Tim đập nhanh, mệt, thở khó... cảnh giác với bệnh trọng cần nhập viện ngay

Bất thường lỗ xuất phát động mạch vành là bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp nhưng triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu và nguy cơ đột tử cao ở bệnh nhân trẻ tuổi.

Đây là một bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp, thường không được phát hiện khi bệnh nhân còn nhỏ. Tuy nhiên, tiến triển của bệnh lý bất thường lỗ xuất phát động mạch vành có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như: đau ngực, suy tim và tăng nguy cơ đột tử ở những bệnh nhân trẻ.

Ca bệnh điển hình

Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ108 vừa cấp cứu thành công bệnh nhân bất thường lỗ xuất phát động mạch vành.

Trước đó, anh N. T, 36 tuổi, nhập viện cấp cứu do ngất kèm đau ngực. Theo lời kể của người bệnh, trước khi nhập viện khoảng 6 tháng, trong một lần sau khi chơi thể thao, anh T. cảm thấy tim đập nhanh kèm mệt, thở khó, sau đó ngất đi, thời gian ngất kéo dài khoảng 5 phút thì tự khỏi. Sau đó cơ thể khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên, trong thời gian đó anh T đã 3 lần ngất và tình trạng đau ngực khi gắng sức xảy ra thường xuyên hơn. Thời gian đau kéo dài khoảng 10 đến 15 phút và tự khỏi sau khi nghỉ ngơi.

Theo TS.BS Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108, khi nhập viện, anh T còn tỉnh táo, không đau ngực, không khó thở. Các bác sĩ đo mạch là 80 lần/phút, huyết áp: 110/60 mmHg. Khám sơ bộ tim, phổi không phát hiện gì đặc biệt và các xét nghiệm thông thường không có bất thường.

Tuy nhiên, kết quả chụp động mạch vành (động mạch có chức năng nuôi tim) phát hiện bất thường của hệ động mạch vành: bất thường lỗ xuất phát động mạch vành phải (là một trong hai động mạch vành chính để nuôi cơ tim). Sau đó anh T. được phẫu thuật sửa chữa bất thường . Sau 5 ngày bệnh nhân đã xuất viện với kết quả tốt, sức khỏe trở lại bình thường.

Hình ảnh tim bình thường và tim bị dị dạng động mạch vành.

Các triệu chứng bất thường lỗ xuất phát động mạch vành

Chia sẻ về vấn đề này, theo TS.BS Ngô Tuấn Anh, bất thường lỗ xuất phát động mạch vành là một bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp, thường không được phát hiện khi bệnh nhân còn nhỏ. Đôi khi bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ khi đến khám sức khỏe mà không có triệu chứng trên lâm sàng.

Tuy nhiên, tiến triển của bệnh lý này dẫn đến một số triệu chứng lâm sàng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như: đau ngực, suy tim và tăng nguy cơ đột tử ở những bệnh nhân trẻ.

Ngày nay, bệnh lý này là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở những vận động viên trong lĩnh vực điền kinh tại Mỹ. Lúc đầu bệnh nhân có thể chưa có triệu chứng gì nhưng sau đó sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, ngất, loạn nhịp tim và đột tử.

Vì vậy, mục tiêu điều trị là những bệnh nhân có nguy cơ đột tử tăng cao, đó là những trường hợp có bất thường động mạch vành nặng và những bệnh nhân xuất hiện triệu chứng lâm sàng trước 35 tuổi vì bệnh nhân lớn tuổi nguy cơ đột tử giảm theo tuổi.

Để chẩn đoán đường đi của động mạch vành chủ yếu dựa vào các hình ảnh học. Đầu tiên các bác sĩ chỉ định siêu âm tim qua thành ngực và siêu âm qua thực quản vì nó dễ thực hiện và không xâm lấn, có thể phát hiện được hai lỗ vành.

Chụp mạch vành cho hình ảnh chẩn đoán xác định bất thường động mạch vành. Gần đây, với sự phát triển của chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp đa dãy (MSCT) mô tả rõ giải phẫu động mạch vành và nó có thể thay thế cho phương pháp chụp mạch vành trước đây.

Một ca phẫu thuật tim tại khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ108.

Điều trị như thế nào?

Về vấn đề điều trị, theo TS.BS Ngô Tuấn Anh, bất thường này cần được điều trị can thiệp ngoại khoa, có nhiều kỹ thuật được áp dụng. Đặt stent động mạch vành trên những bệnh nhân này bị hạn chế vì bất thường của lỗ vành và đường đi trong thành động mạch chủ chếnh nghiêng. Phẫu thuật cầu nối chủ vành vào động mạch vành phải, không cần mở động mạch chủ. Tuy nhiên do đa phần bệnh nhân còn trẻ, nên khả năng tắc cầu vành sẽ xảy ra và phải mổ lại. Vì vậy các bác sỹ tim mạch sẽ chọn kỹ thuật mở rộng lỗ động mạch vành hoặc cắm lại lỗ xuất phát động mạch vành cho kết quả tốt và tương đối dễ thực hiện.

TS.BS Ngô Tuấn Anh cũng khuyến cáo, mặc dù bất thường lổ xuất phát động mạch là bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp nhưng triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu và nguy cơ đột tử cao ở bệnh nhân trẻ tuổi. Vì vậy, khi có biểu hiện bất thường trong đó tim đập nhanh, có thể ngất hoặc kèm theo bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào khác cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Khánh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tim-dap-nhanh-met-tho-khocanh-giac-voi-benh-trong-can-nhap-vien-ngay-169221124102814732.htm