền vững từ đầu vào đến đầu ra để hộ nuôi tôm yên tâm đầu tư sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp, sản xuất chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tình hình chung cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng, triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025...

Tuy nhiên, do khó khăn đến từ yếu tố khách quan là quá lớn, nhất là thị trường tiêu thụ xuất bị ảnh hưởng, nên xuất khẩu thủy sản của Sóc trăng đã giảm khá mạnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, 6 tháng đầu năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh được 420 triệu USD, đạt 36,5% kế hoạch và giảm 29,3% so cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân xuất khẩu thủy sản giảm sâu do tình hình lạm phát, biến động tỷ giá trên thị trường thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ giảm; chi phí sản xuất, bao bì, vật tư, năng lượng đều tăng cao; mặt hàng tôm khó cạnh tranh giá với các nước khác; các nước nhập khẩu giảm đơn hàng tôm vào nhà hàng, quán ăn do dân thắt chặt chi tiêu…

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu thủy sản đã được cải thiện dần 2 tháng gần đây và thường sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm. Người nuôi tôm Sóc Trăng cũng hy vọng với việc các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản khởi sắc, giá tôm nguyên liệu sẽ tăng, giảm bớt gánh nặng thua lỗ cho người nuôi tôm…/.

Trung Hiếu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tim-giai-phap-cho-nghe-nuoi-tom-soc-trang/299437.html