Tiểu thuyết lịch sử đang có một đời sống sáng tác đa dạng

Lịch sử là một chủ đề thách thức và thôi thúc sự sáng tạo cho những cây bút trẻ. Dẫu vậy, thời gian gần đây vẫn rất nhiều tiểu thuyết lịch sử ghi được dấu ấn.

Bộ tiểu thuyết lịch sử Công chúa Đồng Xuân của Trần Thùy Mai. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Theo nhận định của PGS.TS Thái Phan Vàng Anh (Giảng viên Khoa Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Huế), trong những năm gần đây đề tài lịch sử ngày càng được chú ý từ phía độc giả lẫn các cây viết. Văn học hiện nay ghi nhận nhiều bộ tiểu giá trị như Vũ Tịch, Thiên Hạ Chi Vương của Trường An, Công chúa Đồng Xuân của Trần Thùy Mai, Vua Thành Thái của Nguyễn Hữu Nam...

Những cây bút trẻ trở mình với lịch sử

Tiểu thuyết lịch sử là một dòng văn chương, chuyên viết viết về những nhân vật lịch sử và sự kiện có thật trong lịch sử. Khác với truyện sử hay ký lịch sử, dòng tiểu thuyết này đòi hỏi các chi tiết rất công phu. Vì vậy một phần các nhân vật xuất hiện đều có yếu tố hư cấu. Dù vậy, tính chân thực của các sự kiện và nhân vật vẫn là yếu tố quan trọng. Chẳng hạn bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hoàng Lê nhất thống chí...

Ngày nay, do quan niệm văn học phản ánh hiện thực, quá khứ trong tiểu thuyết không quá cách xa so với thời gian viết. Nhiều nhà văn nhận ra rằng sự việc xảy ra chỉ mới vừa qua, trong phạm vi đời người, cũng đã là lịch sử. Các nhân vật được đề cập trong tiểu thuyết lịch sử không nhất thiết phải là những nhân vật nổi tiếng hay có dấu ấn.

Chân dung tác giả Huỳnh Trọng Khang. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Quá khứ luôn có những chất liệu hấp dẫn, có thể tạo được cảm hứng sáng tác, ngay cả với những nhân vật, những sự kiện tưởng chừng quen thuộc, vẫn có thể khai thác. Về vấn đề cây bút trẻ tiếp cận dòng tiểu thuyết này, tôi nghĩ khó hay dễ là tùy người. Bản thân tôi thấy viết dù là đề tài gì, kể cả những đề tài gần gũi với mình, cũng không dễ dàng chút nào", Huỳnh Trọng Khang, tác giả Mộ phần tuổi trẻ chia sẻ.

Còn đối với Lê Khải Việt, tác giả của tập truyện ngắn Chuyến bay tháng ba, thách thức của một nhà văn khi dấn thân vào các chủ đề lịch sử là làm sao viết hấp dẫn và thu hút độc giả, đồng thời không bị sa lầy vào sử liệu. "Tuy vậy, theo đuổi đề tài lịch sử là một thách thức với các cây bút trẻ, nếu vốn đọc của họ còn ít ỏi", tác giả Khải Việt cho biết.

Dòng tiểu thuyết giàu tiềm năng

Tiểu thuyết lịch sử tại Việt Nam hiện có rất nhiều lớp nhà văn thuộc các thế hệ khác nhau tham gia. Đây là một mảng đề tài rộng lớn có đời sống sáng tác đa dạng. Không chỉ các tác phẩm mang tính đại chúng, những tác phẩm tiên phong cũng đã xuất hiện và thu hút sự chú ý trên văn đàn. Lối viết tiểu thuyết lịch sử cũng rất đa dạng, chẳng hạn Lưu Vĩ Lân kết hợp yếu tố trinh thám vào trong tác phẩm, các chi tiết cung đấu trong Từ Dụ Thái Hậu của Trần Thùy Mai...

"Đối với lao động viết dù là viết về chủ đề gì cũng rất nhọc nhằn. Các tác giả phải quan sát, tích lũy và chắt lọc. Tuy nhiên, chất liệu của đề tài lịch sử khá hiếm. Trong khi đó, việc tái hiện một không gian trong quá khứ khác với chúng ta đã là một khó khăn rồi. Những người viết về đề tài lịch sử ít nhiều cũng là các nhà biện khảo, họ đều có tư cách của nhà khảo cứu để làm việc với hàng núi tư liệu, đào bới trong đó để tạo nên một ý tưởng của mình", PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định.

Series tiểu thuyết về triều Nguyễn và Tây Sơn của nhà văn Trường An. Ảnh: Chungta.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Thái Phan Vàng Anh (Giảng viên Khoa Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Huế) cũng cho rằng khó khăn trong việc xây dựng một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử có thể nằm ở chỗ người viết làm cách nào để tái hiện lại không gian trong quá khứ. Từ sinh hoạt, lời ăn tiếng nói cho đến các mối quan hệ, lễ nghi, tất cả đều phải được nhà văn tìm hiểu rất kỹ để tránh việc có các hạt sạn trong tác phẩm.

"Trong những tác phẩm được ra mắt gần đây, cách xử lý mối quan hệ giữa văn học và lịch sử ngày càng sáng tạo hơn. Lớp nhà văn trẻ đã tìm kiếm được lối đi riêng biến lịch sử trở thành một đề tài hấp dẫn", PGS.TS Thái Phan Vàng Anh cho biết.

Vượt qua những khó khăn nhất định của thể loại, các tác giả vẫn cho thấy được sức sáng tạo vô hạn của mình trong việc xây dựng những tác phẩm về đề tài lịch sử. Sự quan tâm của họ không chỉ dừng lại ở thời kỳ phong kiến mà còn là giai đoạn kháng chiến, chiến tranh và hậu chiến.

Những nhân vật xuất hiện trong các câu chuyện có thể là những người trẻ, những người lính tưởng chừng như vô danh. Thể loại này ngày càng được đánh giá cao cả trong giới phê bình lẫn phía người viết và độc giả.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tieu-thuyet-lich-su-dang-co-mot-doi-song-sang-tac-da-dang-post1417536.html