Tìm con chữ cho bà con dân tộc thiểu số ở Bình Phước

Thời gian qua, các lớp xóa mù tại Bình Phước liên tục được tổ chức đã góp phần nâng cao dân trí, phát triển giáo dục góp phần phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Dự án 5) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Để đạt được kết quả này ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, của thầy cô giáo còn là tinh thần học tập, nỗ lực vươn lên để biết con chữ của bà con dân tộc thiểu số.

Cứ đúng 19h, các "học sinh đặc biệt" với đủ độ tuổi trong xã Long Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước lại chở nhau đến Nhà văn hóa thôn 6 để được học chữ.

Trong số hơn 40 học viên của lớp, có những người đã ở tuổi xế chiều nên việc học tập không mấy dễ dàng, thế nhưng vượt qua khó khăn, họ vẫn cố gắng đều đặn mỗi tuần 3 ngày đến lớp để tìm "con chữ".

Vừa học vừa vui chơi nên những "học sinh đặc biệt" tiếp thu bài vở rất nhanh

Các học viên lớn tuổi chia sẻ, ban đầu khi đi học, nhiều người cười bảo, đã ở cái tuổi "gần đất xa trời" mà còn đèo bồng học chữ. Nghe vậy, họ cũng chạnh lòng nhưng sau đó được sự động viên của cán bộ xã, của cô giáo nên đã cùng nhau đến lớp.

Bà Thị Vân (56 tuổi), ông Văn Đấu (52 tuổi), ông Điểu Huân (51 tuổi), người dân tộc S.Tiêng ở xã Long Tân nói:

- Mình chưa biết chữ, bây giờ xã Long Tân hướng dẫn cho mình học, cho mình biết chữ, đọc sách này kia.

- Đi làm về mệt, tuổi lớn tiếp thu cũng kém nhưng ráng cố gắng. Sáng dậy sớm nhớ lại tối qua cô giáo chỉ chữ gì thì vừa làm vừa nhẩm trong đầu để nhớ.

- Tôi rất cảm ơn cán bộ nhà nước, xã cho chúng tôi biết 1, 2 chữ để ra đường biết đọc.

Cô Đào Thị Yên đang dạy học viên đánh vần

Lớp học xóa mù chữ ở Nhà văn hóa thôn 6 còn có nhiều em học sinh trong độ tuổi đi học nhưng do hoàn cảnh phải rời quê hương theo ba mẹ di cư về Long Tân sinh sống nên chưa được đến trường. Cũng có nhiều em người dân địa phương nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc phải ở nhà phụ giúp ba mẹ chăm em, làm kiếm tiền, do đó con chữ đối với các em thật xa vời. Thế nhưng, ước mơ, khát khao được biết chữ đã đưa các em đến với lớp học này.

Cô Yên hướng dẫn bà Thị Vân viết chữ

Cô Đào Thị Yên, giáo viên đứng lớp chia sẻ, đối với những "học sinh đặc biệt" phải có giáo trình giảng dạy một cách đặc biệt để tất cả nhanh chóng biết được con chữ. Để động viên bà con đến lớp đều đặn trong quá trình giảng dạy phải tạo được niềm vui, thích thú chứ không gây áp lực. Vừa học vừa chơi nên chỉ sau 2 tháng mọi người đã thuộc được các chữ cái.

Cô Đào Thị Yên cho biết: “Trong quá trình dạy tôi thấy các bà con tiếp thu khá tốt. Một số đọc trơn được, số ít chưa đọc tốt được. Phần viết, đa số bà con lớn tuổi nên chưa viết đúng ô ly, độ cao, độ rộng nên chúng tôi sẽ cố gắng hướng dẫn”.

Hướng đến tất cả bà con đều biết chữ

Theo thống kê tại xã Long Tân, người đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ còn rất nhiều. Nhiều người đã từng được đi học nhưng vẫn tái mù chữ do bỏ học quá lâu không tiếp xúc với chữ. Qua quá trình rà soát, cán bộ xã đã đến từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận động họ đi học để biết chữ.

Ông Đỗ Nhật Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Long Tân, huyện Phú Riềng cho biết, sau lớp học ở thôn 6, xã sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở thêm các lớp khác với mục tiêu nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như nhận thức của bà con nơi đây.

“Mục đích của lớp học là để cho tất cả người dân không biết chữ, không có điều kiện học được tiếp cận con chữ. Trong quá trình học tập, chúng tôi đánh giá các học viên, cũng như quý thầy cô giáo rất nghiêm túc. Kết quả ban đầu chúng tôi thấy rất là khả thi", ông Đỗ Nhật Quang cho hay.

Học học ở Nhà văn hóa thôn 6 có các em nhỏ gia đình khó khăn không được đến trường

Bình Phước là địa phương có đông dân tộc thiểu số với 41 dân tộc khác nhau, hơn 203.500 người (chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh). Thời gian qua, vẫn còn một số gia đình chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con cháu nên tỷ lệ mù chữ còn khá nhiều.

Mặc dù đã nỗ lực vận động, tổ chức các lớp học miễn phí nhưng đến nay Bình Phước vẫn chưa đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Cán bộ thôn 6 cũng đến hướng dẫn bà con học chữ

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, động viên bà con đi học. Việc mở lớp xóa mù chữ không chỉ tạo cơ hội cho học viên học tập, rèn luyện các kỹ năng cơ bản về đọc, viết tiếng Việt, mà còn cung cấp những kiến thức đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội.

Lớp học còn góp phần cho các học viên tự tin, vận dụng tốt những kiến thức học được từ lớp xóa mù chữ, đồng thời từng bước nâng cao đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tim-con-chu-cho-ba-con-dan-toc-thieu-so-o-binh-phuoc-post1055146.vov