Tiết kiệm chi phí để giảm giá vé bay

Giá vé máy bay đang quá cao, tác động không nhỏ đến nhu cầu vận chuyển, du lịch của người dân. Nhiều ý kiến đề nghị, ngành hàng không cần tính toán để giảm thiểu chi phí, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân.

Giá vé máy bay cao khiến người dân bức xúc. Ảnh: Quang Vinh.

Tìm vé TPHCM – Hà Nội vào ngày 5/5 ở hãng bay Vietjet, chuyến bay 18 giờ 10, chị Nguyễn Quỳnh Trang (Ngõ Quỳnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị nhận được thông báo phải trả tổng chi phí là 2,5 triệu đồng.

Chị Trang bày tỏ băn khoăn không hiểu các hãng bay tính giá như thế nào. Chẳng hạn thời điểm chị Trang tìm trên mạng vé bay TPHCM – Hà Nội có ghi mức giá 1,7 triệu đồng, song khi chính thức đặt vé thì giá vé đã đội lên hơn 2,5 triệu đồng. “Tôi cứ ngỡ sau kỳ nghỉ lễ dài vừa qua giá vé máy bay sẽ hạ, nhưng giá vé vẫn cao chót vót” – chị Trang nói.

Nhiều người dân cũng cho biết giá vé máy bay hiện đang quá cao so với thu nhập. Khi đặt vé máy bay số tiền thực chi trên mỗi vé còn phải thêm từ 600.000 – 800.000 đồng phụ phí.

Anh Nguyễn Thanh Thiên (Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ, anh đã chủ động canh nhiều khung giờ để tìm vé rẻ cho chuyến đi Đà Nẵng vào cuối tháng nhưng trái với kỳ vọng sẽ săn được vé rẻ, hầu hết các trang anh Thiên tìm kiếm đều đưa ra mức giá cao hơn rất nhiều so với mọi năm.

Một đại lý bán vé máy bay cho biết, giá vé máy bay thời gian gần đây cao hơn so với trước là do nhu cầu đi lại tăng cao, hãng hàng không được nới trần giá vé máy bay, thiếu nguồn cung do đội bay một số hãng bị hao hụt đi.

Theo ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Hàng không Việt Nam, việc thiếu máy bay có nguy cơ khiến vé máy bay trong dịp cao điểm Hè khan hiếm và đắt đỏ hơn. Ngành Hàng không đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt máy bay trong thời gian gần đây. “Dự báo, phải đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, động cơ bị lỗi của các hãng hàng không Việt Nam mới hoàn thành việc khắc phục và trở lại hoạt động bình thường” - ông Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cuối tuần qua đã có văn bản gửi Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu rà soát, kiểm tra giá vé máy bay.

Trong khi đó liên quan đến thông tin cho rằng giá vé máy bay tăng cao trong thời gian vừa qua, do phải gánh quá nhiều thuế phí, ngày 4/5, Bộ Tài chính cho biết các khoản phí là "giá dịch vụ" chuyên ngành hàng không theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao quá mức là do mức thu thuế, phí hiện nay không hề nhỏ, khi các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Giá vé bay cao đã và đang tác động mạnh đến nhu cầu vận chuyển của người dân, đặc biệt là trong dịp cao điểm du lịch Hè đang đến gần, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, ngành hàng không cần tính toán giảm thiểu tối đa các chi phí. Cụ thể, cần tính toán kết nối với các công ty du lịch, địa phương, hãng vận tải chuyển tiếp để có mạng lưới phục vụ hành khách, tăng hiệu quả hoạt động. Về phía Nhà nước, mặc dù ngành hàng không đã có bước phục hồi nhưng có thể tính toán hỗ trợ để doanh nghiệp hàng không phục hồi và phát triển.

Kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá của các hãng bay

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam vừa ký Quyết định số 998/QĐ – CHK ngày 4/5/2024 về việc kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam. Đoàn kiểm tra gồm 10 thành viên do ông Đỗ Hồng Cẩm - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay tại Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines.

Thời hạn tiến hành kiểm tra là 3 ngày làm việc (từ ngày 7/5/2024 đến ngày 9/5/2024), thời kỳ kiểm tra là từ ngày 1/1/2024 đến ngày ban hành quyết định này và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung kiểm tra.

T.X

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tiet-kiem-chi-phi-de-giam-gia-ve-bay-10279109.html