Tiết kiệm điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường

Ngày 10/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị về 'Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024.'

Hội nghị nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, do Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (Cục Điều tiết điện lực) tổ chức nhằm đi trước, đón đầu để chủ động phòng ngừa, chuẩn bị kế hoạch hành động ứng phó với giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao, đặc biệt trong giai đoạn mùa khô năm 2024.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với các điểm cầu tại các Sở Công Thương, Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực khu vực miền Trung và miền Nam. Tham dự trực tiếp Hội nghị có hơn 200 đại biểu đến từ các đơn vị của Bộ Công Thương, đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Ủy ban Khoa học và Công nghệ (Quốc hội), Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Cục Điều tiết điện lực, các Sở Công Thương của 63 tỉnh/thành phố, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), các Tổng Công ty Điện lực, các Công ty điện lực của 63 tỉnh/thành phố, các hiệp hội, tổ chức quốc tế, khách hàng sử dụng điện và các thành viên Mạng lưới VESN và Cộng đồng giải pháp Tiết kiệm điện (ESS).

Hội nghị về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024 do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức ngày 10/4/2024 đã thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu

Tiết kiệm điện, Tiết kiệm năng lượng là giải pháp quan trọng trong cả ngắn hạn và dài hạn

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, nhiều năm qua, việc cung ứng điện cho nền kinh tế luôn được đảm bảo, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Mặc dù vậy, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, phát triển kinh tế - xã hội dần hồi phục thì ngay năm 2023, Việt Nam đã phải đối mặt với thực trạng thiếu điện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là khu vực Miền Bắc.

Với bối cảnh mới hiện nay và tương lai, khi nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm và những xung đột địa chính trị trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp làm tăng giá nhiên liệu, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển ngành điện là rất lớn, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn ở mức cao thì việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng cực đoan xếp chồng.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Cùng với đó, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 và tái khẳng định tại các Hội nghị COP 27 và COP 28 về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc. Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh cung cấp điện, bên cạnh nhiều kế hoạch, chiến lược và công việc quan trọng đang được Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đồng bộ triển khai, Bộ Công Thương tiếp tục nhấn mạnh: Tiết kiệm điện và Tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng năng lượng cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.

Tính đến hết Quý 1/2024, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu tiêu thụ điện đã có sự tăng trưởng đột biến, lên đến 11,84% so với Quý 1 năm 2023. Để đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, thì việc đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện và tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn. Bộ Công Thương đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Đồng thời, để không xảy ra tình trạng thiếu điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp đến EVN và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, cụ thể: Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 17/02/2024 về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024; Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và kế hoạch cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024 và gần đây nhất là Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 28/03/2024 về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024.

Để đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, thì việc đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện và tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn

Ông Trịnh Quốc Vũ cũng thông tin thêm, theo khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta còn rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp là lĩnh vực chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20-30%.

Hiện nay, cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm. Nếu chỉ tính riêng các doanh nghiệp này cùng chung tay thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm thì trung bình chúng ta sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện; và nếu tất cả hơn 30 triệu khách hàng sử dụng điện cùng thực hành tiết kiệm điện thì hiệu quả đem lại là cực kỳ to lớn.

Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện và không để xảy ra thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào, Thủ tướng Chính phủ đã Chỉ đạo phải đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, thực chất và có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình quản lý nhu cầu điện, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; phối hợp nghiên cứu thúc đẩy sản xuất trong nước, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động trong lĩnh vực năng lượng.

Hội nghị về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024 hôm nay được tổ chức nhằm tuyên truyền và lan tỏa kịp thời thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”, thực hành tiết kiệm điện không chỉ những lúc thiếu điện mà thực hành mọi lúc, mọi nơi với mọi đối tượng, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hiệu quả nhất để góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện.” - Ông Trịnh Quốc Vũ chia sẻ.

Hội nghị được tổ chức nhằm tuyên truyền và lan tỏa kịp thời thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”, thực hành tiết kiệm điện không chỉ những lúc thiếu điện mà thực hành mọi lúc, mọi nơi với mọi đối tượng, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hiệu quả nhất để góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện.

Rất cần sự chung tay thực hành Tiết kiệm điện

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, gần đây thực trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra tại khu vực Miền Bắc trong các tháng 5-6/2023 khiến tất cả chúng ta đều phải ý thức và nhận thức sâu sắc hơn nữa về tầm quan trọng và vai trò trụ cột của việc đảm bảo an ninh cung cấp điện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đứng trước những thách thức và bài học năm 2023, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, các Bộ liên quan và ngành điện, theo đó trong mọi hoàn cảnh không để xảy ra thiếu điện cho phát triển kinh tế, xã hội.

Để không xảy ra tình trạng thiếu điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Thủ tưởng Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo và điều hành để EVN và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 17/02/2024; Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và kế hoạch cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024, và gần đây nhất là Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 28/03/2024 về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành điện và công tác tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp Tiết kiệm điện trên phạm vi cả nước thì một giải pháp hiệu quả khác mà Cục Điều tiết điện lực đánh giá là rất thiết thực trong những tình huống thiếu điện hoặc mất cân bằng cung cầu hệ thống điện quốc gia đó là thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) mà cụ thể là các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR).

Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đánh giá, Hội nghị về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024 là hoạt động cần thiết để lan tỏa các thông điệp và nhận thức đúng đắn về sử dụng điện để có thể thực hiện hiệu quả các giải pháp góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện trong giai đoạn nắng nóng sắp tới

Trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, trong bối cảnh chung toàn cầu, các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí) ngày càng cạn kiệt trái ngược với xu hướng tăng trưởng tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện và biến đổi khí hậu ngày càng tăng, để đảm bảo an ninh cung cấp điện, an ninh năng lượng và phát triển bền vững thì ngoài việc quan tâm phát triển phía CUNG, nhiều nước trên thế giới cũng đã dành nhiều sự quan tâm đến phía CẦU. Bên cạnh việc chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thì các Chương trình DSM, đặc biệt là Chương trình DR đã được nghiên cứu và từng bước triển khai hiệu quả.

Theo báo cáo của EVN năm 2023, vào các thời gian cao điểm và căng thẳng cung cấp điện, với sự tham gia tự nguyện của hơn 38.0000 lượt khách hàng sử dụng điện, đã có thời điểm tổng công suất điều chỉnh giảm được của khách hàng chủ động tham gia chương trình DR là gần 500MW, điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực mất cân bằng cung cầu hệ thống điện cũng như giảm tình trạng phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện do hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện.

Theo thực tiễn từ kinh nghiệm quốc tế, có thể khẳng định lại một lợi ích cơ bản của các Chương trình DSM/DR là chi phí để thay đổi, điều chỉnh giảm hoặc tiết kiệm 01 MW công suất phụ tải điện vào giờ cao điểm sẽ rẻ hơn chi phí để cung cấp thêm 01 MW công suất nguồn điện bằng việc xây dựng thêm nhà máy điện mới hoặc huy động các nguồn điện giá cao cùng hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện. Đặt mục tiêu và các lợi ích của các Chương trình DSM/DR trong bối cảnh hiện nay cũng như nhìn xa hơn đến năm 2050 của Việt Nam thì có thể đánh giá các Chương trình DSM/DR và các giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả sẽ là các giải pháp bền vững và hiệu quả để góp phần thực hiện được các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26 cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, ngoài nỗ lực của Bộ Công Thương, EVN, Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam rất cần sự chung tay, tham gia nhiệt tình và trách nhiệm của chính quyền địa phương và đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện. Hội nghị về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hôm nay là một trong những sự kiện và hoạt động cần thiết để lan tỏa các thông điệp và nhận thức đúng đắn về sử dụng điện để có thể thực hiện hiệu quả các giải pháp góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện trong giai đoạn nắng nóng sắp tới; góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện và hiện thực hóa các mục tiêu của Việt Nam về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.” - Ông Nguyễn Thế Hữu đánh giá.

Lễ ra mắt Cộng đồng giải pháp Tiết kiệm điện (Cộng đồng ESS)

Trong khuôn khổ Hội nghị, Cộng đồng giải pháp Tiết kiệm điện (Cộng đồng ESS) đã chính thức ra mắt với sự hiện diện của hơn 20 đơn vị đồng sáng lập. Sự ra đời của Cộng đồng ESS như một lời giải cho những thách thức của việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời cũng đánh dấu thêm những điểm sáng, ý nghĩa góp phần hỗ trợ Mạng lưới VESN thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động về đào tạo, tập huấn, tư vấn và tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Với những cam kết, sự đồng lòng và ý thức, trách nhiệm cao của các đại biểu tham dự Hội nghị ngày hôm nay và thành viên Mạng lưới VESN, Cộng đồng ESS kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa tinh thần chung tay tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường tới toàn thể cộng đồng vì sự phát triển của đất nước và bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính chúng ta.” - Đại diện Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.

Ngày 28/1/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 128/QĐ-BCT về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ thực hiện năm 2022 thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Trong đó giao Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (ERAVCTED) thuộc Cục Điều tiết điện lực là đơn vị đầu mối thiết lập Mạng lưới tiết kiệm điện tại Việt Nam (VESN).

Mục tiêu và nhiệm vụ chính của Mạng lưới VESN bao gồm: (i) Xây dựng Mạng lưới VESN trở thành một cộng đồng, một kênh thông tin và một mạng lưới hoạt động sâu, rộng và chuyên về lĩnh vực sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; kết nối tới tất các các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc nghiên cứu, sản xuất, thực hành, áp dụng các giải pháp để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; (ii) Xây dựng, cập nhật các tài liệu đào tạo, tập huấn; Đào tạo, tuyên truyền, nâng cao năng lực tư vấn cho các đơn vị điện lực, năng lực quản lý nhà nước, nhận thức của cộng đồng (Đơn vị cung cấp Giải pháp & Công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội và cuối cùng là đến khách hàng sử dụng điện về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả); (iii) Trong trung và dài hạn, sẽ xây dựng Mạng lưới VESN thành một tổ chức xã hội hóa với mục tiêu thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia hỗ trợ để đóng góp nhiều kết quả thiết thực và hiệu quả hơn trong các hoạt động về tiết kiệm điện (TKĐ), góp phần hiện thực hóa tuyên bố của Việt Nam tại COP26.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/tiet-kiem-dien-gop-phan-dam-bao-an-ninh-nang-luong-bao-ve-moi-truong-119468.htm