Tiêu chuẩn Gia đình văn hóa

Vào dịp cuối năm các gia đình trong cả nước lại bước vào "mùa" bình xét, tôn vinh các Gia đình văn hóa. Đầu năm đăng ký, cuối năm bình bầu, công việc đã thành nền nếp, lời khen nhiều, tiếng chê cũng không ít. Phải nhận rằng, việc bình xét, công nhận Gia đình văn hóa đã góp phần tích cực trong việc xây dựng Làng văn hóa, đời sống văn hóa mới, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, những năm qua, việc bình xét, công nhận Gia đình văn hóa ở nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, có nhiều vấn đề chưa hợp lý, thiếu thống nhất, dẫn đến tính thuyết phục chưa cao. Điều khá phổ biến ở nhiều nơi là, chưa có một 'chuẩn' thống nhất. Do chưa thống nhất, nơi quá chặt, nơi quá lỏng, dẫn tới tỷ lệ công nhận Gia đình văn hóa có khoảng cách khá xa. Có phường, xã hằng năm có tới 95 đến 100% gia đình được công nhận Gia đình văn hóa. Trong khi đó ở những nơi này đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, thậm chí xảy ra những vụ án nghiêm trọng mà nguồn gốc bắt đầu từ những nguyên nhân xã hội. Rõ ràng, tỷ lệ Gia đình văn hóa quá cao như trên là không phản ánh đúng thực chất. Ngược lại, một số nơi do quan niệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cho rằng đã là Gia đình văn hóa thì phải thật sự tiêu biểu, cho nên đã đặt ra những 'chuẩn' quá cao. Vì vậy, chiếu theo tiêu chuẩn thì chỉ có khoảng 10 đến 15% được công nhận Gia đình văn hóa. Thế là nảy sinh ý kiến thắc mắc, có khi là ngay ở các phường trong một quận. Theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, thì chỉ có bốn tiêu chuẩn chính để xem xét công nhận Gia đình văn hóa là: 'Gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, khỏe mạnh và hạnh phúc; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư'. Thế nhưng, căn cứ vào những tiêu chuẩn này, nhiều nơi chính quyền địa phương đã 'vận dụng', cụ thể hóa thành 20 đến 25 tiêu chuẩn. Và rồi từng nhà cứ theo mấy chục tiêu chuẩn ấy để tự chấm điểm. Thí dụ, có nơi quy định : 'Ông bà cha mẹ được quan tâm chăm sóc chu đáo', điểm tối đa là 4. Hầu như ở mục này, nhà nào cũng tự chấm 4 điểm , vì chả ai dại gì 'vạch áo cho người xem lưng', cho dù trong nhà thường xuyên xảy ra xô xát, 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt'. Hoặc một tiêu chuẩn khác 'có phương tiện nghe nhìn cơ bản phục vụ việc tiếp nhận thông tin hiện đại'. Nhiều hộ còn nghèo, buôn thúng bán bưng, trong nhà không đài, không ti-vi, cũng tự chấm điểm... tối đa. Như vậy sự cụ thể hóa quá chi tiết các tiêu chuẩn, và sự bình xét... không theo chuẩn đã dẫn tới một kết quả không khách quan, không công bằng, và đương nhiên là giảm ý nghĩa thuyết phục, giáo dục. Để việc công nhận Gia đình văn hóa, Làng văn hóa được duy trì có nền nếp, đúng thực chất, góp phần thúc đẩy phong trào 'Toàn dân xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư', cần có sự tổng kết, rút kinh nghiệm cụ thể. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn bình xét, công nhận Gia đình văn hóa, với tinh thần các tiêu chuẩn ấy phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, và phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương. Khi xem xét công nhận, tôn vinh các Gia đình văn hóa, Làng văn hóa cần đặt trong các mối quan hệ tổng thể, gắn với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội. Có như vậy phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa mới thật sự có tác dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-cu-i-tu-n/nhan-dan-cu-i-tu-n/chinh-tr/di-n-an-nhan-dan-cu-i-tu-n/tieu-chu-n-gia-inh-v-n-hoa-1.269680