Tiêu dùng xanh cho hành tinh xanh

Tiêu dùng xanh là xu hướng sống văn minh, hiện đại, góp phần hình thành một lối sống xanh, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, từ đó chung tay góp phần bảo vệ hành tinh xanh trước diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu.

Nguồn: Bộ TN-MT và Sở TN-MT; Đồ họa: ĐỖ QUYÊN

Đa phần người tiêu dùng ngày nay yêu cầu sản phẩm/dịch vụ phải đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Nhu cầu này đòi hỏi nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ không ngừng thích ứng, đổi mới sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm/ dịch vụ xanh - thân thiện với môi trường.

* Sẵn sàng chi trả cao hơn để sử dụng sản phẩm xanh, sạch

Với tiêu chí an toàn cho sức khỏe người dùng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vì không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học, phân bón hóa học trong quá trình trồng trọt; không sử dụng thuốc kháng sinh, thức ăn công nghiệp trong quá trình chăn nuôi…, các sản phẩm hữu cơ, thực phẩm organic ngày càng “được lòng” người tiêu dùng. Dù giá có mắc hơn các sản phẩm thông thường nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chi trả để được sử dụng các sản phẩm xanh, sạch này nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Chị Thạch Thảo (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết: “Từ ngày có con nhỏ và đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, gia đình tôi rất quan tâm đến các sản phẩm xanh, sạch, có nguồn gốc hữu cơ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của gia đình và môi trường sinh thái”.

“Là người tiêu dùng thành thị, tôi chọn cách mua sắm/ dịch vụ theo tiêu chí xanh, sạch, an toàn cho sức khỏe, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường dù phải trả phí đắt hơn một chút so với các sản phẩm/ dịch vụ thông thường” - chị Thạch Thảo (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Nắm được thị hiếu và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều sản phẩm organic ra đời, góp phần xanh hóa môi trường sống, đưa kinh tế phát triển bền vững, chất lượng sống của người dân ngày càng đi lên.

Người nội trợ đi mua sắm ở các siêu thị, các chợ truyền thống ngày nay đã có ý thức và hạn chế dùng túi ny-lông, chất không được phân hủy, một trong những tác hại chính gây ô nhiễm môi trường để đựng hàng hóa. “Nói không với rác thải nhựa”, nhiều siêu thị đã có nhiều phương thức thay thế túi ny-lông được người tiêu dùng hưởng ứng, như: dùng lá chuối gói rau, sử dụng túi ny- lông tự hủy sinh học, khuyến khích khách hàng sử dụng túi tái sử dụng, hoặc đóng hàng hóa bằng thùng cartoon…

Theo ông Vũ Thanh Tân, đại diện bộ phận truyền thông của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Big C/GO!, những năm qua, hệ thống siêu thị BigC/Go!, ngoài sử dụng túi ny-lông tự hủy sinh học, siêu thị còn khuyến khích khách hàng sử dụng túi Lohas, thân thiện với môi trường do làm bằng chất liệu vải dứa chắc chắn, có khả năng tự phân hủy, có thể tái sửa dụng trong vòng vài năm. BigC/Go! khuyến khích khách hàng sử dụng túi này khi bán túi với giá bán không lợi nhuận. Ngoài ra, BigC/Go! còn bố trí nơi đóng gói hàng hóa bằng thùng cartoon và có nhân viên hỗ trợ ở khâu này.

Tương tự, nhiều năm qua, người tiêu dùng khi mua sắm tại Siêu thị MM Mega Market đã quen với việc nói không với việc sử dụng túi ny-lông trong đựng hàng hóa. “Tôi ở chung cư gần Siêu thị MM Mega Market nên khi đi siêu thị này tôi đã quen với việc đựng hàng hóa gọn gàng trong thùng cartoon rồi mang ra xe chở về. Tôi rất ủng hộ cách làm này vì chỉ cần thay đổi thói quen nhỏ sẽ tác động rất lớn, góp phần chống lãng phí, cũng như bảo vệ môi trường. Khi đi chợ, tôi cũng chủ động nói người bán gom hàng hóa trong 1 túi để đựng, vừa đỡ lãng phí vừa bảo vệ cho môi trường” - chị Thu Thủy (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết.

