Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân nguyện

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung, hiệu quả của công tác dân nguyện nói riêng, Quốc hội cần có cơ chế để lắng nghe, thu thập được ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, nắm bắt những phản hồi từ Nhân dân, phục vụ cho việc hoạch định chính sách, pháp luật. Đây cũng là một trong những cơ chế để Quốc hội thực hiện tốt hơn chức năng giám sát tối cao, bảo đảm chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Để tiếp tục hoàn thành và đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay của Quốc hội Khóa XV, rất cần chính sách tổng thể, lộ trình cụ thể để tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác dân nguyện.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hộiLưu Bình Nhưỡng: Thiết kế tổ chức bộ máy tương xứng, đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ

Sau 20 năm thành lập, Ban Dân nguyện thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 6 nhiệm vụ và hiện đang thực hiện theo Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 9 nhiệm vụ, trong đó có 6 nhiệm vụ căn bản.

Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh: Duy Thông

Cụ thể, nhóm nhiệm vụ thứ nhất là trực tiếp giúp Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thực hiện tiếp công dân. Ban Dân nguyện là cơ quan thường trực tiếp công dân của Quốc hội, làm việc hàng ngày ở 2 trụ sở tiếp công dân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhóm nhiệm vụ thứ hai là tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo gửi đến Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Trong thời gian qua, chúng tôi đã xử lý 362.811 đơn thư, trực tiếp nghiên cứu chuyển 10.481 đơn thư đến tất cả cơ quan, nhận 4.680 văn bản trả lời, trong đó nhiều vụ việc được giải quyết có kết quả tốt. Nhóm nhiệm vụ thứ ba là trực tiếp tiếp nhận, xử lý các kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội thông qua các đợt tiếp xúc cử tri chính thức của của các Đoàn Đại biểu Quốc hội trước và sau mỗi kỳ họp. Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII và XIII, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận 47.816 kiến nghị; từ Khóa XIV đến nay là 27.748 kiến nghị của cử tri. Tính chung từ trước tới nay, Ban đã tiếp nhận 75.564 kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội để xem xét các vấn đề về chính sách cùng nhiều vấn đề cụ thể. Nhóm nhiệm vụ thứ tư là giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát tiếp công dân của các bộ, ngành, địa phương. Nhóm nhiệm vụ thứ năm là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức. Nhóm nhiệm vụ thứ sáu là giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Trước mỗi kỳ họp Quốc hội bao giờ cũng có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về xử lý kiến nghị của cử tri và báo cáo về giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Trong đó, Báo cáo về xử lý kiến nghị của cử tri bao giờ cũng được thực hiện báo cáo ngay ngày đầu tiên của kỳ họp - là báo cáo rất quan trọng vì liên quan kiến nghị của cử tri về chính sách, pháp luật.

Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, Ban Dân nguyện thực hiện thêm nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá toàn bộ công tác dân nguyện trong một tháng để báo cáo tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tức là hiện nay, chúng tôi có một báo cáo riêng là báo cáo tháng về công tác dân nguyện, được cử tri và Nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm, vì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, đánh giá đúng vấn đề, tiếp cận hơi thở cuộc sống… để có quyết định kịp thời.

Qua nắm bắt nguyện vọng của người dân, đặc biệt khi thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, chúng tôi nhận thấy, Nhân dân có mong muốn công tác dân nguyện phải được ghi nhận, luật hóa và nâng tầm. Nhiều đại biểu Quốc hội Khóa XIV cũng đặt ra vấn đề này. Cần nhấn mạnh rằng, việc nâng tầm công tác dân nguyện có vai trò vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Dân nguyện đang xây dựng Đề án để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện trong tình hình mới, và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới. Song song với đó, Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ban Dân nguyện chủ trì nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát, sửa đổi, bổ sung nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến tiếp công dân, đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo, giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri… Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác dân nguyện trong thời gian tới.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của công tác dân nguyện, theo tôi có hai vấn đề. Một là, muốn nâng tầm hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, thì tất cả hệ thống dân cử nói chung và hệ thống của Quốc hội nói riêng phải thực hiện tốt công tác dân nguyện. Hai là, Quốc hội, HĐND muốn thực hiện tốt công tác dân nguyện phải có cơ quan đầu mối tương xứng với tính chất nhiệm vụ. Từ chức năng, nhiệm vụ, cần xem xét tổ chức bộ máy nhân sự cùng các điều kiện để có thể hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đó.

