Tiết lộ sức mạnh tên lửa siêu thanh 'bất khả xâm phạm' Avangard của Nga

Tốc độ siêu vượt âm, quỹ đạo và mục tiêu tấn công không thể đoán trước khiến hệ thống Avangard trở nên gần như không thể bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa.

Tên lửa Avangard của Nga.

Theo hãng tin Sputnik, Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin mới có cuộc phỏng vấn với Tổng giám đốc tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya Dmitry Kiselev.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Putin nhắc lại việc tên lửa siêu thanh Avangard đã được đưa vào sử dụng. Tổng thống Nga cũng khẳng định tên lửa của Nga có thể vượt qua được hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Tổng thống Putin lần đầu tiên công khai về hệ thống tên lửa Avangard và một số mẫu vũ khí mới khác của Nga trong thông điệp đọc trước Quốc hội Liên bang năm 2018.

Khi đó, ông Putin đã khẳng định hệ thống tên lửa Avangard là tên lửa “bất khả xâm phạm”, “không thể bị đánh chặn”. Đến năm 2021, trung đoàn đầu tiên trang bị tên lửa Avangard đã đi vào trực chiến.

Theo dữ liệu từ các nguồn mở, hệ thống tên lửa Avangard bao gồm 2 thành phần chính là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đặt trong hầm chứa, có nhiệm vụ tăng tốc và phóng đầu đạn lên quỹ đạo đã định và thành phần thứ hai là đầu đạn lướt siêu thanh.

Sau khi tăng tốc và phóng ra khỏi tên lửa, thiết bị lướt thực hiện chuyến bay tự động đến mục tiêu đã định và tiêu diệt mục tiêu bằng đầu đạn tích hợp. Mỗi phương tiện phóng có thể mang tối đa 3 đầu đạn như vậy.

Theo các chuyên gia, phần chiến đấu của tổ hợp này là nguy hiểm nhất đối với đối phương. Lý do là vì, đến nay, đầu đạn của hầu hết các ICBM trên thế giới khi được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa mang đều bay tới mục tiêu, dù với tốc độ cực lớn nhưng vẫn tuân theo định luật đạn đạo. Nghĩa là, về mặt lý thuyết, đường bay của chúng có thể được tính toán và bị chặn lại.

Tuy nhiên, đặc điểm chính của hệ thống Avangard là đầu đạn lượn siêu thanh có khả năng bay trong các lớp khí quyển dày đặc ở độ cao vài chục km với tốc độ xấp xỉ mach 27-28 (32.200 - 33.410 km/h) trong một đám mây plasma giống như thiên thạch.

Khi di chuyển về phía mục tiêu, mỗi đơn vị chiến đấu của Avangard đều cơ động độc lập và di chuyển theo quỹ đạo phi đạn đạo và theo chiều dọc. Hệ thống điều khiển thậm chí còn có khả năng thay đổi chỉ định mục tiêu trong quá trình bay.

Tốc độ siêu vượt âm, quỹ đạo và mục tiêu tấn công không thể đoán trước khiến hệ thống Avangard trở nên gần như không thể bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa.

Theo các nguồn tin mở, đầu đạn hạt nhân của Avangard có công suất từ 800 kiloton đến 2 megaton.

Minh Khôi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tiet-lo-suc-manh-ten-lua-sieu-thanh-bat-kha-xam-pham-avangard-cua-nga-post506418.html