Tiếp sức cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn phát triển

Chiều ngày 16/5, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII qua đó xây dựng, mối liên kết phát triển lĩnh vực khuyến công giữa các địa phương trong tương lai.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác khuyến công, trong những tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024.

Trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết hợp tác bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, đề ra các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khuyến công tại các địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo. Đồng thời đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực khuyến công tại địa phương qua đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung… cho phù hợp thực tế.

Du khách quốc tế tham quan làng sản xuất hương truyền thống Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa). Ảnh: Hoài Nam

Du khách quốc tế tham quan làng sản xuất hương truyền thống Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa). Ảnh: Hoài Nam

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Công Thương (Bộ Công Thương) Dương Quốc Trịnh cho hay, sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2024 đã có sự tăng trưởng đáng kể. Chính phủ ban hành nhiều chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, trong đó khuyến công tiếp tục là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp nông thôn nói riêng.

“Năm 2024 là năm tăng tốc Chương trình quốc gia giai đoạn 2021-2025, để hoàn thành mục tiêu chương trình; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác khuyến công, các địa phương tập trung đánh giá tác động của công tác khuyến công trên địa bàn, nêu những khó khăn và giải pháp hoàn thành Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó có khó khăn về chính sách” - ông Trịnh đề nghị.

Các đại biểu trao đổi thảo luận cách thức thực hiện công tác khuyến công tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Các đại biểu trao đổi thảo luận cách thức thực hiện công tác khuyến công tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, từ đầu năm đến nay ngành công thương đã hỗ trợ các tỉnh, thành giúp 57 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 11 cơ sở CNNT được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn. Đồng thời, hỗ trợ được 701 gian hàng tiêu chuẩn cho gần 300 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước.

Ngoài ra tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 245 lượt cơ sở; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và trưng bầy quảng bá sản phẩm cho 5 cơ sở CNNT. Bên cạnh đó ngành công thương đã tư vấn phát triển công nghiệp cho 62 dự án, với doanh thu đạt 4,87 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch năm, đạt 153,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng thời, các địa phương đã hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-san-pham-cong-nghiep-nong-thon-phat-trien.html