Tiểu thương ôm 'quả đắng' vì 'khách' ngừng mua cau non

Khoảng một tuần trở lại đây, nhiều tiểu thương ở 'đất ngàn cau' Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) ngậm 'quả đắng' vì thu mua cau non ồ ạt, giờ phải mang đổ vì thương lái Trung Quốc bất ngờ từ chối thu mua. Điều đáng nói, 'vở diễn' này không phải mới. Rõ ràng 'bổn cũ soạn lại' mà sao lòng tham vẫn cứ mãi không tỉnh ngộ?

Nhiều tiểu thương ôm “quả đắng” vì thương lái Trung Quốc ngừng mua cau non

Ôm “quả đắng” vì cau non

Từ cuối tháng 9, khi giá cau ở các huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi dao động ở mức 13.000 đến 16.000 đồng/kg, thì tại huyện Sơn Tây giá cau bị đẩy lên mức kỷ lục 26.000 đồng/kg. Nguyên nhân do tiểu thương tranh nhau mua gom cả cau non lẫn cau già về sấy khô xuất bán sang Trung Quốc.

Ông Đinh Văn Tiêu (45 tuổi, ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa) cho biết: “Dù những trái cau còn hơn một tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch, nhưng vì thương lái muốn mua cau non nên hơn một tuần trước tôi vội vã bẻ buồng gom lại bán. Nguyên nhân bán cau non là do giá bán được thương lái mua cao gấp 5 lần so với cùng thời điểm này mọi năm”.

Cách đây hơn một tuần, người dân ai bán cau non thì có lời nhiều, còn hiện tại thương lái chỉ mua cau già và giá đã giảm. Điều đáng nói là nhiều tiểu thương sau khi tận thu cau non lại rơi vào tình cảnh lao đao, khốn khổ chỉ vì thương lái Trung Quốc từ chối thu mua cau, hàng trả về phải đổ bỏ.

Bà Nguyễn Thị Kim Ánh (52 tuổi, chủ một cơ sở thu mua ở thôn Huy Em) cho biết: “Năm nay, thương lái Trung Quốc đột nhiên thu mua cau sớm, cả non lẫn già, nhưng ưa cau non hơn. Đặc biệt, giá cau non cao chót vót từ trước đến nay. Thế nhưng rồi sau đó, những cơ sở thu mua như tôi chết đứng vì thương lái Trung Quốc lại trả hàng, không chịu mua cau non nữa”.

Theo chị Nguyễn Thị Dung (43 tuổi, ở thôn Tang Via, xã Sơn Dung), từ cuối tháng 9, thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom cau với số lượng lớn, giá sốt từng ngày. Do đó, các chủ lò sấy phải vơ vét cả cau non lẫn cau già. Xem đây là cơ hội làm ăn hiếm có nên người dân ồ ạt hái cau non bán cho các chủ thu mau. Nhưng một tuần trở lại đây, thương lái đột ngột giảm xuống còn 16.000 đồng/kg và ngừng thu mua cau non, khiến cho tiểu thương, chủ sò sấy “chết đứng”.

“Chỉ sau một đêm, tôi lỗ mấy chục triệu. Gần 4 tấn cau xuất đi sáng hôm trước thì chiều hôm sau họ trả về 1 tấn cau non coi như mất trắng rồi 2,2 tấn cau vừa thì lỗ mỗi ký 10.000 đồng/kg”, chị Dung than thở.

Mất ăn, mất ngủ, buồn hiu khi nghĩ đến khoản lỗ hơn 60 triệu vì xe cau vừa bị trả về, anh Trần Văn Hưng (40 tuổi, ở thôn Huy Măng, xã Sơn Dung) lí giải: “Thực tế, cau non không có giá trị sử dụng vì khi sấy sẽ bị teo tóp, lâu nay Trung Quốc không nhập hàng. Đầu mùa năm ngoái, giá cau chỉ dao động từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất 17.000 đồng/kg. Chưa năm nào cau sốt giá như thế này. Không mua thì không có bán. Lúc đầu, họ cũng nói ngọt, bảo mình thu mua tất tần tật nên các tiểu thương cũng chủ quan mua cả non lẫn già. Khi họ đột ngột dừng thu mua thì mình ôm quả đắng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn huyện Sơn Tây hiện trồng khoảng hơn 1.400ha cây cau. Hàng năm, còn hơn một tháng nữa mới đến vụ thu hoạch chính. Tuy nhiên, năm nay thương lái thu mua cau sớm. Họ về các vùng cao thuyết phục bà con dân tộc thiểu số hái cau non bán cho họ. Cau được xuất bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao kỷ lục nên tình trạng trộm cau cũng xảy ra.

Lợi dụng đêm tối một số đối tượng xấu đã lẻn vào nương, rẫy, vườn cau của người dân để hái trộm trái. “Cách đây mấy hôm, kẻ trộm đã lẻn vào rẫy cau trồng của gia đình hái mất khoảng 50kg. Để chống trộm, cứ vào ban đêm, hai vợ chồng tôi lại chia nhau lên rẫy cau để trông coi. Không chỉ gia đình tôi, nhiều người dân ở đây cũng phải dựng chòi canh giữ cả ngày lẫn đêm”, ông Đinh Văn Hơi (53 tuổi, ở thôn Huy Măng) cho biết.

