Tiếp xúc cử tri và dấu ấn người đại biểu nhân dân

Những cuộc tiếp xúc, thăm hỏi, sẻ chia với cử tri, nhân dân trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành 'điểm hẹn' với những dấu ấn sâu sắc, là nhịp cầu để cử tri bày tỏ lòng tin, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng tới Quốc hội, tới các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Điểm hẹn và lòng tin

Tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội đã được ấn định trong Luật Tổ chức Quốc hội. Với cử tri các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình (đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội), niềm tin và sự trông đợi sau mỗi kỳ họp Quốc hội còn mang ý nghĩa lớn hơn khi cử tri, nhân dân được trực tiếp dự, lắng nghe chia sẻ của đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; cùng với đó là những ý kiến, kiến nghị mà cử tri đề đạt, gửi tới Tổng Bí thư.

Buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước thềm Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XV cũng thể hiện niềm tin, ý nghĩa như vậy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri trước Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội Khóa XV

Với tư cách thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, mỗi lần tiếp xúc cử tri lại thấy Thủ đô có nhiều thay đổi, càng ngày càng phát triển, đẹp, văn minh, hiện đại hơn. Các ý kiến phát biểu ngắn gọn nhưng mang tầm khái quát, sâu sắc, tâm huyết và có trách nhiệm, nêu rõ vấn đề, thể hiện trình độ của cử tri ngày càng cao. Các ý kiến được ghi nhận đầy đủ để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trước các kỳ họp, đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri, báo cáo nội dung chương trình và tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri để tổ chức kỳ họp thành công. Nội dung, kết quả kỳ họp phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, từ đó thấm vào từng người dân, giúp cho “ý Đảng” luôn luôn quyện với “lòng dân”. Do đó, các cuộc tiếp xúc cử tri phải được tổ chức thiết thực, tránh hình thức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân bầu ra, thực hiện quyền lực của nhân dân. Quốc hội thực hiện các chức năng xây dựng luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ta lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị đề ra đường lối chủ trương, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đó là “ba chân kiềng” rất chắc chắn, quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, mỗi chủ thể đều phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Các cấp, các ngành phải nắm chắc để thực hiện đúng, nhất là phải gần dân, sát dân, tôn trọng nhân dân bởi “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Tổng Bí thư lưu ý các chủ thể trong hệ thống chính trị cần phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, anh nào cũng nghĩ quyền mình to. Đối với các đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri phải tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, ngồi ra vẻ chú ý lắng nghe nhưng lại không nghe, không hiểu. “Cứ cậy mình là cán bộ cấp trên đi xuống hạnh họe với dân là không được. Nhưng dân lại bảo dân làm chủ rồi, nói tôi chẳng nghe thì cũng không được nên cần có luật pháp, Nhà nước phải có kỷ cương, dưới sự lãnh đạo của Đảng” - Tổng Bí thư chia sẻ. Theo Tổng Bí thư, cử tri và nhân dân có vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát, kiểm tra, đây là điều cơ bản và tất cả được quy định bởi pháp luật. Ý kiến của nhân dân là quan trọng vì dân là người trực tiếp thụ hưởng và hiểu tất cả.

Không để “cua cậy càng, cá cậy vây”

Chủ đề phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm luôn được cử tri quan tâm, đặt câu hỏi trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Phải tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, tránh “quyền anh, quyền tôi” trong công tác cán bộ, thực hiện quyền lực Nhà nước là vấn đề được Tổng Bí thư lưu ý nhiều lần, tại các buổi tiếp xúc cử tri cũng như tại các hội nghị, phiên họp về công tác cán bộ, phòng, chống tham nhũng. “Cua cậy càng, cá cậy vây”, thực chất đó là cậy quyền cậy thế, thể hiện rõ chủ nghĩa cá nhân. Khi quyền lực của Đảng, Nhà nước giao cho cán bộ, đảng viên đảm trách mà người cán bộ, đảng viên lại có tư tưởng “cậy càng, cậy vây” thì quyền lực đó sẽ bị lạm dụng, biến quyền lực Nhà nước thành cái “gậy” để vun vén lợi ích riêng, thành “vũ khí” để trục lợi. Đó là nguồn cơn nẩy sinh tham nhũng, quan liêu, hách dịch, hạnh họe dân, những biểu hiện trái với đạo đức công vụ “cán bộ là công bộc của dân”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ, thăm hỏi ân cần cử tri

