Tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Triển khai thêm nhiều giao dịch điện tử, dịch vụ ngân hàng trực tuyến (online)… là giải pháp đang được các ngân hàng thực hiện nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Việc này phù hợp xu thế chung trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trong khi thanh toán không dùng tiền mặt vẫn là phương thức được nhiều người lựa chọn.

Giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Ảnh: Nguyễn Quang

Theo thống kê, đến nay có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng. Cùng với nhiều chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng cho dịch vụ ngân hàng số nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Với những dịch vụ ngân hàng điện tử, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, người dùng đã có thể thực hiện nhiều giao dịch như mua sắm trực tuyến, chuyển tiền, gửi tiết kiệm online…

Ngay cả với việc mua sắm trực tiếp, công nghệ thẻ không tiếp xúc hay thanh toán bằng các công nghệ mới như áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng. Đặc biệt việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới, được người tiêu dùng sử dụng rộng rãi thời gian gần đây. Đã có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code, hình thành thói quen mua sắm mới tiện lợi, nhanh chóng.

Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Quang Dũng cho biết, các dịch vụ thanh toán số của Vietcombank bao gồm VCB-iBanking, VCB-SMS Banking, VCB-Mobile Banking và VCBPAY. Các sản phẩm này tích hợp nhiều tính năng thanh toán, hướng đến thay đổi thói quen mua sắm truyền thống của người dân. Đã có hơn triệu khách hàng kích hoạt Internet Banking, Mobile Banking của Vietcombank. Cùng với việc phát triển mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng Vietcombank tăng theo hướng tích cực.

Hay như Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang chuẩn bị thực hiện chuyển đổi hệ thống ngân hàng số hoàn toàn mới và ra mắt dịch vụ SmartBanking thế hệ mới với nhiều ưu điểm, tiện ích vượt trội. Lãnh đạo ngân hàng này khẳng định, đây là một bước đi lớn nằm trong tổng thể chiến lược chuyển đổi số đang được triển khai tại BIDV.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) chia sẻ, từ những kinh nghiệm thực tiễn triển khai đầu tư công nghệ dịch vụ hiện đại tại TPBank cho thấy, đây chính là hướng đầu tư cho tương lai của ngân hàng, trên quan điểm đầu tư dịch vụ hiện đại phục vụ khách hàng hiện tại.

Khẳng định thanh toán không dùng tiền mặt là hướng đi của tương lai, Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, để thúc đẩy loại hình thanh toán này, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng bộ tiêu chí đo lường tỷ lệ sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; ban hành quy định quản lý công ty công nghệ tài chính (fintech); hoàn thiện, cập nhật đề án quốc gia... Bên cạnh đó, cần sớm có quy định về chia sẻ thông tin, dữ liệu; cơ chế công nhận kết quả thẩm định, xác thực lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng...

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của thời đại nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng được coi là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm tính liên tục, thông suốt cho hoạt động giao dịch, thúc đẩy kinh doanh giữa các chủ thể trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cần phải tiếp tục được quan tâm phát triển mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục tâm lý thích sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến của nhiều người dân cũng như để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy hơn hoạt động của loại hình thanh toán tiện lợi này.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/994035/tiep-tuc-thuc-day-thanh-toan-khong-dung-tien-mat