Ông Bùi Đức Thạch - Chủ tịch UBND xã Sơn Dung, xác nhận: “Tình trạng hái trộm cau non trên địa bàn có xảy ra, nhưng chỉ rải rác chứ không phải rầm rộ. Chúng tôi cũng đã yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát để chống nạn trộm cau, và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn”.

Sau cơn sốt cau non, hiện tại thương lái chỉ mua cau vừa nhưng giá giảm đến 10.000 đồng/kg

“Bổn cũ soạn lại”?

Theo chị Dung, hiện tại nhu cầu thị trường Trung Quốc đang rất hút cau đã đẩy giá cau nội địa tăng đột biến. Các chủ sò sấy thu mua về cho vào lò sấy trong thời gian 5 ngày đêm, 4kg cau tươi sau khi sấy được 1kg cau khô. Cau khô dồn bao rồi xuất bán cho thương lái Trung Quốc.

“Tôi chỉ nghe là cau sang đấy làm kẹo cau. Mọi năm, cau xuất sang Trung Quốc phải đạt chất lượng, chưa có hạt, không non cũng không già. Không hiểu sao năm nay, đầu mùa họ ăn cả cau non nên không chỉ tôi mà hầu hết thương lái và các chủ lò sấy đều bị lừa”, chị Dung phân trần.

Chưa năm nào cau sốt giá như năm nay nên người dân trước đây chặt bỏ cau thì giờ đang ươm giống mở rộng diện tích cau trở lại. Anh Đinh Văn Biên (39 tuổi, ở thôn Huy Em) cho biết: “Mấy năm trước, giá cả bấp bênh, có lúc cau chín rụng vàng gốc không ai mua, bà con chặt phá trồng keo. Cau lên giá liên tục nên ai cũng tiếc rẻ, giờ mọi người bắt đầu ươm giống trồng trở lại”.

Theo ông Thạch, trước đây người dân ở xã Sơn Dung trồng rất nhiều vườn cau. Tuy nhiên, số lượng cau giảm dần do nhiều lần giá cau đột ngột giảm dưới 3.000 đồng/kg.

“Thấy giá cau thấp, trong khi một số loại cây trồng có giá trị cao hơn, nên người dân chặt bỏ cây cau để trồng cây khác. Năm nay, thấy giá cau cao nên một số nhà vườn trồng cây khác như mì, chuối… chặt bỏ để trồng cau.

“Đây là hiện tượng mua bán bất thường. Tình trạng mua tận thu cau non với giá cao như cách đây hơn một tuần thì có lợi cho người dân, nhưng bây giờ thì thương lái trả lại nên chủ thu mua bị thua lỗ. Chưa hết, nếu xét về trước mắt thì lợi cho người dân, nhưng về lâu dài sẽ xảy ra tình trạng vài tháng sau không còn cau để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, hoặc mùa cưới hỏi. Do vậy, người dân cần tỉnh táo không chạy theo lợi ích trước mắt mà chặt hạ những cây trồng hiện có để trồng cau”, ông Thạch cảnh báo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước hiện tượng giá cau tăng kỷ lục, rồi giảm như hiện nay, huyện Sơn Tây vẫn không có chủ trương khuyến khích bà con mở rộng diện tích hay đưa vào danh mục cây chủ lực của huyện, vì tính không bền vững.

Còn nhớ, cách đây hơn 5 năm, thị trường cau trái ở Sơn Tây đã từng có một thời sôi động, lôi cuốn sự tham gia của không chỉ người trồng mà cả người mua, bán, chế biến xuất khẩu. Thời điểm đó, cau được mua ồ ạt, sơ chế tại chỗ và bán sang Trung Quốc, Thái Lan để làm kẹo cau. Nhưng rồi cây cau “chết đứng”, khi những “bạn hàng lớn” này không mua nữa, khiến cho các đại lý thu gom ôm hàng tấn cau khóc ròng.

Cách đây hơn một tuần, trái cau non bỗng nhiên lên cơn sốt, rồi khi các chủ thu mua gom hàng với số lượng lớn thì bất ngờ thương lái Trung Quốc không chịu lấy hàng, khiến họ “chết đứng”.

Phải chăng “bổn cũ soạn lại” một lần nữa? Và, bài học đắt giá nhãn tiền về cây cau vẫn còn đó. Vậy nên, tình trạng thương lái đổ xô lùng mua cau non, rồi bất ngờ dừng lại đột ngột rất cần được chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan quan tâm, theo dõi, để có những định hướng kịp thời, đúng đắn cho người dân.

Được biết, không chỉ đối với cau, những năm gần đây, thương lái Trung Quốc có phương thức mua các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta rất lạ. Từ việc đẩy giá lên “đỉnh”, khuyến khích nông dân nuôi, trồng đại trà rồi dừng mua đột ngột, đến mua tận cây non, quả non, sinh vật ngoại lai có hại.

Thương lái Việt bỏ tiền ra ôm hàng rồi khóc ròng vì thương lái Trung Quốc lặn mất tăm. Đây là chiêu trò không mới, vì thế, thương lái Việt và người dân phải hết sức tĩnh táo để không phải gánh hậu quả nặng nề.

Thắng Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//tieng-noi-da-chieu/tieu-thuong-om-qua-dang-vi-khach-ngung-mua-cau-non-361019.html