Tiếp tục phát triển mạnh kinh tế tập thể trong năm 2024

Với 7 tỉnh, thành có điều kiện, trình độ phát triển kinh tế cao so với mặt bằng chung của cả nước, vùng Đông Nam bộ có nhiều điều kiện để phát triển các loại hình kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX).

Các doanh nghiệp, HTX tham gia hội nghị kết nối giao thương các HTX năm 2023 được tổ chức tại Đồng Nai. Ảnh: V.Gia

Bám sát các chương trình, chính sách của Trung ương, thời gian qua, các tỉnh, thành trong khu vực đã triển khai nhiều chính sách nhằm đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế quan trọng theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII).

* Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Trong năm 2023, liên minh HTX các tỉnh, thành đã bám sát, chủ động trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” và trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, HTX. Các phong trào thi đua, khen thưởng được liên minh HTX các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện kịp thời.

Đối với từng địa phương, việc phát triển kinh tế tập thể, HTX cũng đang được đẩy mạnh. Tỉnh Bình Phước năm vừa qua thành lập được 35 HTX, đến hiện nay toàn tỉnh có 334 HTX và gần 1,4 ngàn tổ hợp tác sản xuất. Đánh giá theo lĩnh vực, nông nghiệp có số lượng đông đảo nhất với 296 HTX. Hầu hết các HTX nông - lâm nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc, bảo vệ rừng. Một số HTX đã từng bước đổi mới hình thức hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên.

Tương tự, Đồng Nai thành lập mới 29 HTX với số vốn điều lệ 93,7 tỷ đồng với 347 thành viên và 185 lao động. Lũy kế đến ngày 25-12-2023, Đồng Nai có 488 HTX, quỹ tín dụng nhân dân và liên hiệp HTX. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng được 1.092 tổ hợp tác với 36,5 ngàn thành viên, quy mô tổ chức sản xuất trên tổng diện tích 33 ngàn ha. Liên minh HTX Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều chương trình, công tác hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX. Các HTX trên địa bàn tỉnh đang có bước vươn lên theo hướng đa dạng các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thành viên và thị trường.

Trên bình diện chung, đến cuối năm 2023, toàn miền Đông Nam bộ thành lập mới 155 HTX, nâng tổng số HTX được thành lập của vùng từ trước đến nay lên con số 2.422 đơn vị.

Tại hội nghị giao ban về phát triển kinh tế tập thể vùng Đông Nam bộ trong tháng 12-2023, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá cao kết quả, nỗ lực của các địa phương. Để việc phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX tốt hơn nữa, thời gian tới, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện tốt các phong trào, các nội dung công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 bám sát với thực tiễn, thiết thực, thực chất, kịp thời. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền Luật HTX năm 2023, đưa chủ trương, chính sách về phát triển lĩnh vực này vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

* Nâng chất lượng của HTX trong giai đoạn mới

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các HTX, nhưng kinh tế tập thể nói chung, hoạt động của các HTX nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều HTX quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu; nội dung hoạt động đơn điệu, chưa thiết thực. Thị trường đầu ra đối với sản phẩm của tổ hợp tác và HTX chưa ổn định; chất lượng, số lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nên chưa đủ sức cạnh tranh trong kinh tế thị trường.

Cùng với các chủ trương, chính sách từ Trung ương thì các tỉnh, thành cũng đang nỗ lực khắc phục hạn chế của kinh tế tập thể với nhiều giải pháp, từ việc đầu tư nguồn vốn cho sản xuất, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế đến xây dựng các chương trình hỗ trợ.

Đơn cử như TP.HCM, trong Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025, địa phương này đặt mục tiêu phát triển 150 HTX và 2 liên hiệp HTX. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể sẽ đạt 7%/năm; tỉ trọng đóng góp vào GRDP thành phố là 0,5%. Thành phố cũng sẽ thu hút thêm 15 ngàn lao động làm việc trong khu vực kinh tế HTX, nâng tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng đạt trên 60%...

Tại Bình Dương, trong năm qua, Liên minh HTX tỉnh này đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác chuyển đổi số của các HTX trên địa bàn tỉnh ở từng lĩnh vực có sự khác nhau. Nhiều HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản; áp dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh, phần mềm quản lý. Các HTX nông nghiệp cũng gia tăng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. HTX vận tải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành trình, hoạt động của phương tiện; sử dụng phần mềm để quản lý khách, hàng hóa. Các HTX thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

Đối với Đồng Nai, tỉnh khuyến khích và hỗ trợ việc nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai sẽ tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Song song đó là bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư, hỗ trợ phát triển, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202402/tiep-tuc-phat-trien-manh-kinh-te-tap-the-trong-nam-2024-8c444c9/