Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng theo pháp luật

TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

BPO - Đảng nắm lấy pháp luật để lãnh đạo, cầm quyền, với tinh thần thượng tôn pháp luật, một cách tất yếu và là nhu cầu tự nhiên, không ngừng tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, thể hiện ý chí của nhân dân lao động, theo đường lối chính trị của Đảng, bảo đảm và bảo vệ cho quyền lực nhà nước được thực thi nghiêm ngặt bằng cách kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ một cách dân chủ theo pháp luật. Pháp luật của Nhà nước phải là bản khế ước của đường lối chính trị của Đảng, một cách tiến bộ, văn minh và hiện đại, theo tinh thần dân chủ và pháp quyền tối cao.

Đó là sự thể hiện tập trung và sinh động sự phát triển của phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Và, qua đó, cũng chính là sự kết tinh năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Về lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy và lựa chọn, bố trí cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ chiến lược của các thành viên hệ thống chính trị. Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo công việc này cho bất cứ tổ chức chính trị nào. Đó là nguyên tắc. Vì, nếu trái thế, Đảng sẽ thất bại ngay từ bước khởi nguyên về nhân tố rường cột chính trị căn bản, càng không thể hóa thân chính trị thành công, trong điều kiện cầm quyền (hay trước kia khi chưa cầm quyền), khi thiếu hoặc buông lỏng nhân tố căn bản này. Đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược, phải xứng đáng là chính trị gia của Đảng cầm quyền: trung thành với lý tưởng và lợi ích quốc gia dân tộc; tầm nhìn chính trị viễn kiến, giỏi về quản lý và chuyên môn, có óc phản biện; danh dự, dũng cảm, liêm sỉ, trách nhiệm, trong sạch và đạo đức… Bằng mọi cách, thu hút, nuôi dưỡng, bảo vệ, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ tinh hoa của hệ thống chính trị, một cách bình đẳng, công bằng và xứng đáng, không kể họ là ai, chưa là hay không là đảng viên của Đảng thông qua cơ chế tuyển chọn nhân tài một cách khoa học, dân chủ với các phương thức phù hợp và cụ thể.

Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ của mình và hệ thống chính trị trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình luôn bổ sung, hoàn thiện và lấy hiệu quả công việc thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu... bằng những quy định của Đảng thống nhất với pháp luật. Không có lòng tin của nhân dân, mọi cuộc cải cách, cho dù là nỗ lực bao nhiêu, sẽ đổ vỡ không tránh khỏi. Đội ngũ cán bộ, trước hết là những người lãnh đạo và quản lý mang tầm chiến lược, bảo đảm hài hòa về các độ tuổi, giữ vững tính liên tục, phát triển ngang tầm công việc cầm quyền của Đảng và đủ sức dẫn dắt quốc gia phát triển. Định kỳ và không định kỳ kiểm tra, “khảo hạch”, chỉnh đốn, tái cấu trúc đội ngũ này bằng pháp luật theo hướng dân chủ hóa, tinh nhuệ hóa và văn hóa hóa.

