Tiểu sử đô thị Hà Nội qua góc nhìn của một học giả người Australia

'Hà Nội - Tiểu sử một đô thị' dịch từ cuốn 'Hanoi: Biography of a city' của GS-TS. William Stewart Logan, được dư luận quốc tế đánh giá là 'cuốn sách đầu tiên vạch ra lịch sử của kết cấu một đô thị từ nguồn gốc của nó cách đây một ngàn năm trước'.

Dành trọn 10 năm để viết “tiểu sử” một thiên niên kỷ củaHà Nội

Nhắc đến Hà Nội, người ta nghĩ ngay tới một thành phố với 36 phố phường mang đậm nét cổ xưa, là nơi lưu giữ nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Hà Nội ngày nay đã có rất nhiều thay đổi nhưng không ít công trình có tuổi đời trên hàng trăm năm vẫn còn đó, giữ lại những nét xưa phảng phất trong hình ảnh đô thị hiện đại của Thủ đô. Và Hà Nội dù có phát triển đến đâu thì trong tiềm thức của những người yêu Hà Nội, những góc phố thân quen với các công trình xưa cũ vẫn giữ một vị trí thật đặc biệt.

William Stewart Logan sinh năm 1942, là một học giả người Australia, giáo sư tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Sydney, và từng là Chủ tịch Quỹ Di sản văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương UNESCO.

Cũng bởi những ấn tượng khó quên về Hà Nội, nên trong suốt thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, GS-TS. William Stewart Logan đã miệt mài tiếp cận và nghiên cứu các nguồn tư liệu thư tịch và thực địa, “lục tung” các thư viện, lưu trữ ở Sydney, Melbourne (Australia), Paris, Aixen - Provence (Pháp) và Hà Nội, gặp gỡ trao đổi với nhiều học giả Pháp, Nga, Việt Nam, đặc biệt là giới kiến trúc và quy hoạch đô thị. Kết quả là một cuốn sách dày dặn về thông tin đã được viết và xuất bản năm 2000.

Như tên gọi, công trình này đúng là “tiểu sử” một đô thị, một tiểu sử khá chi tiết và trải đều suốt một thiên niên kỷ của thành phố. Với biểu thời gian được xác định từ triều đại các vua Hùng (2879 TCN) đến kỷ niệm Hà Nội nghìn năm tuổi (2010), cuốn sách dẫn người đọc đi qua hơn 400 trang với 8 chương từ “Ý thức hệ, ký ức và ý nghĩa di sản”, “Thăng Long, thành phố Rồng bay, Hà Nội thời kỳ tiền thuộc địa và những dấu ấn Trung Hoa”… cho tới “Đổi mới và Hà Nội những năm 1990”, “Hà Nội đối mặt với thiên niên kỷ mới”.

Là người “thiết tha muốn hiểu và yêu Hà Nội”, với cái máy ảnh, cây bút, William Stewart Logan đã đi hầu khắp những nơi cần đến (không chỉ tập trung ở các địa điểm lưu trữ, thư viện) ở Hà Nội, tận mắt tiếp cận tư liệu và di sản kiến trúc… để viết về một Hà Nội với 1.000 năm, gồm cả biến động, phát triển và thụt lùi, trên nhiều phương diện.

Và Hà Nội đã hiện ra với rất nhiều hình ảnh gần gũi, thân thương nhưng cũng đầy bất ngờ, mới mẻ. Trong đó có câu chuyện về việc trùng tu Ô Quan Chưởng qua các thời kỳ cũng như xác nhận hình dáng gốc của chiếc cổng này qua các tài liệu nước ngoài. Hay nghi vấn về tác giả thiết kế cầu Doumer (Long Biên) là Công ty Hãng Eiffel chứ không phải Gustave Eiffel…

Bìa sách Hà Nội - Tiểu sử một đô thị, PGS-TS. Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Nhà Xuất bản Hà Nội ấn hành. Cuốn sách nằm trong Tủ sách “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến” - công trình chào mừng Hà Nội vào thời khắc nghìn tuổi.

Và nhiều nữa những thông tin thú vị ngồn ngộn những sự kiện lịch sử, diễn tiến đời sống, văn hóa, xã hội dưới cái nhìn của tác giả khiến chúng ta thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội. Trong đó, nổi bật lên là những thông tin, phân tích về vấn đề quy hoạch, bảo vệ di tích với thông điệp: “Ở Hà Nội, cũng như các đô thị khác của Việt Nam, điều thiết yếu là nhu cầu hiện đại hóa cần được thừa nhận. Bảo vệ di sản không nên có nghĩa là hạn chế người dân Hà Nội tiếp tục sống trong những điều kiện dưới mức tiêu chuẩn. Cần phải tạo nên một sự cân bằng giữa việc duy trì những mối liên hệ với quá khứ và việc mở đường cho một tương lai xán lạn hơn”.

