Tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội

Tỷ lệ nhiễm Covid-19 đến thời điểm hiện tại của Bắc Kạn đã lên tới trên 64.000 người, chiếm khoảng 20% dân số toàn tỉnh. Dịch bệnh kéo dài đã khiến một bộ phận người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn do thiếu việc làm.

Dịch Covid-19 khiến cuộc sống gia đình anh Đỗ Xuân Hoàn ở tổ 13, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh.

Dịch Covid-19 khiến cuộc sống gia đình anh Đỗ Xuân Hoàn ở tổ 13, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh.

Anh Đỗ Xuân Hoàn ở tổ 13, phường Đức Xuân, TP. Bắc Kạn từng mắc Covid-19, vừa hoàn thành cách ly, sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn nhưng vì mưu sinh vẫn phải đi chạy "xe ôm" chở khách, chở hàng ở khu vực bến xe. Trước đây mỗi ngày còn kiếm được 100.000 đến 200.000 đồng, giờ dịch bệnh gia tăng, lượng người đi lại ít, hoạt động kinh doanh tại các chợ ảm đạm... mỗi ngày anh kiếm không nổi 100.000 đồng. Vừa rồi cả 04 người trong nhà đều mắc Covid-19, mất thêm một khoản chi phí mua các loại thuốc thang điều trị. Cuộc sống luôn trong cảnh túng thiếu, phải "giật gấu, vá vai".

Chị Bùi Thị Thơm ở tổ 14 phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn) cũng trong cảnh khó khăn không kém. Chồng mới mất, một mình nuôi 2 con ăn học. Trước đây khi chưa có dịch Covid-19, cửa hàng may nhỏ của chị túc tắc có việc làm, thu nhập dù không cao nhưng cũng đủ sống. Hai năm trở lại đây, công việc ít hẳn, cuộc sống thiếu thốn đủ đường. Chị định xin đi làm công ty nhưng tuổi đã lớn cộng với sức khỏe yếu nên sợ không được tuyển dụng.

Anh Hoàn, chị Thơm chỉ là hai trong số nhiều lao động tự do trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Nhóm đối tượng chịu sự tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19 là người lao động tự do, lao động trong các cơ sở sản xuất, người buôn bán truyền thống nhỏ lẻ, chủ và nhân viên nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, chủ và giáo viên cơ sở giáo dục mầm non tư thục...

Trường Mầm non Happy Kids là trường tư thục tại thành phố Bắc Kạn. Hai năm trở lại đây, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến hoạt động của nhà trường và đời sống, việc làm của hơn 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vốn có 09 nhóm lớp tổng số 205 trẻ, tuy nhiên hiện số trẻ đến trường trung bình chỉ 80-90 trẻ/ngày. Có thời điểm dịch căng thẳng chỉ có 10 trẻ đến trường/ngày, nhưng vẫn phải duy trì lớp học. Thu nhập giảm sút, thu không đủ chi, trường đã phải tạm hoãn hợp đồng lao động đối với 21 giáo viên, nhân viên.

Trong thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ cho 114.797 người với tổng số tiền trên 95 tỷ đồng. Năm 2021 hỗ trợ cho 8.681 người, 446 người sử dụng lao động với tổng số tiền trên 4,2 tỷ đồng (chủ yếu đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương)...

Triển khai thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, đến nay tỉnh đã giảm đóng vào quỹ Bảo hiểm tự nguyện với số tiền trên 3,4 tỷ đồng cho 6.299 lao động. Hỗ trợ trực tiếp cho 8.858 người lao động với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này, hầu hết các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với các đối tượng người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cơ bản đã hết hiệu lực, chỉ còn một số chính sách được thực hiện. Cụ thể: Quyết định số 17/2021/QĐ-UBND ngày 11/10/2021 của UBND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ ngày 31/12/2021 đã hết hiệu lực. Nhiều chính sách trong Nghị quyết 68/NQ-CP; Nghị quyết 116/NQ-CP hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đã hết hiệu lực từ 31/12/2021.Trong khi đợt dịch Covid-19 bùng phát từ thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay hiện đang tác động nặng nề đối với nền kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động.

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan địa phương tổng kết, đánh giá các chính sách hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 thực hiện trong thời gian qua, để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người dân, người lao động gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Thông tin mới nhất, ngày 28/3/2022 Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm. Chính sách này đang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện. Cùng với đó tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đó là cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, cho vay học sinh các cấp, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động...

Mong rằng các chính sách hỗ trợ sẽ sớm được triển khai, kịp thời đến với những người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giúp họ kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống, để “không ai bị bỏ lại phía sau”./.

Phương Thảo

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202204/tiep-tuc-thuc-hien-cac-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-2040450/