Mỗi cán bộ trong bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị là một nhà chính trị, đồng thời là một tấm gương mẫu mực về văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị và văn hóa pháp luật. Lãnh đạo việc xây dựng các bộ máy của tổ chức thành viên bảo đảm: tinh, gọn, đa chức năng, liên thông, trực tiếp, hiệu lực và hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở. Bảo đảm nghiêm ngặt chế độ lãnh đạo tập thể dân chủ đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo gắn chặt với kiểm soát quyền năng và quyền lực theo trách nhiệm cụ thể, duy nhất và đối với từng cá nhân bằng kỷ luật và pháp luật thượng tôn, trước hết là của người đứng đầu theo chức năng và thẩm quyền. Qua thực tiễn, bằng pháp luật thống nhất và kỷ luật chặt chẽ, Đảng luôn luôn và cần truy tố và trừng phạt điển hình một cách nghiêm khắc đúng những người có trọng trách gây ra “những khuyết điểm về tổ chức này” chứ không trừng phạt người nào khác... Đem truy tố trước tòa án về tệ quan liêu và xử phạt hết sức nghiêm khắc. Bởi vì, nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó, như V.I.Lênin cảnh cáo. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham nhũng. Giữ vững vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng hoạt động trong các cơ quan nhà nước, MTTQ Việt Nam (và các đoàn thể nhân dân thuộc mặt trận) trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Đồng thời, Đảng đổi mới không ngừng bộ máy Đảng trên cơ sở cấu trúc lại bộ máy tổ chức trong hệ thống Đảng theo hướng xác lập trụ cột căn bản và chủ yếu đa chức năng, kiên quyết cắt bỏ tầng nấc trung gian, hoạt động trực tiếp, liên thông, tinh gọn và hiệu quả bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, trao đủ quyền năng đúng, phù hợp và kiểm soát quyền lực một cách minh bạch được giao một cách chặt chẽ và thường xuyên từ Trung ương tới cơ sở với phương châm: không ngoại lệ, không vùng cấm và không vùng “trắng” luật pháp. Chủ động đo lường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy bằng mức độ giải quyết công việc theo yêu cầu, nhiệm vụ và độ hài lòng của nhân dân. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công. Không có kiểm tra, giám sát dân chủ và đa diện không có bất cứ thành công mong muốn nào trong công cuộc cầm quyền của Đảng. Vấn đề có ý nghĩa sinh tử đối với sự thành bại của lĩnh vực tổ chức - cán bộ và kiểm tra, Đảng khắc sâu và kiên quyết chỉnh đốn bằng pháp luật và kỷ luật: Người làm các công tác tổ chức - cán bộ, người làm công việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy trước hết và sau cùng, phải liêm chính, trong sạch, trách nhiệm và dũng cảm; rồi mới nói tới tầm nhìn, sự tinh nhuệ, tinh thông... Nếu có đại họa nào làm Đảng băng hoại về chính trị và tổ chức, thể chế tan tành, thì lúc này, hơn hết lúc nào, đó chính là “giặc nội xâm” và nạn phân rã chính trị: tham nhũng quyền lực, “lợi ích nhóm”, “sứ quân” cát cứ… đang có nguy cơ vô hiệu hóa pháp luật, biến pháp luật thành “thanh kiếm phường chèo”(!). Do đó, tất cả phải được kiểm tra, kiểm soát và giám sát, không trừ một ai, một tổ chức nào.

Mặt khác, Đảng chỉnh đốn toàn diện đội ngũ đảng viên của Đảng, bảo đảm chất lượng, “thà ít mà tốt”. Qua mỗi kỳ đại hội, Đảng đổi mới và hoàn thiện Điều lệ Đảng bảo đảm ngày càng thống nhất với pháp luật của Nhà nước, trong đó phát triển bộ tiêu chí về tư cách người đảng viên của Đảng theo hướng: Toàn diện nhân cách, tinh hoa về định tính; cụ thể về định lượng; minh bạch về thực hiện và trách nhiệm chính trị - trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm xã hội.

Nâng tầm mối liên hệ với nhân dân, với tư cách “là con nòi”, xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đó là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng. Nhân dân là nguồn gốc sinh thành và cội nguồn sức mạnh của Đảng, nền móng sức mạnh quốc gia, dưới ngọn cờ của Đảng. Nhân dân là người sinh ra Đảng, vì Đảng ta “là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động”. Từ quyết sách chính trị tới lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… cần thiết lắng nghe ý kiến của nhân dân, định chế bằng chính sách cụ thể để nhân dân tham gia giám sát, lựa chọn và quyết định giới thiệu. Ai mơ hồ về lẽ đó tất suy bại, ai đi ngược lại điều sơ giản đó không thể không cầm chắc tiêu vong. Nhân dân tự mình nâng cao trình độ, đặc biệt là trình độ văn hóa chính trị, văn hóa pháp lý, văn hóa dân chủ… để sử dụng các quyền dân chủ, thực hành dân chủ tự giác theo luật pháp nhằm bảo vệ “con nòi” của mình, một cách chủ động với tấm lòng của người sinh thành ra Đảng một cách nghiêm khắc và bao dung. Tới lượt mình, Đảng phải làm tốt nhất không chỉ về phương diện đạo lý mà cả trên bình diện pháp lý bảo đảm thực thi tất cả vấn đề về quyền và trách nhiệm tối thiểu đó của nhân dân, vì nhân dân.

Đảng tự xây dựng, tự chỉnh đốn mình và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về con người, về tổ chức, về vật chất - kỹ thuật hiện đại bảo đảm cho việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền hoàn bị và tiến bộ, trên nền tảng pháp luật và kỷ luật, ngang tầm với trọng trách lịch sử mà Đảng được nhân dân và lịch sử giao phó.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/138120/tiep-tuc-doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-theo-phap-luat