Tiết lộ về những giao dịch ngầm tại công ty quốc phòng hàng đầu châu Âu

Hensoldt là một trong những cơ sở sản xuất vũ khí chủ chốt trong kế hoạch tăng cường chi tiêu quốc phòng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Nhưng hãng tin Spiegel (Đức) đã có cuộc điều tra và cho thấy, qua các tài liệu nội bộ của công ty này, có thể họ đã tham gia vào các khoản 'lại quả' đáng ngờ ở Qatar và Uganda.

Kỳ vọng vào công nghệ điện tử quốc phòng

Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây đã có chuyến tham quan nhà máy của Hensoldt ở thành phố Ulm, tận mắt chứng kiến công nghệ radar cũng như các công nghệ cảm biến quân sự của Đức. Ông ca ngợi đội ngũ nhân viên tại đây là “những người làm việc với trí tuệ tuyệt vời và sự cống hiến to lớn”.

Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, Chính phủ Đức đã chú trọng hơn đến công nghiệp quốc phòng. Thực tế, Chính phủ Đức đã nhận thức được tầm quan trọng của Hensoldt từ trước. Vào cuối năm 2020, nhà nước quyết định mua 25,1% cổ phần của công ty, mức cao nhất theo quy định. Công nghệ của Hensoldt được cài đặt trong nhiều hệ thống vũ khí của Đức như máy bay chiến đấu Eurofighter, xe tăng chiến đấu Leopard 2 và tàu ngầm lớp 212. Các hệ thống radar từ Ulm cũng trang bị cho hệ thống phòng không IRIS-T hiện đang bảo vệ không phận Thủ đô Kiev của Ukraine.

Hensoldt được thành lập vào ngày 28-2-2017 khi nhà sản xuất máy bay Airbus loại bỏ hoạt động kinh doanh điện tử quốc phòng để thành lập công ty mới. Công ty Hensoldt đã bổ nhiệm ông Thomas Muller - một Giám đốc điều hành của Airbus - làm Giám đốc điều hành đầu tiên của mình. Một ngày sau khi thành lập, bộ phận pháp lý của Hensoldt đã đưa ra chính sách chống tham nhũng. Trong đó, ông Muller đã nói: “Tại Hensoldt, chúng tôi tin rằng văn hóa liêm chính sẽ giúp duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu”.

Hensoldt có trụ sở chính ở ngoại ô Taufkirchen của Munich và đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng mùa hè năm ngoái, hãng tin Der Spiegel đưa tin, công ty này đang bán sản phẩm cho Saudi Arabia dù Chính phủ Đức thường không chấp thuận xuất khẩu quốc phòng sang nước này. Các tài liệu nội bộ tiết lộ, các công ty con của Hensoldt ở Nam Phi và Vương quốc Anh cũng đang bán cảm biến điện tử cho Saudi Arabia. Tới nay, các tài liệu mới đã làm sáng tỏ thêm những giao dịch đáng ngờ của các đối tác Hensoldt ở nước ngoài. Der Spiegel khẳng định, thông tin điều tra dựa trên tài các liệu mà hãng tin này thu thập được với sự tham gia của mạng lưới Hợp tác điều tra châu Âu (bao gồm Reporters United của Hy Lạp và nền tảng điều tra Shomrim của Israel). Những tên tuổi lớn khác trong ngành công nghiệp quốc phòng Đức cũng xuất hiện trong tài liệu, bao gồm cả nhà sản xuất xe tăng Krauss-Maffei Wegmann (KMW).

Đối tác đáng ngờ ở Uganda

Theo đó, giao dịch “đi đêm” vẫn có thể xảy ra, điển hình như ở Uganda - đất nước nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Yoweri Museveni suốt 37 năm. Các tài liệu của Der Spiegel cho thấy, một công ty tư vấn địa phương đã được thuê để tiếp thị các sản phẩm của Hensoldt, trong đó các cố vấn tiếp cận với quân đội Uganda và ông Muhoozi Kainerugaba - con trai của Tổng thống Uganda. Vị Tổng cố vấn đã liên hệ với Andreas Huller (khi đó là thành viên trong Ủy ban điều hành của Hensoldt) qua email vào ngày 11-12-2020 đề nghị cung cấp 11 cảm biến cho Không quân Uganda, trong đó có hệ thống MILDS Block 2 (vốn được thiết kế để cảnh báo các máy bay đang bị tên lửa đất đối không tiếp cận). Có 5 cảm biến đã được giao vào cuối tháng 2-2021 và 6 cảm biến còn lại được giao vào tháng 4-2021. Tổng giá trị đơn hàng lên tới cả triệu USD.

Giống như nhiều trường hợp khác, Hensoldt không ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng cuối cùng mà họ chỉ là nhà cung cấp. Một trong số bên bán là công ty quốc phòng mang tên Bird Aerosystems (Israel). Bird Aerosystems làm việc với Uganda thông qua một đối tác đáng ngờ là Boaz Badichi (quốc tịch Israel) - một trong những tay buôn vũ khí quốc tế có quan hệ tốt nhất ở châu Phi. Trước đây, ông Boaz Badichi đã gây chú ý với các giao dịch ở Guinea Xích đạo, từ cung cấp vũ khí đến đào tạo cảnh sát và quân đội.