Còn nhớ, tại cuộc tiếp xúc cử tri hồi tháng 5/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, phòng chống tham nhũng không phải “phe nọ phe kia”. Cán bộ, nhất là khi có quyền, có chức dễ lợi dụng để “chấm mút”. “Đó là nói nhẹ, nói nặng là ăn cắp, ăn cướp của dân. Cấu kết với nhau nhằm tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, làm cho Đảng mất uy tín, làm cho Nhà nước mất uy tín” - Tổng Bí thư lưu ý. Do đó, cái gốc của phòng, chống tham nhũng không chỉ là chống sự câu kết, móc ngoặc với nhau để chia chác mà phải làm sao chống suy thoái về tư tưởng, chính trị. Nếu người có đạo đức, tư tưởng tốt thì tham ô, tham nhũng làm gì? Phải biết khinh bỉ cái đó, biết cái đó là cái xấu, tránh xa ra. Tại sao phải quan hệ, móc ngoặc với nhau theo kiểu “ông góp chân giò, bà thò chai rượu”?

Việc xử lý cán bộ, đảng viên, từ hành chính đến hình sự không phải vì “thành tích” mà bắt nhiều, xử nhiều. Ở đây cần phải hiểu với góc nhìn khách quan, với phương châm “xử một vài người để cứu muôn người”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các cử tri sau kỳ họp thứ 5

Còn nhớ, trả lời tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV vào chiều 16/6/2022 về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế với ông Nguyễn Thanh Long, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ “rất bùi ngùi khi phải đọc những nghị quyết bãi miễn đồng chí, đồng nghiệp của mình”. Theo Tổng thư ký Quốc hội, những thành tựu mà ngành y tế đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 là rất quan trọng, trong đó cá nhân ông Nguyễn Thành Long cũng có nhiều đóng góp. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, để giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chúng ta buộc phải thực hiện những quyết định như vậy. Như Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV đã khẳng định “không có vùng cấm, ngoại lệ” trong việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. “Cũng phải thấy rằng những đóng góp của ngành y tế, trong đó có đóng góp của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là phòng chống COVID vừa qua là quan trọng nhưng sai phạm vẫn phải xử lý để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương” - Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh. Ông cho biết, khi Ban Chấp hành Trung ương tổ chức phiên họp bất thường để thi hành việc kỷ luật này, Tổng Bí thư rất nghẹn ngào phát biểu đánh giá những thành tích, đặc biệt là nêu những nguyên tắc của Đảng song Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, kỷ luật của Đảng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ai vi phạm phải bị xử lý.

Kết quả từ sự ủng hộ của cử tri, nhân dân

Tổng Bí thư cho rằng, công tác đấu tranh chống tham nhũng - một vấn đề lần nào cũng được cử tri quan tâm, chứng tỏ công việc quan trọng nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, vì đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ. Theo Tổng Bí thư, việc này chúng ta đã làm từ lâu, nhưng chưa bao giờ quyết liệt, thành xu thế như hiện nay, do đó “Đừng lo làm ra thì mất uy tín. Không phải thế, bưng bít che dấu mới mất uy tín. Đấu tranh, làm cho bằng được mới lấy lại được uy tín”.

Tổng Bí thư khẳng định, nếu không có sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của cử tri, nhân dân cả nước thì không thể có kết quả ấy. Điều đó củng cố thêm niềm tin, quyết tâm để tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN hơn nữa trong thời gian tới…

Nhiều vấn đề quan trọng được Tổng Bí thư trao đổi, chia sẻ với cử tri

Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư từng phân tích, chúng ta không chỉ có “chống” mà cơ bản, lâu dài chính là “xây”. “Chống” là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, phải làm và làm quyết liệt, nhưng phải “xây” để ngăn ngừa, răn đe, để tham nhũng, tiêu cực không xảy ra. Trong xét xử các vụ án tham nhũng cũng không phải cốt để xử tội, mà cái chính là giúp người bị xử nhận ra sai phạm của mình, là thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Trong công tác đấu tranh PCTN còn nhiều việc phải làm, phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn, nhưng làm từng bước, phải nắm vững luật pháp, làm cho đúng đắn, chặt chẽ, làm để bảo đảm sự ổn định và tăng cường đoàn kết nội bộ. Ai sai thì phải xử lý, để giáo dục, răn đe, ngăn chặn, cảnh tỉnh người khác không sa vào vết xe đổ… Cuộc chiến chống tham nhũng bây giờ đã trở thành phong trào, thành xu thế trong toàn xã hội, không ai có thể đứng ngoài xu thế và không thể không công khai, bởi tính công khai là thanh bảo kiếm chữa lành những vết thương…

(Còn nữa)

Đăng Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/tiep-xuc-cu-tri-va-dau-an-nguoi-dai-bieu-nhan-dan-i715762/