Tiêu thụ nông sản... người dân cần chiều ý khách hàng

Theo một chuyên viên (người được giao nhiệm vụ trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con) của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu, tổng sản lượng trái nhãn trên địa bàn huyện năm nay đạt khoảng 11.000 tấn, trong đó khu vực xã Truông Mít chiếm hơn 70%.

Một người dân đang thăm nhãn chín tại ấp Thuận Bình, xã Truông Mít

Hiện nay, Phòng NN&PTNT phối hợp các đơn vị liên quan tìm nhiều nguồn tiêu thụ nông sản cho người dân. Thông qua các kênh tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai...

Trong đó, bắp trái dù không được giá như mọi năm nhưng vẫn dễ tiêu hơn trái nhãn. Trung bình mỗi ngày có thể tiêu thụ hơn 10 tấn bắp trái, giá khoảng 3.500 đồng/kg, tập trung chủ yếu tại địa bàn các xã Phan và Phước Ninh.

Cũng theo vị chuyên viên trên cho hay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thị trường Campuchia không còn thu mua nhãn. Thị trường tại tỉnh Đắk Lắk cũng kén chọn loại nhãn, chỉ ưa chuộng nhãn IDO, riêng nhãn tiêu quế (hay còn gọi là nhãn tiêu da bò, được trồng phổ biến tại xã Truông Mít) thì bị chê vì hạt to, vỏ mỏng khó bảo quản. Theo sở thích của khách hàng, nhãn IDO cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt thơm đặc trưng, vỏ dày bảo quản được lâu.

Trái nhãn chín rụng đầy gốc.

Trong khi, phần lớn diện tích nhãn trồng trên địa bàn huyện Dương Minh Châu nói chung và xã Truông Mít nói riêng là nhãn tiêu quế, nên việc tir6u thụ gặp nhiều khó khăn. Trái nhãn ở xã Truông Mít hiện được hỗ trợ tiêu thụ qua hai hình thức, bán nhãn tươi và nhãn sấy khô. Tất nhiên, số lượng được tiêu thụ là có hạn, vẫn còn nhiều diện tích nhãn chín rụng do không bán được.

Ông Trương Võ Anh Dũng, chủ lò sấy duy nhất tại xã Truông Mít cho biết, loại nhãn dùng để sấy được thu mua tại nhà vườn với giá 3.000 đồng/kg. Nhãn tươi (dùng để ăn, không sấy) của bà con được thu mua với giá khoảng 5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, số lượng thu mua có giới hạn, nhằm san sẻ, thu mua nhãn cho nhiều hộ, cũng như tránh tập trung đông người trong quá trình thu hoạch để phòng dịch, mặt khác cũng đảm bảo đáp ứng vừa đủ nhu cầu của khách hàng.

Nhãn chín quá thường bị thối trái, nứt trái, khó bảo quản nên bị khách hàng chê.

Theo ông Dũng, lò sấy của ông hoạt động hết công suất cũng chỉ giải quyết được khoảng 500kg nhãn tươi/ngày. Riêng nhãn tươi được hỗ trợ mua để đưa đi tiêu thụ hơn 2 tấn/ngày. Số lượng này là quá ít so với sản lượng nhãn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần “tuyển chọn” nhãn ngay từ khâu thu hoạch. Theo đó, nếu bán nhãn tươi để ăn thì không nên bẻ nhãn khi trái quá chín mà nên lựa khi trái vừa chín tới, cắt bỏ những trái xấu...Đối với nhãn sấy thì có thể chọn nhãn chín đã lâu, nhưng cũng cần phải loại bỏ những trái bị nứt vỏ, sâu rầy tác động…để các đơn vị trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm không bị... “làm khó”.

Quốc Sơn

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tieu-thu-nong-san-nguoi-dan-can-chieu-y-khach-hang-a136082.html