Tại Uganda, nhóm công ty của ông Boaz Badichi đã thúc đẩy dự án trang bị cho lực lượng không quân trong 2 năm. Trong quá trình kiểm toán, lãnh đạo Hensoldt phát hiện ra rằng, các công ty từ 5 quốc gia đã tham gia vào vụ mua bán này. Một bản thông tin nội bộ dài 5 trang đánh dấu bằng ký hiệu “cờ đỏ” (cảnh báo về độ nhạy cảm) từ tháng 12-2020 nói rằng, do cấu trúc mua bán “rất phức tạp” nên không rõ liệu Hensoldt có bị buộc tội hình sự hay không. Trong đó, các luật sư của Hensoldt cảnh báo nguy cơ đối tác địa phương có thể đã sử dụng các biện pháp không phù hợp (thậm chí là bất hợp pháp hoặc tham nhũng) để tác động đến khách hàng vì lợi ích của chính họ và của Bird Aerosystems. Vào ngày 7-6-2021, Hội đồng quản trị Hensoldt đã gửi email cho toàn bộ nhân viên và nhắc nhở họ vì Hensoldt hiện là một công ty giao dịch công khai nên các yêu cầu và nghĩa vụ cần tuân thủ nghiêm ngặt hơn.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) kiểm tra hệ thống trinh sát tại nhà máy của Hensoldt AG ở Ulm vào tháng 1-2023

Vẫn là câu hỏi về nhà môi giới vũ khí ở Qatar

Giám đốc điều hành Thomas Muller thích gọi Hensoldt là “nhà vô địch” hay “Porsche” của ngành công nghiệp quốc phòng. Như lời ông Thomas Muller, Hensoldt sẵn sàng là “hệ thống điện tử tốt nhất, thực sự tốt nhất để bảo vệ trật tự tự do cơ bản của chúng ta”. Trong một chỉ thị nội bộ đã được ban hành, Hensoldt đề ra mục tiêu đạt hơn 50% doanh số bán hàng ở nước ngoài. Các chương trình mua sắm của Bundeswehr (lực lượng vũ trang Đức) rõ ràng là không đủ để đảm bảo công ty đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của mình.

Tại Qatar năm 2015, các blogger vũ khí lần đầu tiên phát hiện ra xe tăng Leopard 2 và pháo của Đức. Cả hai loại vũ khí này đều do nhà sản xuất quốc phòng KMW của Đức chế tạo. Theo thống kê, Chính phủ Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel đã chấp thuận bán 62 xe tăng Leopard, 24 khẩu pháo tự hành và các thiết bị quân sự khác với tổng trị giá gần 2 tỷ euro. Lần này người Đức đã làm việc với trung gian địa phương là Công ty MSC (có trụ sở tại Doha) để thiết lập hợp đồng. Đáng nói, cổ phần của MSC lại do con trai Tướng Ahmed Nasser Al Thani (hiện là Đại sứ Qatar tại Matxcơva) sở hữu 70% và 30% còn lại do một công ty đầu tư cho các lực lượng vũ trang Qatar nắm giữ. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu các chuyên gia tư vấn có tiếp cận sĩ quan cấp cao của quân đội Qatar để môi giới vũ khí hay không? Còn KMW thì cho biết, họ đã yêu cầu MSC rà soát việc tuân thủ pháp luật dưới sự hỗ trợ của một công ty luật địa phương trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng.

Bản thân các tài liệu của Hensoldt cũng cho thấy, vào tháng 12-2020 công ty này ra thông báo nội bộ là đã “làm việc thành công với MSC”. Vụ việc là một bài học về các giới hạn của sự tuân thủ nguyên tắc. Hướng dẫn của Hensoldt nêu rõ rằng, công ty có chính sách không khoan nhượng đối với tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, ở các quốc gia như Qatar và Uganda, doanh thu là ưu tiên hàng đầu và đôi khi công ty không thể kiểm soát được đối tác bán hàng đã làm cách nào để ký được những hợp đồng trị giá cả triệu USD.

Bản thân các tài liệu của Hensoldt cũng cho thấy, vào tháng 12-2020 công ty này ra thông báo nội bộ là đã “làm việc thành công với MSC”. Vụ việc là một bài học về các giới hạn của sự tuân thủ nguyên tắc. Hướng dẫn của Hensoldt nêu rõ rằng, công ty có chính sách không khoan nhượng đối với tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, ở các quốc gia như Qatar và Uganda, doanh thu là ưu tiên hàng đầu và đôi khi công ty không thể kiểm soát được đối tác bán hàng đã làm cách nào để ký được những hợp đồng trị giá cả triệu USD.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiet-lo-ve-nhung-giao-dich-ngam-tai-cong-ty-quoc-phong-hang-dau-chau-au-post545246.antd