Tiêu dùng trong tuần (7-13/8/2023): Giá rau xanh tăng cao, dưa hấu giảm còn 2.000 đồng/kg

Giá cả thị trường trong tuần này: Giá rau xanh, xăng dầu tăng mạnh; trong khi giá vàng, tôm, dưa hấu, nhãn đồng loạt giảm.

Giá rau, xăng dầu tăng mạnh; trong khi giá vàng, tôm, dưa hấu, nhãn đồng loạt giảm. Ảnh minh họa

Giá vàng giảm mạnh

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng trên thị trường quốc tế ở quanh ngưỡng 1.913 USD/ounce, tăng 2 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua.

Giá vàng nhích nhẹ sau khi giảm liên tiếp. Đây là tuần giá vàng chịu áp lực lớn từ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và báo cáo việc làm tại Mỹ. Cả 2 thông tin kể trên đều cho tín hiệu tích cực, dấy lên lo ngại trong giới đầu tư rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không còn lần tăng lãi suất nào nữa trong năm nay.

Dự báo Fed có thể tăng thêm 1 lần lãi suất nữa đã tụt xuống dưới 10%. Đặc biệt thị trường còn có thêm dự báo có thể Fed bắt đầu hạ lãi suất điều hành đồng USD từ quý 2/2024.

Những thông tin kể trên khiến giới đầu tư tiếp tục bán vàng để chuyển hướng đầu tư sang tài sản sinh lời là trái phiếu và cổ phiếu. Ngày 11/8, quỹ ủy thác vàng lớn nhất thế giới đã bán ròng 3,75 tấn vàng.

Trong vòng nửa tháng qua, quỹ này đã bán ròng 8 phiên. Tính chung tuần qua, giá vàng thế giới giảm 26 USD/ounce.

Trên thị trường trong nước, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,8 – 67,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu 66,92 – 67,48 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra.

Tuần qua, mặc cho giá vàng thế giới giảm sâu nhưng vàng SJC vẫn leo cao. So với giá mở cửa tuần, vàng SJC niêm yết tại Doji tăng đến 200.000 đồng/lượng và tại Bảo Tín Minh Châu tăng 100.000 đồng/lượng.

Theo nhận định của một số tổ chức tài chính và doanh nghiệp, tuần qua giá vàng trong nước dù có tăng cao nhưng giới đầu tư không mấy mặn mà với kim loại quý. Dòng tiền đầu tư đang đổ vào thị trường chứng khoán và kênh trái phiếu có lợi suất cao hơn.

Mưa lớn kéo dài khiến giá rau tại Hà Nội tăng cao

Ghi nhận trong sáng ngày 10/8 tại các chợ dân sinh truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Hôm-Đức Viên, chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình)... cho thấy giá một số loại rau xanh tăng đáng kể (từ 30-50%) so với đầu tuần trước.

Cụ thể, rau ngót tăng từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng/mớ; rau mùng tơi từ 6.000 lên 9.000 đồng/mớ; bí xanh trước chỉ từ 10.000 đồng nay đã vọt lên 15.000 đồng/kg; bắp cải từ 16.000 đồng lên 20.000 đồng/kg.

Một số loại rau khác vẫn duy trì mức giá như rau muống từ 10.000 - 20.000 đồng/kg; cải chíp từ 12.000 - 14.000 đồng/kg; cà chua từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; súp lơ xanh, trắng từ 32.000 - 35.000 đồng/kg; hành lá 30.000 - 35.000 đồng/kg…

Theo chị Hồng Ngọc, tiểu thương chuyên bán rau ở chợ Nguyễn Công Trứ, mưa kéo dài khiến cho nguồn cung rau không ổn định, giá tăng cao.

“Những đợt mưa liên tục vừa qua đã khiến nhiều ruộng rau bị dập, hỏng nên nguồn cung hạn chế, đẩy giá lên cao,” chị Ngọc cho hay.

Việc một số loại rau củ quả tăng giá mỗi khi trời mưa, bão đã được nhiều người tiêu dùng cũng lường trước được nên chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm chi phí.

“Mới tuần trước mua cân bí xanh 10.000 đồng nay đã tăng lên 15.000 đồng/kg; các loại rau khác như ngót, mùng tơi, bắp cải mỗi thứ cũng tăng một ít… người bán nói tăng thì mình cũng chỉ biết chấp nhận và tính toán chi tiêu sao cho hợp lý,” chị Minh Anh, người dân quận Hai Bà Trưng cho biết.

Các tiểu thương kinh doanh rau củ cũng nhận định rằng nếu tình hình thời tiết ổn định, không còn mưa kéo dài thì giá cả các loại rau sẽ sớm “hạ nhiệt” trở lại khi nguồn cung ổn định hơn.

