Tiếp tục quan điểm kiên trì, kiên quyết, liên tục trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 8 năm công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: PCTN là 'chống giặc nội xâm', là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, 'không ngừng', 'không nghỉ' ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để 'không thể tham nhũng', một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để 'không dám tham nhũng' và một cơ chế bảo đảm để 'không cần tham nhũng'...

Theo dõi “cuộc chiến” đấu tranh PCTN của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta những năm qua và nghiên cứu bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại hội nghị vừa nêu, dưới góc nhìn và tư duy triết học, chúng tôi thấy, những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện sâu sắc, rõ nét tính biện chứng, khoa học và thực tiễn.

Tham nhũng là một trong những tệ nạn lớn, còn được gọi là giặc nội xâm như Bác Hồ từng chỉ ra rằng: Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng, là lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Tham nhũng có nguồn gốc từ việc thực thi quyền lực nhà nước. Khi thực hiện quyền lực nhà nước, các cá nhân, các tổ chức thực thi quyền lực ấy tất yếu sẽ dẫn đến việc lạm quyền để thực hiện lợi ích của cá nhân, của nhóm. Cá nhân, tổ chức còn nắm quyền lực thì sẽ còn có điều kiện tham nhũng. Trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng, tệ nạn tham nhũng là một quốc nạn có tính phổ biến. Tùy vào các triều đại, các giai đoạn lịch sử việc hạn chế PCTN có những cách thức khác nhau.

Trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), mặt trái của nó là những tiêu cực của cơ chế thị trường. Tệ tham nhũng đã xuất hiện ở nước ta với không ít hình thức, thủ đoạn tinh vi. Nhận thức được vấn đề tiêu cực đó, cả hệ thống chính trị đã quyết tâm vào cuộc để đấu tranh phòng, chống, coi nó như là một thứ giặc nội xâm, có mức độ phức tạp, nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm. Đảng, Nhà nước ta đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Điều đó chứng tỏ việc PCTN được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đó là điều kiện sống còn của Đảng, của chế độ ta.

Tệ nạn tham nhũng không chỉ là việc trục lợi cá nhân, nhóm lợi ích làm tổn hại kinh tế mà còn làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ta. Khi đặt lợi ích cá nhân lên trên, các cá nhân tham nhũng, nhóm lợi ích sẽ tìm mọi thủ đoạn nhằm tham nhũng trục lợi. Tính vụ lợi ở mỗi cá nhân và nhóm lợi ích như một thuộc tính cố hữu không phải ngay một lúc mà có thể chấm dứt được, vì vậy cần phải có thời gian đấu tranh bền bỉ, lâu dài của các cấp, các ngành, phải thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Các hành vi tham nhũng trong cơ chế quyền lực thường rất tinh vi với nhiều hình thức, nhiều thủ đoạn phức tạp, đặc biệt là xảy ra ở những người có hiểu biết đạt đến trình độ nhất định, đồng thời nắm quyền lực. Cho nên, họ có thể che giấu được những thủ đoạn, hành vi tham nhũng, đồng thời cũng tìm mọi cách để tạo nên cái vỏ bọc hợp lý, hợp pháp. Từ đó, các cơ quan chức năng cũng rất khó khăn để phát hiện, những cán bộ làm công tác đấu tranh PCTN cũng rất khó có thể tiếp cận. Khi tiếp cận được những tệ nạn tham nhũng cũng gặp rất nhiều khó khăn, như: Sự mua chuộc, cám dỗ, thậm chí bị đe dọa đến sự an nguy của bản thân và gia đình. Vì thế, cuộc đấu tranh PCTN hết sức cam go, phức tạp. Do đó, người cán bộ làm công tác đấu tranh PCTN phải có bản lĩnh, lòng dũng cảm đứng về lẽ phải, công tâm, chính trực, dám đấu tranh, dám hy sinh để thực hiện nhiệm vụ của mình. Người chống tham nhũng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không khuất phục trước mọi uy quyền cản trở việc thực thi công vụ theo đúng quan điểm của Đảng và Pháp luật nhà nước.

Trong cuộc đấu tranh PCTN không chỉ có thường xuyên, kiên trì mà còn phải kiên quyết để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Tâm lý của con người Việt Nam thường trọng tình nhẹ lý, “một bồ cái lý không bằng một tý cái tình”. Biết được đặc điểm đó, những cá nhân, nhóm tham nhũng thường lợi dụng tình cảm để thực hiện hành vi tham nhũng. Trong các quan hệ, con người Việt Nam thường coi trọng vấn đề tình cảm, giàu tính thương người. Trong lúc đó, những cá nhân, nhóm tham nhũng, khi thực hiện hành vi tham nhũng thường rất xảo trá, tinh vi. Nhưng khi có nguy cơ bị phát hiện thì lại tỏ thái độ cầu xin, tưởng chừng như có vẻ ăn năn, hối cải để làm trốn tránh, xin nhẹ tội tham nhũng của mình. Vì thế, trong quá trình đấu tranh PCTN cần phải có thái độ kiên quyết với những hành vi phạm tội, như: Ngoan cố, tiểu xảo, gian trá... Tuy nhiên, cùng với thái độ kiên quyết cũng cần có bao dung, độ lượng nhưng không để bị lạm dụng.

Quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, nạn tham nhũng cũng mang những đặc trưng riêng. Nó như cỏ dại, phải liên tục tiêu diệt mầm mống nảy sinh, cho nên đấu tranh PCTN là công việc lâu dài, thường xuyên, liên tục. Tính răn đe không thể ngắt quãng, gián đoạn mà phải liên tục thì chống tham nhũng mới triệt để, mới có thể ngăn chặn nạn tham nhũng ngay từ trong trứng nước. Nếu ngắt quãng, ngừng nghỉ theo kiểu “xả hơi”, tự mãn, theo đợt, thời vụ thì đấu tranh PCTN sẽ không hiệu quả. Vì chính trong thời gian đó, nạn tham nhũng sẽ có cơ hội phát sinh, phát triển. Từ đó, những thành quả của quá trình đấu tranh PCTN trước đó sẽ giảm dần giá trị, giảm sút lòng tin ở nhân dân.

Thời gian tới, cả hệ thống chính trị và toàn dân cần tiếp tục phải coi công tác đấu tranh PCTN như là chiến lược của sự nghiệp đổi mới. Đấu tranh PCTN đã đạt được một số thành quả nhất định, được nhân dân tin tưởng nhưng không vì thế mà chủ quan, thỏa mãn, dừng lại. Toàn Đảng, toàn dân phát huy dân chủ, xây dựng một cơ chế kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ để mọi cá nhân, tổ chức, nhóm lợi ích không thể có điều kiện tham nhũng. Đồng thời, xây dựng một cơ chế hành pháp nghiêm minh đủ sức mạnh răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không có cá nhân, tổ chức nào dám tham nhũng. Bên cạnh đó, cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính, tạo ra cơ chế, cán bộ, công chức có cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà không cần tham nhũng, coi nó như là một thứ cần phải loại bỏ. Xây dựng nền hành chính trong sạch, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ cách mạng: Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh! Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt đến cán bộ, đảng viên tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 8 năm chống tham nhũng: Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.

Tiến sĩ Triết học PHẠM ĐÀO THỊNH (Trường Đại học Sài Gòn)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tiep-tuc-quan-diem-kien-tri-kien-quyet-lien-tuc-trong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-646889