Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội toàn diện, hiệu quả hơn

Trước những yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, năng lực của đại biểu Quốc hội là yếu tố hết sức quan trọng. Trong đó, tăng cường đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là một trong các giải pháp hiệu quả, thiết thực.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hồ Long

Đó là kiến nghị của các đại biểu tham dự Hội thảo “Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vừa qua.

Phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội

Thực tế chặng đường gần 80 năm xây dựng và trưởng thành của Quốc hội Việt Nam có thể khẳng định: Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với các cử tri, luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Kinh nghiệm thực tiễn của Quốc hội khóa trước luôn là bài học quý giá cho việc củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực các hoạt động của Quốc hội khóa sau.

Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, nguyên Giám đốc Trường chính trị tỉnh Nghệ An, Ths. Bùi Thị Thu Hương cho rằng, việc đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội cần được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, có định hướng mục tiêu rõ ràng, bước đi chắc chắn, nhằm khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Đổi mới cơ cấu tổ chức của Quốc hội tác động mạnh mẽ đến hoạt động lập pháp và ở chiều ngược lại, yêu cầu, kết quả hoạt động lập pháp cũng khơi gợi, tác động đến định hướng đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, của bộ máy nhà nước.

Các nghị quyết Đại hội Đảng luôn chú trọng tới yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thực sự vì Nhân dân, làm tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Nhấn mạnh quan điểm nhất quán này, các đại biểu cũng nêu rõ, đồng thời, các nghị quyết của Đảng cũng đặt ra yêu cầu Quốc hội thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao; nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.

Quan điểm, chủ trương của Đảng về Quốc hội ngày càng toàn diện, đầy đủ trên các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Tăng cường đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Trước những yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các đại biểu cho rằng, năng lực của đại biểu Quốc hội là yếu tố hết sức quan trọng đối với chất lượng hoạt động của Quốc hội. Một trong các giải pháp đổi mới liên quan đến các đại biểu Quốc hội, đó là tăng cường đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần đầu được nêu ra tại Đại hội X của Đảng ta.

Khẳng định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đóng vai trò quan trọng, nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phân tích, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đều đã được đặt ra trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây. Cụ thể, tại Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đề ra mục tiêu: “Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội”. Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, tỷ lệ này được nâng lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại hội thảo

Thực tế, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đều tăng qua các nhiệm kỳ: Quốc hội khóa XI có 121 đại biểu chuyên trách (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XII có 145 đại biểu chuyên trách (chiếm 29,41%), Quốc hội khóa XIII có 154 đại biểu chuyên trách (chiếm 30,8%), Quốc hội khóa XIV có 167 đại biểu chuyên trách (chiếm 33,80%), Quốc hội khóa XV có 126 đại biểu chuyên trách (chiếm 38,67%).

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, tổ chức các tiểu ban, kiện toàn các nhóm làm việc phụ trách các lĩnh vực chuyên môn khác nhau của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong điều kiện mỗi cơ quan của Quốc hội đều có phạm vi hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hiện nay vẫn chưa đạt con số “ít nhất 40%” được đề ra tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020.

Đội ngũ đại biểu Quốc hội có trình độ, đủ năng lực, hiểu biết toàn diện, sẽ có khả năng tiếp cận đầy đủ, đánh giá vấn đề một cách khoa học, từ đó đề xuất chính sách, đề nghị lập pháp hay quyết định phương hướng, biện pháp giải quyết vấn đề quan trọng của đất nước một cách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả. Qua thực tiễn, Ths. Bùi Thị Thu Hương cho biết, việc hình thành thiết chế đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tăng dần từ khoảng 5 - 6% tổng số đại biểu Quốc hội đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX lên 25,1% ở Quốc hội khóa XI và đến gần 30% ở Quốc hội khóa XIII và tăng khoảng 5% ở mỗi nhiệm kỳ tiếp theo. Tổ chức và hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã đạt được kết quả khả quan, cho thấy đây là hướng đi đúng đắn trong điều kiện hiện nay của nước ta.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Đoàn Tố Uyên - Trưởng Bộ môn Xây dựng văn bản, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, hoạt động tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, phân loại và chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết ngày càng được đánh giá cao, là một trong những nguồn thông tin quan trọng giúp đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng pháp luật, thảo luận các báo cáo kinh tế - xã hội và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tại mỗi Kỳ họp Quốc hội. Do đó, các đại biểu Quốc hội cần nỗ lực hơn nữa và tìm ra giải pháp đúng để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng mong mỏi của cử tri. Đối với hoạt động thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri của đại biểu Quốc hội cần thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri thường xuyên hơn nữa; nâng cao chất lượng trong hoạt động tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Có như vậy, mới bảo đảm tính đồng bộ, cộng hưởng và lan tỏa trong việc triển khai thực hiện các giải pháp tổng thể, nhằm không ngừng củng cố, khẳng định vị trí, vai trò của Quốc hội cũng như thiết thực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng các hoạt động của Quốc hội.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/tiep-tuc-doi-moi-to-chuc-va-hoat-dong-cua-quoc-hoi-toan-dien-hieu-qua-hon-i355062/