Tiếp tục vận động nông dân đi vào con đường hợp tác

Vận động nông dân đi vào con đường hợp tác, tiến lên nền sản xuất lớn là chủ trương lớn được tỉnh và các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện thời gian qua. Chủ trương này giúp nông sản làm ra có chất lượng tốt, tiêu thụ dễ dàng, nền nông nghiệp phát triển bền vững; nông dân có đời sống ấm no, hạnh phúc... Sự hợp tác ở đây được thực hiện theo phương thức từ thấp lên cao.

Từ hợp tác xã nông nghiệp

Đánh giá về thành tựu, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh những năm qua, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh An Giang Trần Văn Cứng chia sẻ, thành tựu lớn nhất trong phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh là từng cấp ủy Đảng, địa phương, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực học tập, nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nắm chắc các nội dung, quan điểm về phát triển kinh tế tập thể để triển khai thống nhất trong toàn tỉnh. Bên cạnh mô hình doanh nghiệp (DN), công ty thì mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) đã được xã hội nhìn nhận như là mô hình kinh doanh hiện đại (mang tính tập thể). Mục tiêu chính của mô hình nhằm hỗ trợ cùng phát triển.

Các công đoạn trong sản xuất nông nghiệp đa phần được cơ giới hóa

Hiện nay, toàn tỉnh có 836 THT, trong đó có 273 THT trồng trọt, 193 THT chăn nuôi, 156 THT dịch vụ nông nghiệp, 95 THT phi nông nghiệp… với 17.756 thành viên. Về HTX, toàn tỉnh có 255 HTX (tăng 61 HTX so cuối năm 2011), hoạt động trên 6 lĩnh vực cụ thể, 193 HTX nông nghiệp - thủy sản (chiếm 75,7%); 24 quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 9,4%); 23 HTX vận tải (chiếm 9%)… Hầu hết các HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, Ban điều hành các HTX nông nghiệp trong tỉnh đã tập trung mở rộng các dịch vụ phục vụ thành viên, từ dịch vụ làm đất, giống, vật tư nông nghiệp đến tiêu thụ… Tất cả lấy công tác phục vụ thành viên làm mục tiêu chính, từ đó đã tạo được tâm lý an toàn, an tâm, hiệu quả đối với nông dân.

Một số HTX trong tỉnh không dừng lại ở việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động mà đã mạnh dạn hợp tác với DN, thực hiện các mô hình liên kết sản xuất để tạo ra sự phát triển bền vững, liên kết tiêu thụ sản phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời với các HTX hay mô hình Lộc Trời 123 (LT123) được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh là một điển hình.

Đến Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp

“Tham gia mô hình hợp tác trồng lúa (trước đây) hay là mô hình LT 123 hiện nay, tôi rất yên tâm. Vì khi tham gia mô hình này, nông dân được công ty đầu tư, cung ứng vật tư, dịch vụ nông nghiệp và hàng hóa, dịch vụ khác; được hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất. Đối với hợp tác theo mô hình LT123, bà con được bao giống, vật tư nông nghiệp, bao đầu ra. Nông dân tham gia vào mô hình, chỉ có việc đóng góp diện tích đất sản xuất (thông qua HTX), nguồn nhân lực để 2 bên thực hiện cho được hợp đồng. Theo tôi đây là mô hình hiệu quả…” - ông Trần Văn Lẹ (HTX nông nghiệp Vĩnh Tường, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Châu Phong là xã nông nghiệp, cây lúa đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế địa phương. Những năm qua, thực hiện chủ trương vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác. Trên diện tích 1.537ha lúa, địa phương này đã vận động nông dân trong HTX nông nghiệp Vĩnh Tường hợp tác với Công ty Lương thực Vĩnh Bình (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời).

Qua 2 vụ sản xuất, đã có trên 200ha đất trồng lúa của HTX được hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất lúa xuất khẩu. Mô hình hợp tác này đã mang lại hiệu quả rất tích cực, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Dịch vụ vận chuyển lúa từ ruộng đến điểm bán, được các hợp tác xã thực hiện rất tốt tron thời gian gần đây

Tiếp tục vận động nông dân đi vào con đường hợp tác, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã nỗ lực hỗ trợ các địa phương, công ty, DN (trong và ngoài tỉnh) thực hiện nhiều chương trình hợp tác trong sản xuất, hình thành nên hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Các mô hình hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất theo phương thức từ thấp lên cao. Nếu ban đầu là THT, HTX thì nay đã thêm mô hình Liên hiệp HTX. Đây là mô hình tiên tiến nhất trong phát triển phong trào kinh tế hợp tác hiện nay. Bởi, mô hình này đang hướng đến việc phục vụ thành viên là chính và ngày 9-8-2021, Liên hiệp HTX Thoại Sơn đã ra đời.

Giám đốc Liên hiệp HTX Thoại Sơn Nguyễn Thành Thân cho biết, doanh thu trong năm 2021 đạt 103 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 195 triệu đồng, điều này cho thấy, Liên hiệp HTX Thoại Sơn lấy phục vụ thành viên làm mục tiêu chính. Kinh tế tập thể đã khẳng định vai trò trong kinh tế thị trường, vì vậy tiếp tục vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác là một chủ trương mang tính thiết thực của tỉnh hiện nay.

“Hoạt động nổi bật của một số HTX nông nghiệp là đã mạnh dạn thay đổi giống, phương thức sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; từng bước xây dựng mục tiêu, phương án phù hợp với nhu cầu thị trường. Thời gian qua, Ban điều hành HTX tại các địa phương đã mở rộng các loại hình dịch vụ, tạo được lòng tin đối với từng thành viên, giải quyết việc làm; tăng thu nhập và nâng cao đời sống thành viên, từ đó đã tạo ra được niềm tin và thu hút nông dân tham gia HTX” - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang Trần Văn Cứng cho biết.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tiep-tuc-van-dong-nong-dan-di-vao-con-duong-hop-tac-a328952.html