Tiết kiệm để an sinh

Chỉ thị số 01/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành nêu rõ, năm 2024, tiết kiệm 5% các khoản chi thường xuyên ngay từ đầu năm để tăng đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội. Tiết kiệm luôn được xem là quốc sách hàng đầu. Cùng với thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đất nước, việc cắt giảm những khoản chi không cần thiết, từ đó có thêm nguồn lực đầu tư, chăm lo cho đời sống người dân càng cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa.

Việc tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước đã được triển khai từ nhiều năm qua, mang đến những hiệu quả tích cực, đặc biệt là tiết kiệm các khoản chi cho hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong và ngoài nước. Đơn cử như việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị theo hình thức trực tuyến là giải pháp hiệu quả để tăng cường tiết kiệm, giúp giảm chi phí ăn ở, đi lại và nhiều chi phí khác. Cũng nhằm để các cơ quan, đơn vị, địa phương tiết kiệm chi phí, Chính phủ cũng mới ban hành Nghị định số 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; trong đó nêu rõ: Không tổ chức riêng lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Chỉ được tổ chức kết hợp trong lễ kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập, ngày truyền thống của ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị, hội nghị tổng kết.

Tiết kiệm chi cũng cần tuân thủ nguyên tắc không cắt giảm lương, phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bởi đây là các khoản chi cho con người, bảo đảm chất lượng cuộc sống, hiệu quả công việc, góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu quả vừa giúp giảm tỷ trọng chi thường xuyên vừa tạo điều kiện xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với tăng thu, việc triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên đã góp phần quan trọng để nước ta có thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những ưu tiên khi sử dụng nguồn lực từ tăng thu, tiết kiệm chi là đầu tư cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Đây là giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài hướng đến phát triển dài hạn, bền vững. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, y tế từ cơ sở, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe gần nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất, phát triển toàn diện thể chất, trí tuệ, tạo nền tảng cho phát huy nội lực đất nước.

Nhìn vào những ưu tiên trong phân bổ nguồn lực của nước ta có thể thấy, mục tiêu quan trọng hàng đầu là mở rộng hơn nữa mạng lưới an sinh xã hội, trong đó có việc bảo đảm thu nhập, hỗ trợ người dân khi gặp hoàn cảnh khó khăn, cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục... Tuy nhiên, độ bao phủ của mạng lưới an sinh xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhu cầu đầu tư phát triển của đất nước ngày càng lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp, do vậy, việc triệt để tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn bỏ ra càng cần được coi trọng hơn nữa. Trong đó, cần đưa các chính sách xã hội đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần hiện thực hóa chủ trương tăng trưởng kinh tế song hành với nâng cao chất lượng cuộc sống, để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tiet-kiem-de-an-sinh-760490