Tác giả là một nhà khoa học nghiêm túc và nhiệt huyết, một người “quan sát từ bên ngoài”. Chính điều đó giúp cuốn sách đem đến một sự trải nghiệm mới mẻ cho độc giả, với khá nhiều điểm nhìn khách quan, sắc sảo và sáng tỏ hơn người trong cuộc. Tuy đôi chỗ còn chưa thật thấu đáo hoặc trùng hợp với quan điểm của chúng ta, nhưng khoa học, văn hóa cần mở cửa để đón những ngọn gió mới, để cùng thảo luận về những thông tin luận điểm đã nêu lên… và có lẽ đó cũng là điều mong muốn của người viết sách.

Cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay) vào năm 1940. Ảnh tư liệu

Bài toán gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa

GS-TS. William Stewart Logan có nhiều cơ duyên với Thủ đô Hà Nội. Là chuyên viên làm việc cho các cơ quan tài trợ văn hóa của tổ chức UNESCO và Quỹ Viện trợ Australia, tham gia nhiều dự án quy hoạch, phát triển và bảo tồn ở Hà Nội, có nhiều dịp đi khảo sát, nghiên cứu, thăm Hà Nội và Việt Nam (có những lần đem theo cả gia đình).

Dựa vào cơ sở tư liệu phong phú nhiều nguồn, tỉ mỉ và có chọn lọc, khảo chứng, tác giả đã phục dựng một cách thuyết phục quá trình của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, qua diện mạo vật chất bên ngoài cũng như cốt lõi tâm thức bên trong, trên một nền tảng lịch sử với những tác nhân chính trị - văn hóa ngoại sinh và nội sinh, một thành phố với đầy những cảnh quan và huyền thoại quyến rũ và cũng mang trong nó nhiều tương phản, nghịch lý đáng suy ngẫm…

Với những nhìn nhận khách quan, thẳng thắn, mang tư duy và tập quán của một nhà khoa học phương Tây, do đó, bên cạnh những đánh giá tích cực, tác giả cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế về quy hoạch, kiến trúc và những vấn đề chung trong quản lý đô thị. Điều trên hết là những đánh giá, phê phán của tác giả hết sức thiện chí, xây dựng nên mặc dù có những nhìn nhận khác nhưng cũng rất đúng để chúng ta ghi nhận, suy ngẫm và có những hành động thiết thực, góp phần xây dựng một đô thị - Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Hà Nội - Tiểu sử một đô thị đặt ra các vấn đề để thành phố phát triển và bảo tồn giá trị vốn có. Ảnh: Tháp Rùa - biểu tượng văn hóa, lịch sử của Thủ đô.

Từ đó đến nay, hơn 20 năm đã trôi qua, Hà Nội cũng đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những ý kiến luận giải và nhất là những vấn đề đặt ra vẫn còn mang giá trị thời sự. Đó là làm thế nào để giải được đúng nhất và hay nhất một phương trình văn hóa đặt ra cho Thủ đô Hà Nội, mà những ẩn số chính là lợi ích phát triển và giá trị bảo tồn vốn có tương quan với nhau; làm thế nào để cân bằng hợp lý giữa những chiều kích kinh tế - kỹ thuật và văn hóa - nhân văn, trong đó điểm xuất phát cũng là đích cuối cùng không phải là những con số, mà chính là những con người. Điều đó càng có ý nghĩa và đáng suy ngẫm, khi Thủ đô Hà Nội đã hơn ngàn năm tuổi với thế và lực mới.

Với những nhìn nhận và đánh giá của một người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử kiến trúc, quy hoạch và bảo tồn đô thị ở các nước đang phát triển ở châu Á, Hà Nội - Tiểu sử một đô thị sẽ là cuốn tài liệu có giá trị, hữu ích cho các nhà khoa học không chỉ giới kiến trúc (qua những bài học về bộ mặt kiến trúc Hà Nội trong quá khứ mà nghĩ về quy hoạch trong hiện tại và tương lai) và có lẽ cho nhiều giới khi “nhìn lại” tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Thạch Thảo

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tieu-su-do-thi-ha-noi-qua-goc-nhin-cua-mot-hoc-gia-nguoi-australia-41270.html