Tiểu Cương - “Đệ nhất thôn” ở Trung Quốc

Thôn Tiểu Cương nằm phía Đông huyện Phượng Dương, thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy, có diện tích 15 km2. Được coi là nơi khởi nguồn cho cải cách nông thôn, thôn Tiểu Cương được mệnh danh là “đệ nhất thôn" trong cải cách nông thôn tại Trung Quốc.

Vào một đêm đông giá lạnh tháng 12/1978, 18 nông dân trong thôn đã bất chấp rủi ro về chính trị, vượt qua mọi rào cản của tư tưởng cực “tả” để cùng điểm chỉ vào tờ cam kết thực hiện “cơ chế khoán” trong nông nghiệp, qua đó ghi dấu ấn trong việc từng bước làm thay đổi tình trạng trì trệ trong sản xuất nông nghiệp tại Trung Quốc. Sau đó, tinh thần “dám nghĩ dám làm” và cách làm của họ được nhân rộng ra toàn quốc. Bảo tàng về “cơ chế khoán” trong nông nghiệp được xây dựng hoàn thiện và đi vào hoạt động năm 2006 tại thôn Tiểu Cương, mảnh đất này theo đó trở thành nơi tuyên truyền về công cuộc cải cách nông thôn, giáo dục lòng yêu nước tại Trung Quốc.

Đoàn phóng viên ASEAN thăm khu nhà kính ươm giống cây nông nghiệp tại thôn Tiểu Cương.

Từng là ngọn cờ của cải cách nông nghiệp tại Trung Quốc, nhiều năm qua vị trí của thôn Tiểu Cương không ngừng bị thách thức và cũng đã bị không ít thôn quê của Trung Quốc khác vượt trước về khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu định hướng và tuyên truyền, chính quyền cấp tỉnh, huyện không ngừng tạo điều kiện về chính sách và kinh phí đối với thôn Tiểu Cương. Bản thân chính quyền và người dân địa phương cũng không ngừng nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “anh cả” trong cải cách nông thôn tại Trung Quốc. Nhằm thực hiện mục tiêu đó, chính quyền địa phương đề ra và lãnh đạo người dân thực hiện đồng thời chiến lược “Ba bước”: Điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hiện đại; phát triển du lịch và dịch vụ; thu hút vốn phát triển công nghiệp.

Bước thứ nhất, chính quyền thôn đề ra các biện pháp: Thực hiện sách lược áp dụng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có thời hạn, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô hóa, chuyên môn hóa; Xác định những cây trồng mũi nhọn tại địa phương, cụ thể là một số loại nấm và nho cho sản lượng cao, ưu tiên lựa chọn giống tốt và nâng cao diện tích trồng trọt đối với cây trồng mũi nhọn.

Bước thứ hai, chính quyền thôn đưa ra và thực hiện các biện pháp: Đẩy mạnh du lịch “về nguồn” với nòng cốt là Bảo tàng “cơ chế khoán” được đầu tư xây mới và đi vào hoạt động năm 2013 có diện tích 5.500 m2, di tích 18 nông dân điểm chỉ để bắt đầu thực hiện cơ chế khoán, Nhà tưởng niệm Bí thư Thẩm Hạo (nỗ lực vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp Tiểu Cương đến mức gục ngã trên bàn làm việc); Phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du khách trực tiếp đến từng nhà vườn, nông trại thử “làm nông dân” để gần gũi thiên nhiên đồng thời chiêm nghiệm, cảm nhận cuộc sống, lao động của họ…

Bước thứ ba, chính quyền thôn đề ra và thực hiện các biện pháp: Tận dụng kinh phí của trên, nguồn lực của địa phương và các giới trong xã hội để đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, hệ thống điện, nước, giao thông liên lạc, qua đó tạo môi trường tốt cho đầu tư phát triển công nghiệp tại địa phương; Ủng hộ, khuyến khích nông dân tự đứng ra kêu gọi, thu hút vốn để góp phần phát triển công nghiệp tại địa phương; Tận dụng ưu thế về danh tiếng của địa phương trên toàn quốc để nâng cao thương hiệu và sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp đã qua gia công, chế biến tại địa phương như “Nho Tiểu Cương”, “Bột mì Tiểu Cương” hoặc “Nước khoáng Tiểu Cương”.

Nhờ sự sáng tạo và nỗ lực của chính quyền cũng như người dân Tiểu Cương, các biện pháp trên đã đem lại những kết quả tích cực. Ngày 25/4/2016 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm và cũng khẳng định những kết quả tích cực mà chính quyền và nhân dân Tiểu Cương giành được. Ông phát biểu: “Giấc mơ của Tiểu Cương là giấc mơ chung của đa số nông dân Trung Quốc. Tôi tin tưởng cuộc sống của người dân Tiểu Cương sẽ ngày càng tốt đẹp!”.

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về nền tảng, điều kiện, quy mô, phương thức sản xuất nông nghiệp. Cách làm của thôn Tiểu Cương cũng đáng để các làng quê Việt Nam tham khảo, học tập, đặc biệt là những miền thôn quê có tiềm năng, thế mạnh về du lịch hoặc phát triển làng nghề nhưng chưa được chú trọng đầu tư, khai thác, phát triển.

Bài và ảnh: Vĩnh Hà (P/v TTXVN tại Trung Quốc)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nhin-ra-the-gioi/tieu-cuong-de-nhat-thon-o-trung-quoc-20161120215926180.htm