Tiếp sức người dân vùng khó khăn

Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Võ Nhai đã triển khai tốt Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn ở 12 xã, thị trấn trên địa bàn. Chương trình cho vay này đã góp phần quan trọng giúp các hộ dân được thụ hưởng có vốn đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập...

Năm 2018, chị Phạm Thị Ngần, ở xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng (Võ Nhai) vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư vào cửa hàng may mặc, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Phạm Thị Ngần, ở xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng cho biết: Năm 2018, gia đình tôi đã làm thủ tục vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH để đầu tư sản xuất hàng may mặc. Việc hoàn thiện các thủ tục vay vốn được thực hiện nhanh chóng mà lại không mất phí. Có thể nói, nguồn vốn này rất có ý nghĩa vì khi đó gia đình tôi thiếu nguồn kinh phí đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, gia đình tôi đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng...

Gia đình chị Phạm Thị Ngần chỉ là một trong số hàng nghìn hộ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn đang được thụ hưởng từ Chương trình vốn vay này. Điểm khác của nguồn vốn vay đối với hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn so với các chương trình tín dụng chính sách mà NHCSXH đang triển khai là đối tượng vay vốn là gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Chương trình cho vay này được triển khai từ năm 2007 theo Quyết định số 31/2007/ QĐ-TTg, ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Mức vốn cho vay đối với một gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 30 triệu đồng. Từ tháng 3-2016, mức vay tối đa tăng lên 50 triệu đồng (theo Quyết định số 306/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/2/2016 về điều chỉnh mức cho vay đối với gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn). Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, hằng năm, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đều chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng ở 12 xã, thị trấn trên địa bàn. Tính đến hết ngày 30/11/2019, toàn huyện có 2.110 hộ được hưởng thụ với tổng dư nợ trên 79,3 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Sỹ, ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi làm thủ tục vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để nuôi lợn nái sinh sản và trồng cây ăn quả. Ưu điểm của vốn vay hộ sản xuất kinh doanh là lãi suất thấp hơn so với các ngân hàng thương mại (chỉ 0,8%/tháng). Thủ tục vay vốn cũng đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi và không phải thực hiện đảm bảo tiền vay. Nguồn vốn đã giúp tôi thêm nguồn lực để thực hiện phương án sản xuất. Đến nay, 70 cây nhãn, 50 cây bưởi diễn của gia đình đã bói quả, cho thu nhập trên 20 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Thế Vinh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Võ Nhai cho biết: Dù nguồn vốn dành cho Chương trình cho vay này còn hạn chế, song đã giúp các hộ dân không phải là hộ nghèo cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh được tiếp cận vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại vùng khó khăn và xây dựng nông thôn mới. Qua kiểm tra hằng năm, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương để đáp ứng đầy đủ, đảm bảo cho các hộ có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn từ Chương trình này. Cùng với đó, Phòng Giao dịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đoàn thể các cấp làm tốt công tác tuyên truyền; triển khai các hoạt động cho vay và thu hồi nợ, lãi đúng quy định; hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Đức Anh

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/tiep-suc-nguoi-dan-vung-kho-khan-268060-108.html