Giải quyết đồng bộ các vấn đề nêu trên sẽ giúp công tác dân nguyện của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của cử tri và Nhân dân với hoạt động của Quốc hội.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến:
Ban Dân nguyện được nhân dân tin cậy/ Trí tuệ, trái tim nặng nước non nhà

Nhìn từ góc độ luật pháp, thì Hiến pháp đã quy định, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Soi chiếu từ góc độ là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân thì Quốc hội phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, ý chí của Nhân dân trong hoạt động của mình. Trong Luật Tổ chức Quốc hội, ngay tại Điều 1, khoản 1 tiếp tục khẳng định, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân; và tại khoản 2 mới quy định, Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, lập hiến, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến - Ảnh: Duy Thông

Qua đó có thể thấy, không phải ngẫu nhiên trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đều quy định, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Điều đó cho thấy, công tác dân nguyện là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Quốc hội. Và, Ban Dân nguyện là cơ quan được giao nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện.

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, có thể khẳng định, Ban Dân nguyện là “địa chỉ” đáng tin cậy của Nhân dân; là nơi tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Xin đúc kết mấy câu về công tác dân nguyện - Ban Dân nguyện tuổi 20: Ban Dân nguyện vươn vai Phù Đổng/ Góp cùng Quốc hội bay xa/ Ban Dân nguyện được nhân dân tin cậy/ Trí tuệ, trái tim nặng nước non nhà.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng:
Nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về công tác dân nguyện

Lâu nay, cũng có ý kiến cho rằng, công tác dân nguyện chỉ là công tác tiếp nhận ý kiến và chuyển ý kiến đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nếu hiểu như vậy mới là một nửa vấn đề. Điều quan trọng quyết định nhất, theo tôi, là tiếp nhận ý kiến và xử lý chuyển nguyện vọng ấy đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; cùng với đó là đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kiến nghị xử lý xem việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của người dân đến đâu, như thế nào? Nếu không được giải quyết thì chế tài xử lý trách nhiệm ra sao...? Đây là những nội dung phải làm rõ, có như vậy mới bảo đảm quyền năng và giá trị pháp lý của công tác dân nguyện. Chính vì thế, những người làm công tác dân nguyện không thể xuất phát trong “phòng lạnh”, hay “bàn giấy” mà phải có phương pháp gần gũi, bám sát người dân. Đó là “chân đi, tai nghe, mắt trông, óc nhìn, tay làm” - phải “xắn tay áo” cùng giải quyết những vấn đề người dân đang quan tâm, bức xúc.

Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân, bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản của công dân trên thực tế, cần nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của công tác dân nguyện. Đồng thời, cần nghiên cứu tiến tới ban hành đạo luật về công tác dân nguyện. Đương nhiên, vấn đề này cần có thời gian, nhưng trước mắt, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát Quốc hội và Hội đồng Nhân dân theo hướng quy định cụ thể phạm vi giám sát và trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện các kết luật giám sát. Nghiên cứu sửa đổi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, đặc biệt các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội chuyển đến và quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Cùng với đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân nguyện của các cơ quan dân cử. Hiện nay, theo Nghị quyết mới về sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, thì riêng Phòng Dân nguyện không quy định “cứng” phải thành lập, theo đó mỗi địa phương có thể thành lập Phòng Dân nguyện hoặc không… Tôi cho rằng đây là sự thiếu thống nhất và nên có Phòng công tác dân nguyện một cách chính quy, và đội ngũ cán bộ làm công tác dân nguyện cũng phải được đào tạo, tuyển chọn là những cán bộ có nhận thức pháp luật và có kinh nghiệm. Tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực hoạt động dân nguyện của đại biểu dân cử thông qua việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đại biểu dân cử và công chức tham mưu giúp việc… Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về công tác dân nguyện, đặc biệt là công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và các ý kiến, kiến nghị của người dân…

Nguyễn Vũ lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-chat-luong-cong-tac-dan-nguyen-i320464/