Ngoài rau tăng giá, một số mặt hàng thực phẩm khác tại tiếp tục giữ ở mức khá ổn định: Thịt lợn dao động từ 90.000 - 140.000 đồng/kg (trong đó sườn non 140.000 đồng/kg; ba chỉ 120.000 - 130.000 đồng/kg; nạc vai khoảng 110.000 đồng/kg; mông sấn 100.000 đồng/kg, móng 80.000 đồng/kg); thịt bò giá dao động trong khoảng 220.000 - 280.000 đồng/kg; thịt gà, vịt, ngan chế biến sẵn có giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg; trứng gà, vịt dao động từ 28.000 - 35.000 đồng/chục...

Người nuôi treo ao vì giá tôm giảm sâu

Gần 20 năm nuôi tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Lập, 51 tuổi, tổ tưởng tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Thành Công Mới chưa bao giờ thấy nghề nuôi tôm lao đao như hiện tại.

Ba năm nay, giá tôm lên xuống thất thường và giảm mạnh từ đầu năm. Hiện tôm sú loại 30 con mỗi kg giá 105.000 - 110.000 đồng, 20 con có giá khoảng 160.000 đồng, giảm 80.000 - 100.000 đồng so năm rồi; tôm thẻ loại 100 con giá 75.000 đồng mỗi kg, giảm từ 20.000 - 30.000 đồng so cùng kỳ.

Theo ông Lập, hiện gia đình giảm từ 8 ao trên diện tích 2 ha xuống nuôi hai ao nuôi cầm chừng. Những năm trước, nếu giá cả ổn định ông thu lợi nhuận 400-500 triệu đồng mỗi năm, nhưng ba năm nay chỉ toàn thua lỗ. Toàn ấp có hơn 700 hộ nuôi tôm song hiện treo ao khoảng 30%, số còn lại đều giảm diện tích.

Ông tính toán, cách đây bốn năm một ao tôm sú rộng 2.500 m2 tốn chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng; sau thu hoạch trung bình người nuôi lãi 50 triệu đồng. Trong khi hiện nay chi phí đầu tư một ao tương tự chừng 220-250 triệu đồng, với giá hiện tại thì đến cuối vụ nông dân chỉ thu về khoảng 100-120 triệu đồng, tức lỗ khoảng 100 triệu đồng.

"Thức ăn nuôi tôm chỉ lên chứ chưa bao giờ thấy xuống. Một bao loại 25 kg đang có giá hơn một triệu đồng, trong khi năm rồi chỉ hơn 800.000 đồng", ông Lập nói, cho biết đang nợ đại lý thức ăn khoảng 600 triệu đồng, vay nóng bên ngoài 400 triệu đồng.

Có bảy ao nuôi tôm nằm cạnh diện tích của ông Lập, ông Trần Văn Khóa, 56 tuổi, cho biết ở đây nhiều người phải tạm bỏ nghề vì không thể cầm cự trước tình hình giá chạm đáy. Hai năm trước, ông quyết định giảm diện tích từ 7 ao, xuống 4 ao, rồi đến hai ao, nhưng tình hình không cải thiện. Tháng 3 năm nay, ông dừng nuôi tôm vì số tiền nợ đại lý thức ăn hơn 300 triệu đồng.

"Hiện đại lý đã kiện tôi ra tòa vì không trả tiền đúng cam kết. Gia đình tôi cũng mong muốn trả nợ nhưng không có khả năng", ông Khóa nói.

Để có tiền lo cho sinh hoạt hàng ngày, ông Khóa phải đi soi ba khía, kéo tôm thuê. "Ngày trước vợ chồng tôi làm đủ nghề, tích góp hơn 160 triệu đồng mua đất nuôi tôm, những tưởng sẽ đổi đời. Song, sau 17 năm với nhiều thăng trầm, tôi không những phải chạy ăn từng bữa, mà còn mắc nợ", ông Khóa cho biết.

Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu cho rằng giá tôm hiện tại là thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, người nuôi đứng ngồi không yên. Những người đã thu hoạch xong đang phân vân là có thả nuôi tiếp hay là treo ao, chờ giá lên. Còn hộ còn tôm trong ao, khả năng lỗ rất cao, tôm kích cỡ càng lớn, lỗ càng cao.

Giá nhãn giảm do nguồn cung dồi dào

Nhiều tiểu thương cho hay, thời điểm này, nhiều loại nhãn bước vào mùa thu hoạch rộ nên giá nhãn giảm từ 2.000-4.000 đ/kg so với tháng trước.

Theo đó, nhãn long, nhãn da bò thu mua tại vườn từ 7.000 - 10.000 đ/kg, nhãn ido 15.000 - 17.000 đ/kg, nhãn xuồng cơm vàng 18.000 - 20.000 đ/kg… Riêng các loại nhãn hữu cơ, thanh nhãn còn ở mức khá giá cao 60.000 - 70.000 đ/kg.

Một số nông dân trồng nhãn tại tỉnh Vĩnh Long cho hay năm nay nhãn cho năng suất khá nhưng giá không cao, màu nhãn không đẹp như mọi năm.

Nguyên nhân là do trước thời điểm thu hoạch nhãn, có mưa kéo dài đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nhãn như màu vỏ không được tươi sáng, bị nứt. Cùng với đó, nhãn đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ, sản lượng cung cấp ra thị trường rất nhiều nên thương lái hạ giá thu mua.