Chị Thạch Thảo (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chọn mua thực phẩm organic ở một siêu thị tại TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Viên

Trong nhịp sống hối hả của đô thị công nghiệp, các công dân thành phố thường mua hàng “take away” (mua hàng mang đi). Nếu như trước đây, người tiêu dùng đã quen với các sản phẩm ly, chén, hộp nhựa, bịch ny-lông để đựng đồ ăn thức uống vì sự linh động, tiện dụng của nó, thì những năm gần đây, trong xu hướng tiêu dùng xanh, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chọn những điểm ăn uống có thương hiệu, cung cấp đồ ăn ngon, hợp vệ sinh và đặc biệt là sử dụng các sản phẩm không có hại cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Chẳng hạn như: thay vì sử dụng ly, hộp nhựa, một số quán trà sữa, quán ăn thương hiệu sử dụng ly giấy, hộp giấy; sử dụng ống hút bằng giấy, bằng bã mía…

* Một xu hướng tiêu dùng văn minh, hiện đại

Thực tế, tiêu dùng xanh, sống xanh, thân thiện với môi trường không phải là một trào lưu nhất thời như các trend “sớm nở, tối tàn” như đa phần các trào lưu khác trên mạng xã hội ngày nay, mà theo Bộ Công thương, tiêu dùng xanh là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Tiêu dùng xanh với thói quen sử dụng các sản phẩm/ dịch vụ thân thiện với môi trường, góp phần hình thành lối sống văn minh, hiện đại của mỗi người, từ đó chung tay góp sức bảo vệ hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động hiện nay.

Để có thể trở thành người tiêu dùng thông minh, hiện đại và văn minh, đòi hỏi mỗi người phải cập nhật những thông tin mới, nhanh nhạy ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Như anh Nguyễn Văn Vụ (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa), trong đợt sửa chữa nhà mới đây, anh đã thay hệ thống đèn huỳnh quang bằng đèn led để tiết kiệm điện năng; đồng thời anh cũng thay luôn tủ lạnh đời cũ, rất dễ bị đông đá bằng tủ lạnh đời mới có gắn nhãn tiết kiệm điện ở mức cao 4 sao.

“Qua theo dõi, tủ lạnh mới dù to hơn nhưng lượng điện tiêu thụ lại thấp hơn tủ lạnh cũ. Dù có tốn tiền mua chiếc tủ lạnh mới, thay hàng loạt bóng đèn nhưng gia đình được sử dụng chiếc tủ lạnh mới, bóng đèn mới hiện đại hơn, đẹp hơn, đồng thời lượng điện tiêu thụ hàng tháng cũng không tăng. Đó là điều tôi hài lòng” - anh Vụ chia sẻ.

Một số loại ống hút thân thiện với môi trường

Về phương tiện giao thông, người tiêu dùng ngày nay bên cạnh xe gắn máy, xe ô tô chạy bằng xăng, còn có thêm sự lựa chọn khi mua xe máy điện, xe ô tô điện. Cuối năm 2022, chị Phương Thảo (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) mua chiếc xe máy điện. Quyết định này mang lại tiện ích vượt ngoài mong đợi ban đầu của chị khi tiết kiệm chi phí đổ xăng, xe hoạt động tốt, chế độ chăm sóc khách hàng chu đáo, lại còn góp phần bảo vệ môi trường. Do đó, vợ chồng chị Thảo vừa đăng ký mua thêm một chiếc ô tô điện để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình.

Theo thông tin từ Vinfast, Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) đã đặt hàng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện khảo sát người tiêu dùng Việt Nam về phương tiện giao thông điện mới. Kết quả công bố cho biết, có tới 78% người tiêu dùng chưa sử dụng phương tiện giao thông điện cho biết mong muốn sử dụng phương tiện giao thông điện trong tương lai gần.

Tỷ lệ này cho thấy tiềm năng của thị trường phương tiện giao thông thân thiện với môi trường này còn rất lớn. Bởi Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược này là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Bảo vệ mội trường sống trong lành, tô thêm mảng xanh cho hành tinh không phải điều xa vời, khó thực hiện mà bắt nguồn từ ý thức và hành động dù nhỏ nhưng ý nghĩa của mỗi người. Một khi môi trường sống được đảm bảo, chất lượng sống của mỗi người từ đó sẽ ngày càng tốt hơn.

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202306/chuyen-de-ung-pho-voi-o-nhiem-tu-rac-thai-nhua-tieu-dung-xanh-cho-hanh-tinh-xanh-3167890/