Tìm cách đưa sản phẩm làng nghề xuất khẩu

Đồng Nai có nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm đặc sắc như: gốm, gỗ mỹ nghệ, trầm, nấm, bánh gai, sợi hủ tiếu, bánh tráng, chuối sấy, cốm… Các sản phẩm làng nghề được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng. Trong đó có một số sản phẩm đã được xuất khẩu qua một số quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ngoài sản phẩm gốm có thể xuất khẩu trực tiếp, còn đa số các sản phẩm của làng nghề đều xuất khẩu qua khâu trung gian. Việc này dẫn đến tốn thêm chi phí, thời gian để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Hiện có nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới đến Việt Nam tìm nguồn cung ứng sản phẩm để đưa vào chuỗi bán lẻ trong các hệ thống siêu thị, nhà hàng, cửa hàng trên toàn cầu. Những sản phẩm đặc sắc của các địa phương, nhất là sản phẩm của làng nghề, có nhiều cơ hội vào được chuỗi bán lẻ toàn cầu như: Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ); Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Central Group (Thái Lan); Falabella (Chile); Carrefour, Decathlon (Pháp); LuLu (UAE)...

Theo đại diện của các tập đoàn bán lẻ, họ đang đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung từ Việt Nam. Các làng nghề có nhiều cơ hội để trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn bán lẻ. Tuy nhiên, muốn trở thành các nhà cung ứng cho các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia thì sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, tiện lợi và nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, các tập đoàn bán lẻ cũng yêu cầu quá trình sản xuất sản phẩm làng nghề phải đáp ứng các yêu về môi trường, lao động, ít phát thải khí nhà kính.

Với các làng nghề, hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: quá trình sản xuất chưa đảm bảo các tiêu chí về môi trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa đầy đủ… Các làng nghề của Đồng Nai đang gặp những hạn chế trên nên nhiều sản phẩm chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn đưa được sản phẩm làng nghề vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài việc đảm bảo chất lượng thì mẫu mã, truy xuất nguồn gốc rất cần thiết. Khi sản phẩm làng nghề muốn nhắm đến thị trường nào, cần nghiên cứu sở thích, nhu cầu người tiêu dùng ở đó để điều chỉnh mẫu mã sản phẩm cho phù hợp.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia sẽ sử dụng sản phẩm theo mùa nên các làng nghề cũng phải nghiên cứu xu hướng từng mùa, từng năm để chủ động đưa ra các sản phẩm mẫu cho các nhà nhập khẩu. Sản phẩm làng nghề nếu xuất khẩu trực tiếp sẽ nâng được giá trị và có đầu ra ổn định.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202404/tim-cach-dua-san-pham-lang-nghe-xuat-khau-1bd59ec/