Theo một số nông dân, trước đây so với các loại cây trồng khác, cây nhãn dễ trồng, sinh trưởng, phát triển tốt, nhẹ chi phí, công chăm sóc vì ít sâu bệnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết thay đổi bất thường, chi phí vật tư nông nghiệp ở mức cao, giá nhãn bấp bênh.

Giá dưa hấu chỉ còn 2.000 đồng/kg khiến người trồng lỗ nặng

Nếu thời điểm này những năm trước, giá dưa hấu tại tỉnh Bình Định dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 2.000 - 4.000 đồng/kg khiến người trồng dưa lỗ nặng.

Vụ dưa hấu Hè Thu 2023, vùng chuyên canh dưa xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) có hơn 78ha, trồng tập trung nhiều nhất ở các thôn Văn Trường Đông và Văn Trường. Những ngày đầu tháng 8, đang vào kỳ thu hoạch nhưng giá dưa hấu giảm mạnh khiến người trồng dưa gặp khó.

Bà Nguyễn Thị Huệ (47 tuổi, trú thôn Văn Trường Đông) cho biết, vụ dưa này gia đình trồng hơn 5 sào dưa hấu tại cánh đồng Văn Trường Đông. Tuy nhiên, gặp thời tiết bất lợi nên dưa đạt năng suất thấp. Gia đình chỉ thu được chưa đến 1 tấn/sào, bằng một nửa sản lượng những vụ trước.

Dưa hấu năng suất thấp, không thể xuất khẩu, lại không đạt chất lượng để vào siêu thị trong nước nên giá dưa giảm sâu, người trồng dưa thua lỗ nặng.

“Thời điểm này năm ngoái giá dưa dao động từ 9.000 - 12.000 đồng/kg nhưng năm nay thương lái chỉ mua từ 3.500 - 4.000 đồng/kg. Dưa nhà nào đẹp thì thu được vốn, chứ năng suất thấp như thế này chỉ có lỗ”, bà Huệ buồn bã nói.

Không chỉ ở Phù Mỹ, nhiều hộ trồng dưa ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định còn rơi vào cảnh khó khăn hơn khi dưa bị bọ trĩ làm hư hại.

Anh Thái Thanh Bình (56 tuổi, trú xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) kể rằng, cách đây hơn 2 tháng, anh thuê 1ha đất ở xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn để trồng dưa. Chi phí thuê đất và giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hết hơn 180 triệu đồng/ha.

Những tưởng vụ dưa này sẽ giúp gia đình anh Bình thu được khoản lời kha khá, nhưng sau thời gian chăm sóc, bọ trĩ bắt đầu xuất hiện khiến cây không thể tăng trưởng hoặc phát triển èo uột.

Hiện nay, cả cánh đồng dưa của anh Bình chỉ lác đác quả. Những trái phát triển được thì èo uột, nứt nẻ. Anh Bình nhẩm tính, ước cả vụ dưa này anh chỉ thu được 12 tấn/ha. Trong khi các vụ trước anh thu được 45-50 tấn/ha.

“Thương lái nói dưa không xuất khẩu được, nhưng bán ở thị trường trong nước cũng cần phải đẹp, chất lượng, mà dưa năm nay như vậy khó bán lắm. Họ chỉ mua những trái trên 2kg với giá 2.200 đồng/kg, những quả dưới 2kg không mua. Thế này không đủ chi trả tiền cắt, vận chuyển chứ huống gì lấy lại vốn”, anh Bình lắc đầu ngao ngán.

Trên địa bàn xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn hiện có khoảng 162,2ha đất trồng dưa, phần lớn đều là những người chuyên du canh trồng dưa hấu đến đây thuê đất trồng.

Ông Võ Xuân Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hạnh, thông tin, nghề trồng dưa có trên địa bàn từ 4 năm nay. Đây là vụ trồng dưa lớn nhất từ trước đến nay tại xã.

Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi mưa nên dưa úng nước. Hơn nữa, bệnh đầu lân phát sinh khiến dưa đạt năng suất thấp.

“Dưa không đạt chất lượng xuất khẩu nên giá thấp, chỉ từ 2.000 - 2.500 đồng/kg, người trồng dưa đa phần thua lỗ. Chúng tôi khuyến cáo người dân đây là vùng sâu trũng của An Nhơn, cần xem xét vụ mùa trồng để hạn chế tình trạng úng nước”, ông Sinh cho hay.

Xăng dầu đồng loạt tăng giá, có loại tăng hơn 1.800 đồng/lít

Tại kỳ điều chỉnh ngày 11/8, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 tăng 30 đồng/lít; Xăng RON 95 tăng 30 đồng/lít; Dầu diesel tăng 1.810 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 1.610 đồng/lít; Dầu mazut tăng 1.130 đồng/kg.

Theo đó: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.839 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 23.997 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 22.080 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 21.880 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 17.668 đồng/kg.

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Minh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tieu-dung-trong-tuan-7-13-8-2023-gia-rau-xanh-tang-cao-dua-hau-giam-con-2-000-dong-kg.html