Tiếp sức cho hàng không Việt Nam phục hồi, phát triển

Tiếp đà phục hồi từ năm 2022, những tháng đầu năm 2023, thị trường hàng không nội địa của Việt Nam đón lượng hành khách tăng cao. Hàng không thế giới cũng ghi nhận nhiều dự báo tích cực, có thể phục hồi hoàn toàn từ cuối năm 2023.

Tuy nhiên, không ít đơn vị trong ngành hàng không vẫn phải đối diện với khó khăn do thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cùng với những rủi ro tiềm ẩn của thị trường và nhiều loại chi phí tăng cao.

Tăng trưởng nhưng chưa hết khó khăn

Sau giai đoạn gần như đóng băng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường hàng không Việt Nam được ví như sức bật của lò xo nén, lượng hành khách đi lại trên các đường bay nội địa tăng trưởng vượt trội. Năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu lượt khách, tăng 3,7 lần so năm 2021 và bằng 69,6% so năm 2019 (thời điểm trước khi có dịch Covid-19). Hai tháng đầu năm 2023, vận chuyển hành khách qua đường hàng không tiếp tục tăng gần 92% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng có sự không đồng đều giữa các phân khúc. Vận chuyển hàng hóa phục hồi nhanh và có sự tăng trưởng so với năm 2019, còn vận chuyển hành khách chuyển biến chậm hơn, chủ yếu mới khôi phục ở thị trường nội địa.

Thị trường hàng không Việt Nam hứa hẹn nhiều triển vọng phục hồi trong năm 2023. Ảnh: VŨ PHONG

Cùng với đó, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng nhất định, đặc biệt là ở thị trường trong nước, nhưng doanh thu không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm do giảm giá để kích cầu và giá nhiên liệu cùng một số chi phí đầu vào tăng. Do vậy, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện. Ngoài ra, có sự không đồng đều giữa các doanh nghiệp hàng không thuộc các giai đoạn khác nhau trong chuỗi cung ứng. Trong khi một số doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng và phục vụ đã phục hồi mạnh mẽ thì nhiều hãng hàng không và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác vẫn gặp khó khăn, đặc biệt, sự mất cân đối dòng tiền, do phải giải quyết những tác động bất lợi trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đánh giá, trong các năm 2020, 2021, doanh thu của các doanh nghiệp hàng không về cơ bản bị giảm sút, hầu hết phải giảm quy mô hoạt động, một số hãng hàng không thậm chí còn phải bán bớt máy bay. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp hàng không đã tiến hành tái cấu trúc, đặc biệt là theo dõi chặt chẽ xu hướng tiêu dùng, chú trọng hơn tới việc đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, mức độ tái cấu trúc cũng như đa dạng hóa sản phẩm của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam cần được cải thiện hơn nữa.

Việt Nam đã hỗ trợ cho các đơn vị trong ngành hàng không bằng nhiều hình thức thông qua các chương trình, gói hỗ trợ khác nhau. Tuy nhiên, những hình thức hỗ trợ này chưa được liên kết với nhau để tạo ra một hiệu ứng tổng hợp chung cho toàn ngành hay cho từng nhóm doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới cần rà soát, đánh giá một cách toàn diện tác động từ các chính sách của Nhà nước đối với ngành hàng không và tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách để tối đa hóa tác động tổng hợp một cách tích cực. Các đơn vị trong ngành hàng không cũng đang phải đối diện với bài toán thiếu hụt nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ thuật cao, cần thời gian đào tạo, tích lũy kinh nghiệm. Để khắc phục vấn đề này cần xây dựng, điều phối thực hiện chiến lược đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực cho ngành hàng không. Phát triển các trung tâm đào tạo trong nước gắn với kỹ thuật, công nghệ cao, hạn chế phụ thuộc vào nước ngoài.

Thúc đẩy cạnh tranh bằng chính sách giá vé

Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), đến hết năm 2023, thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Trong khi đó, thị trường quốc tế đang dần dần hồi phục và dự báo sẽ đạt được gần mức tương đương năm 2019 vào cuối năm 2023. Đánh giá về triển vọng năm 2023, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, mặc dù mức tăng có thể chậm lại. Tổng doanh thu vận tải hành khách bằng đường hàng không toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 20% năm 2023.

Mặc dù vậy, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận, với tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, khả năng cắt lỗ trong năm 2023 của doanh nghiệp hàng không còn mong manh, cùng với đó là những rủi ro từ tình hình thế giới, du lịch quốc tế phục hồi chậm, giá nhiên liệu và lãi suất còn cao... Do vậy, việc duy trì chính sách giảm tiền thuê đất; giãn, hoãn tiền thuế; giảm một số loại phí dịch vụ tại các cảng hàng không như năm 2022 là cần thiết. Có thể cho phép mức độ giảm phù hợp, bảo đảm hài hòa, chia sẻ khó khăn để vượt qua thách thức, nuôi dưỡng nguồn thu.

Để hỗ trợ quá trình phục hồi của ngành hàng không, TS Bùi Doãn Nề đề xuất, Nhà nước cần có chính sách tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công-tư hỗn hợp, giúp đa dạng hóa hệ thống hạ tầng và đẩy nhanh tốc độ nâng cấp, mở rộng hạ tầng theo yêu cầu của thị trường cũng như đổi mới, hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả khai thác. Tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều. Đồng thời, tổ chức các hoạt động quảng bá để giúp ngành hàng không, du lịch thu hút thêm khách quốc tế, nhà đầu tư quốc tế.

Với mong muốn thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức hút với hành khách, nhiều ý kiến từ các đơn vị trong ngành hàng không cho rằng, cần thay đổi chính sách giá vé theo hướng linh hoạt hơn, giúp các đơn vị chủ động hơn. TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho rằng, cần nghiên cứu bỏ việc áp giá trần (giá tối đa) với vé máy bay, tránh kìm hãm sự phát triển của thị trường. Thực tế, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông được ban hành từ năm 2015, đến nay, dù yếu tố chi phí đầu vào thay đổi thì giá vé máy bay vẫn đóng khung. Đại diện một số đơn vị hàng không kiến nghị, cần bỏ giá trần với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên nhưng vẫn duy trì quản lý của Nhà nước nếu đường bay chỉ có 1 hãng khai thác. Bỏ giá trần hay nâng giá trần không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà giúp đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.

Theo TS Cấn Văn Lực, giá cả và các yếu tố cấu thành giá thay đổi nhanh, nếu áp giá trần sẽ khó điều chỉnh kịp. Thị trường hàng không đã và đang cạnh tranh hơn nhiều so với trước đây. Vì vậy, nên xem xét đầy đủ, khách quan vì giá cả theo điều tiết của thị trường và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ chế giá cho thị trường cần công khai, minh bạch hơn, quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ của hãng hàng không để xứng đáng với đồng tiền hành khách bỏ ra. Đồng thời, nên có nhiều loại giá vé khác nhau để phù hợp với mức chi trả của từng phân khúc. Qua đó, giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, hướng đến phát triển bền vững của ngành hàng không.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tiep-suc-cho-hang-khong-viet-nam-phuc-hoi-phat-trien-721231