Tiếp tục đàm phán TPP, Mỹ để ngỏ hiệp định song phương

Các quốc gia thành viên TPP đã thống nhất tiếp tục tìm ra các cơ hội để thực hiện hóa TPP mà không có Mỹ. Trong khi đó, phía Mỹ đã tái khảng định rút khỏi TPP nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán hiệp định thương mại song phương với các quốc gia trong khu vực.

Bộ trưởng phụ trách thương mại của APEC tại buổi họp báo ngày hôm nay 21-5 - Ảnh: AFP

Ngày 20 và 21-5, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội, Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại (MRT) lần thứ 23 đã diễn ra với sự tham dự của các bộ trưởng của 21 nền kinh tế thành viên cùng nhiều quan chức cấp cao APEC.

Đây là một trong những hội nghị bộ trưởng chuyên ngành quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác APEC. Kết quả làm việc của hội nghị sẽ là cơ sở để các thành viên APEC hoàn thiện những đề xuất, sáng kiến trình lên các lãnh đạo kinh tế APEC tại Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới.

Kết thúc hội nghị ngày hôm nay (21-5), các Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên đã đưa ra tuyên bố hành động. Theo đó, các quốc gia đồng ý loại bỏ các rào cản thương mại và đầu tư.

“Chúng tôi kêu gọi các lãnh đạo tăng cường chương trình cải cách cơ cấu của APEC nhằm loại bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư”, theo văn bản.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Anh Tuấn tái khẳng định tại buổi họp báo sau đó, 21 quốc gia thành viên APEC ủng hộ mạnh mẽ môi trường thương mại đa biên.

Liên quan tới tương lai của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Bộ trưởng Thương mại của 11 nước thành viên còn lại thống nhất sẽ tiếp tục đàm phán hiệp định này mà không có Mỹ.

“Chúng tôi đã bàn về việc làm thế nào để tiến tới thỏa thuận trong 11 quốc gia còn lại”, Bộ trưởng Thương mại New Zealand, ông Todd McClay nói. “Các quốc gia thành viên sẽ đưa ra các đề xuất về việc làm thế nào để đạt được TPP trong tháng 11 này”.

Cuộc họp TPP 11 lần này tại Hà Nội cũng thống nhất về khả năng mở rộng hiệp định cho các nước, nền kinh tế khác tham gia nếu họ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn cao của hiệp định. Những nỗ lực này sẽ giải quyết các mối quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ, duy trì mở cửa thị trường, cũng như thúc đẩy thương mại toàn cầu.

Các quốc gia thành viên vẫn hy vọng một ngày nào đó Mỹ sẽ tham gia TPP, vì nhiều nước thành viên, trong đó có Việt Nam và Malaysia sẽ là những quốc gia được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Malaysia, Mustapa Mohamed đã khẳng định với Bloomberg rằng, nếu Mỹ không tham gia TPP thì động lực chính để Malaysia tham gia hiệp định này mất đi.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo ngày hôm nay tại Hà Nội, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer nói, Mỹ đang phải đối mặt với thâm hụt thương mại khổng lồ và cảnh báo rằng Mỹ sẽ chống lại những gì mà ông gọi là "thương mại không công bằng”. Và Mỹ kiên trì với quyết định rút khỏi TPP của mình.

“Nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng tôi đứng ngoài khu vực này”, ông Lighthizer nói. “Tổng thống Mỹ cho rằng khu vực này rất quan trọng và tôi tới đây để chứng minh tầm quan trọng của khu vực này đối với Mỹ”.

Theo ông Lighthizer, 11 nước thành viên TPP có quyết định riêng của mình và Mỹ cũng vậy. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ tham gia vào khu vực này và tôi tin rằng ở một thời điểm nào đó, sẽ có một loạt các hiệp định song phương với các đối tác trong khu vực”.

Dù việc không có Mỹ là chắc chắn nhưng theo Bộ trưởng Thương mại New Zealand, ông Todd McClay, người chủ trì buổi họp cấp cao về tương lai TPP hôm nay cho hay, 11 nước thành viên đã chứng tỏ được sự thống nhất và mong muốn giải quyết những vấn đề còn tồn tại để TPP có thể được thông qua.

Nói thêm về kết quả TPP 11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Trần Tuấn Anh cho hay, từ nay đến hội nghị cấp cao APEC được tổ thức vào tháng 11-2017, các hội nghị kỹ thuật, hội nghị của các trưởng đoàn đàm phán TPP sẽ tiếp tục triển khai. Đây là tiến trình mà các nước TPP 11 cùng lắng nghe chia sẻ các sáng kiến, đề xuất cụ thể cho hướng đi của hiệp định, trong đó bao gồm lộ trình cụ thể cho việc phê chuẩn cũng như đưa TPP có hiệu lực.

Thiếu lòng tin, mọi kế hoạch hợp tác sẽ không thành

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị cho rằng thời gian gần đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến nhiều thay đổi cả về chính trị, kinh tế và công nghệ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kết nối mạng toàn cầu đang có tác động mạnh mẽ tới cuộc sống của người dân. Chưa bao giờ thế giới lại gắn kết một cách chặt chẽ như hiện nay. Công nghệ hiện đại đang tạo ra nhiều cơ hội mới trong cuộc sống.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng đang đem lại nhiều thách thức không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Điều này đòi hỏi các thành viên APEC tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạch định chính sách và triển khai các chương trình, dự án hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả và tạo nên tính riêng biệt nổi bật của hợp tác APEC với mục tiêu tạo dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực sự gắn kết.

“Tuy nhiên, mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp sẽ không thể trở thành hiện thực, nếu chúng ta thiếu lòng tin, quyết tâm chính trị, hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động đầu tư, lưu chuyển hàng hóa thương mại trong khu vực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160310/tiep-tuc-dam-phan-tpp-my-de-ngo-hiep-dinh-song-phuong.html/