Tiếp tục duy trì, kết nối đưa nông sản đặc trưng của tỉnh về Thủ đô

Sau khi ký kết với Sở NN&PTNT TP Hà Nội biên bản hợp tác phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn có tem truy xuất nguồn gốc (TXNG) cho TP Hà Nội (năm 2018) đến nay, Hòa Bình đã phát triển được 65 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố. Qua đó góp phần cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô trên 71 nghìn tấn nông, lâm, thủy sản (NLTS) an toàn mỗi năm.

Sản phẩm nhãn Sơn Thủy của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) được người tiêu dùng Thủ đô đánh giá cao.

Sản phẩm nhãn Sơn Thủy của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) được người tiêu dùng Thủ đô đánh giá cao.

Là một trong những đơn vị cung cấp số lượng lớn cá sông Đà và các sản phẩm về cá tại thị trường Hà Nội, Công ty TNHH Cường Thịnh (Cường Thịnh Fish) có quy mô sản xuất 400 lồng cá; trong đó, 200 lồng do công ty trực tiếp sản xuất, chăn nuôi và 200 lồng là liên kết, hợp tác với các HTX, hộ nuôi cá tại một số địa phương trong tỉnh. Ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc công ty cho biết: Từ năm 2012, công ty đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô ban đầu chỉ khoảng 40 - 50 lồng cá. Việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn, nghiêm ngặt đã giúp các sản phẩm của công ty được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng; quy mô sản xuất cũng vì thế càng phát triển để đảm bảo cung ứng cho thị trường. Sau khi tham gia dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà theo chuỗi giá trị do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh triển khai cũng như thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội, công ty đã xây dựng được mạng lưới phân phối vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, siêu thị lớn ở Hà Nội như: BigC, Winmart, Lotte mart… Đến nay, quy mô sản xuất của Cường Thịnh Fish tăng lên khoảng 400 lồng với đủ các loại cá, cung cấp cho thị trường Thủ đô khoảng 852 tấn cá mỗi năm.

Ngoài Cường Thịnh Fish, hiện không ít mô hình, chuỗi cung ứng NLTS tiêu biểu của tỉnh duy trì và hoạt động tốt, cung cấp số lượng khá lớn nông sản sạch cho TP Hà Nội như: Mô hình nuôi bò thịt theo phương thức kinh tế tuần hoàn của Công ty CP T&T 159 (TP Hòa Bình); chuỗi cá sông Đà của Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng; chuỗi cung cấp cam, bưởi các loại của HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động...

Thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội, Sở NN&PTNT đã ký với Sở NN&PTNT TP Hà Nội biên bản hợp tác phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn có tem TXNG cho TP Hà Nội (ngày 21/12/2018); ký với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp về hợp tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm NLTS an toàn (ngày 25/7/2019); ký các biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm với một số tập đoàn lớn... Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp với ngành nông nghiệp TP Hà Nội tổ chức và giới thiệu 135 doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, diễn đàn, phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn và tuần lễ nhận diện nông sản an toàn tổ chức tại các tỉnh, thành phố. Phối hợp xây dựng 110 chuyên mục, phóng sự, tin, bài nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm NLTS chủ lực của tỉnh tuyên truyền trên các kênh truyền thông. Bên cạnh đó, ký kết được 10 biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp Hòa Bình trong việc liên kết, tiêu thụ nông sản.

Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm NLTS, từ năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đã lấy 48 mẫu sản phẩm có nguồn gốc từ Hòa Bình. Kết quả, có 44 mẫu đạt (92%), đối với các mẫu không đạt đều được thông báo kịp thời cho Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh để TXNG, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.

Sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và liên tục của 2 địa phương đã mang lại hiệu quả cho chương trình hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh có 100 sản phẩm của 81 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; 46 nhãn hiệu được chứng nhận và bảo hộ trên thị trường; 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn. Đặc biệt, Hòa Bình cũng là địa phương thứ 2 sau TP Hà Nội xây dựng hệ thống TXNG, xác thực chống giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn. Hiện đã có 40 cơ sở và 700 sản phẩm được quảng bá trên hệ thống; trên 8 triệu sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh được dán tem TXNG trước khi đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: Từ việc phối hợp kết nối giữa tỉnh và TP Hà Nội, ngày càng nhiều mặt hàng có thế mạnh của tỉnh được đưa vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, được người tiêu dùng chấp nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, trong năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, được sự tạo điều kiện của ngành nông nghiệp Hà Nội, các lái xe vận chuyển nông sản của tỉnh được hỗ trợ đăng ký luồng xanh để tiêu thụ nông sản kịp thời và hiệu quả hơn. Thời gian tới, để tiếp tục hợp tác hiệu quả, tỉnh cần chú trọng hơn đến việc tăng cường tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn sản xuất công nghệ cao, bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP, HACCP... Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm để cung cấp tới doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng để nhận biết, yên tâm sử dụng.

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/169962/tiep-tuc-duy-tri,-ket-noi-dua-nong-san-dac-trung-cua-tinh-ve-thu-do.htm