'Tiếp lửa' cho độc giả

Để kết nối với độc giả, giờ đây, các đơn vị xuất bản không chỉ dùng website hay tài khoản mạng xã hội 'chính danh' mà còn tạo các group riêng nhằm tăng tính tương tác và 'tiếp lửa' đọc sách.

Những năm qua, khi lượng sách xuất bản ngày một nhiều, đa dạng hơn thì các kênh kết nối với bạn đọc ngày càng được chú trọng. Tùy đối tượng độc giả mà mỗi đơn vị xuất bản tìm kênh kết nối phù hợp. Có thể bắt gặp trên Instagram nhiều cái tên quen thuộc như nxbphunu, nxb_trithuc, fanclub_tre, dongabook, nhanambooks..., hay trên TikTok là nxb_kimdong, nxbtre_official, nhanamtiktok, omegaplusbooks, alphabooks_ official, tanvietbook.vn, dinhtibooks_official...

Riêng trên mạng xã hội Facebook các đơn vị xuất bản không chỉ dừng ở việc lập một tài khoản “chính danh” mà còn dựa vào tính năng kết nối của Facebook group mà tạo các kênh tương tác nhằm “tiếp lửa” đọc sách. Theo bà Đào Phương Thu, Phó Trưởng phòng Truyền thông Công ty Nhã Nam, tính kết nối với độc giả của “Nhã Nam Reading Club” còn mạnh hơn cả fanpage Nhã Nam.

Dạo qua nhóm "Nhã Nam Reading Club" trên Facebook, khó có thể không bất ngờ khi thấy con số thành viên lên tới 211,4 nghìn tài khoản với lượng bài viết cập nhật liên tục hằng ngày, thậm chí hằng giờ khi có các sự kiện. Có được điều này là bởi nhóm đã không hạn chế thảo luận chỉ về sách do Nhã Nam thực hiện, mà còn mở rộng ra tác phẩm của các đơn vị làm sách khác với quan điểm “Nhã Nam Reading Club khuyến khích các thảo luận về sách vở, mọi ý kiến khen chê, đóng góp, bày tỏ quan điểm dù theo số đông hay ngược với số đông, đều có thể được xét duyệt, trừ một số trường hợp tính chất gây hấn quá rõ ràng và không hướng đến mục đích đóng góp”.

“Nhã Nam Reading Club” đã hoạt động mạnh từ khi thành lập đến nay, trở thành một trong những cộng đồng đọc hiệu quả và uy tín trên Facebook. Đại diện Nhã Nam chia sẻ: “Vì muốn tạo ra một không gian trao đổi dân chủ, cởi mở nên đôi khi có những bài đăng gây rất nhiều ý kiến trái chiều (thậm chí không có một ý kiến nào đồng tình) nhưng vẫn được duyệt. Nhóm quản trị hầu như chưa khóa phần bình luận trong bất kỳ bài đăng nào, để các bạn tranh luận đến cùng trên tinh thần tôn trọng các bên”. “Nhã Nam Reading Club” đã trở thành “con cưng” của đơn vị được đội truyền thông Nhã Nam hết lòng chăm chút để có thể cập nhật nhanh nhất và hiệu quả nhất các ý kiến, phản hồi từ các thành viên nhóm, từ đó ghi nhận, sửa chữa, hoàn thiện hơn các công đoạn xuất bản để mỗi tác phẩm ra đời thực sự làm vừa lòng độc giả".

NXB Kim Đồng có hệ thống sách đa dạng, nên ngoài trang fanpage chính thức trên mạng xã hội Facebook thì còn lập những trang khác phục vụ riêng một số thể loại như Kim Đồng - Wings Books, Kim Đồng Kids, Kim Đồng - Tri thức trẻ, Tủ sách Kim Đồng. Riêng với sách văn học, đơn vị này dành “đất” cho một group “Sách Văn học Kim Đồng” để giới thiệu tác phẩm mới, tác phẩm được tái bản và cả những tác phẩm hay nhưng ít người biết tới.

Tại group này, bạn đọc có thể “bỏ túi” danh mục sách văn học hay dành cho thiếu nhi, đặc biệt là sách của các tác giả Việt được quản trị viên cũng như các thành viên trong nhóm chia sẻ. Không ít độc giả trưởng thành tìm thấy tuổi thơ của mình qua những tấm ảnh chụp các cuốn sách văn học từ thập niên 1960 - 1980 được đăng trên group, ai cũng bày tỏ “mong NXB Kim Đồng dần tái bản hết những cuốn sách này”.

NXB Trẻ cũng là đơn vị tổ chức truyền thông hiệu quả trên Facebook với 16,1 nghìn thành viên tham gia group "Trẻ Reading Club - Nhà Trẻ của tôi". Độc giả của Trẻ tích cực chia sẻ bài viết, review truyện tranh, sách khoa học khám phá, viết cảm nhận về sách văn học, thảo luận về sự kiện tọa đàm, hội chợ sách đến các bài viết về văn hóa đọc để nhận ra “sách mang đến những “chiến thuật” vô hạn để xoay chuyển cuộc đời”.

Ở chiều ngược lại, Trẻ cũng tạo ra nhiều “sân chơi” thu hút bạn đọc như tặng quà cho thành viên đóng góp tích cực nhất và thành viên có bài review ấn tượng nhất trong tháng, tặng voucher mua sách cho những bài góp ý, gợi ý tác quyền tâm huyết, tổ chức các minigame hay tạo hình thức bình chọn, thăm dò ý kiến.

Với các đơn vị xuất bản, xây dựng cộng đồng đọc sách trên mạng xã hội không phải là để tạo thêm một “địa chỉ” quảng cáo và bán sách, mà nơi đây thực sự trở thành kênh kết nối, tương tác với độc giả. Và, quan trọng hơn, đó là địa chỉ sinh hoạt tinh thần của các độc giả yêu thích đọc sách. Các group đọc của đơn vị xuất bản đã góp phần “tiếp lửa” đọc sách cho các độc giả của mình.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tiep-lua-cho-doc-gia-636022.html