Tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác y tế giữa Việt Nam và Pháp trong thời kỳ mới

Việt Nam và Pháp đã có nhiều hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh đặc biệt là mạng lưới các Viện Pasteur đã hỗ trợ cho Việt Nam rất hiệu quả trong việc phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm và các bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi, trong đó có COVID-19....

Trong mạng lưới này, Việt Nam vinh dự có đóng góp 3 cơ quan là Viện Pasteur TP HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Nha Trang.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội nghị y học Pháp - Việt

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin trên tại Hội nghị y học Pháp - Việt diễn ra tại Trường Đại học Y Hà Nội, hôm nay 4/11. Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam và Pháp đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược, và 30 năm ký kết Hiệp định Chính phủ về Hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa hai nước. Đây là dịp các bác sĩ, nhà khoa học trao đổi, tiếp cận với nền y học tiên tiến.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong suốt quá trình hợp tác giữa hai quốc gia, Pháp đã đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ và các cán bộ y tế cho Việt Nam. Chương trình hợp tác y khoa của Pháp đã tiếp nhận các bác sĩ Việt Nam nói tiếng Pháp tại các bệnh viện của Pháp dưới tên gọi Chương trình FFI (Thực hành nội trú) từ những năm 80 của thế kỷ 20 cho đến năm 2009, và sau đó là Chương trình đào tạo cấp bằng bác sĩ chuyên khoa và chuyên khoa sâu từ năm 2010 đến nay đã giúp Việt Nam đào tạo khoảng hơn 3.000 bác sĩ.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo sau đại học do các giáo sư, bác sĩ Pháp và Việt Nam giảng dạy tại các trường Đại học Y, Dược khác nhau tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng cũng đã đào tạo trên 1.500 bác sĩ Việt Nam với sự tham gia của hàng trăm giảng viên đến từ Cộng hòa Pháp.

Hội nghị y học Pháp - Việt có sự tham dự của bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Pháp, Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Pháp; PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Pháp; bà Cécile Vigneau - Phó Đại sứ, Tham tán Chính trị, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và nhiều chuyên gia y tế của hai nước Việt Nam - Cộng hòa Pháp...

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, nhiều bác sĩ được đào tạo tại Cộng hòa Pháp sau khi về nước đã trở thành những giáo sư, bác sĩ giỏi, các chuyên gia y tế đầu ngành và rất nhiều trong số đó đã và đang là những lãnh đạo chủ chốt của ngành y tế Việt Nam. Bên cạnh đó hàng năm cũng có hàng chục bác sĩ của Pháp và hàng trăm sinh viên của Pháp sang công tác, làm việc, thực tập tại các trường đại học, bệnh viện và các cơ sở y tế Việt Nam.

Đối với cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, Pháp cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam hàng chục triệu đô la thông qua Quỹ Toàn cầu. Bộ Y tế và Cơ quan quốc gia nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tiền thân là Cơ quan nghiên cứu quốc gia về HIV/AIDS và viêm gan của Pháp đã ký kết Bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và y tế về HIV/AIDS và viêm gan virus với sự đóng góp rất lớn từ Giáo sư Françoise Barré Sinoussi, nhà khoa học được giải Nobel y học năm 2008.

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương trân trọng cảm ơn sự ủng hộ và hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan liên quan của Cộng hòa Pháp, Liên đoàn Y tế Pháp – Việt, cũng như các đơn vị, tổ chức dành cho ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là các hỗ trợ về vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua.

Sự hỗ trợ này hết sức có ý nghĩa, là nguồn động viên tinh thần và vật chất to lớn đối với Việt Nam trong giai đoạn khó khăn của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng bày tỏ mong muốn hai bên sẽ tiếp tục cùng nghiên cứu và xây dựng các Chương trình, thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực y tế đặt nền tảng cho sự phát triển và hợp tác về y tế giữa hai quốc gia trong thời kỳ mới.

Hội nghị Y học Pháp - Việt quy tụ các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, bác sĩ danh tiếng của Pháp và Việt Nam.

Ngoài phiên họp toàn thể, Hội nghị y học Việt - Pháp có 7 phiên hội thảo chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh; Sản phụ khoa; Ung thư, nhi khoa; Sức khỏe tâm thần; Nội- ngoại khoa; Hệ thống y tế và biến đổi môi trường; Gây mê hồi sức, chính sách y tế… do các chuyên gia Pháp và Việt Nam chủ trì.

Báo cáo của ThS.BS Phạm Thành Luân, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại hội nghị cho biết tại Việt Nam, Bộ Y tế ước tính cả nước có 300.000 nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), trong đó TP HCM khoảng 75.000 người.

Đặc trưng của nhóm này là sống ở môi trường không an toàn, thường là nạn nhân của phân biệt đối xử, kỳ thị và bạo lực. Nhiều người sống lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện như thuốc lá, rượu bia, ma túy.

Một nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với người MSM trên 16 tuổi từ tháng 2-8/2021 đến phòng khám của bệnh viện, cho thấy 14,2% mắc trầm cảm, trong đó 2,7% ở mức độ nặng. "Tỷ lệ này cao gấp ba lần so với dân số trưởng thành. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến gia tăng trầm cảm ở nhóm người này là sang chấn thơ ấu, sự kiện căng thẳng, công khai xu hướng tính dục"- BS Luân cho hay.

Trầm cảm làm tăng nguy cơ tự sát, lạm dụng rượu và ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, nhiễm HIV. Riêng HIV, tỷ lệ nhiễm tăng rất nhanh, từ 2012-2020 tăng hơn 5 lần, từ 2,3% lên 13,3%, theo Bộ Y tế. Trầm cảm có thể là rào cản trong việc tìm kiếm sự chăm sóc và tuân thủ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm...

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tiep-tuc-that-chat-quan-he-hop-tac-y-te-giua-viet-nam-va-phap-trong-thoi-ky-moi-169231104182744045.htm