Tiếp cận liên ngành để phát triển công nghiệp văn hóa

Trong khi xã hội có nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực có khả năng thích ứng cao trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, đào tạo liên ngành được xem là một giải pháp hữu hiệu. Qua đó góp phần quan trọng xây dựng hệ sinh thái, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp sáng tạo mới.

Nguồn nhân lực thiếu và yếu

Công nghiệp văn hóa và sáng tạo đang là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Thực tế phát triển của lĩnh vực này trên thế giới cho thấy đây là xu thế phát triển chủ đạo trong tương lai khi mà “những giá trị dựa trên các ý tưởng sáng tạo mới lạ sẽ tốt hơn là các nguồn lực truyền thống như đất đai, lao động và vốn”.

Tiếp cận liên ngành, tạo hệ sinh thái phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Ảnh: sis.vnu.edu.vn

Tiếp cận liên ngành, tạo hệ sinh thái phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Ảnh: sis.vnu.edu.vn

Trong suốt hai thập niên qua, công nghiệp văn hóa - sáng tạo ngày càng trở thành một trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - văn hóa ở nhiều quốc gia. Bên cạnh việc công nhận vai trò của sáng tạo như một nguồn lực quan trọng thúc đẩy đổi mới và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong một thế giới toàn cầu hóa, ở nhiều nơi công nghiệp văn hóa - sáng tạo đã thực sự trở thành một yếu tố góp phần xác định thương hiệu đất nước và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, đóng góp ngày càng lớn của lĩnh vực này đối với phát triển kinh tế đất nước đã tạo ra thay đổi về nhận thức cũng như sự quan tâm của xã hội và Nhà nước. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 bắt đầu phục hồi, ước đạt 4,04%. Giai đoạn 2018 - 2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm…

Đây là những con số rất đáng khích lệ đối với một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, kết quả này chưa tương xứng tiềm năng của một thị trường lao động trẻ và một quốc gia có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Thách thức chủ yếu với ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo Việt Nam là nguồn nhân lực nhìn chung còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa đáp ứng nhu cầu. Kinh nghiệm của một số quốc gia đi đầu lĩnh vực này cho thấy, hệ thống giáo dục đại học đóng vai trò là trung tâm chính đào tạo nguồn nhân lực và là nhân tố góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Phá vỡ ranh giới ngành học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Ở nước ta, hoạt động đào tạo văn hóa - nghệ thuật chủ yếu diễn ra dưới mô hình đào tạo đơn ngành truyền thống, hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu về lao động của công nghiệp văn hóa - sáng tạo; chỉ một số ít trường cung cấp chương trình đào tạo liên ngành.

Ngày 15.5, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, ra mắt các chương trình đào tạo liên ngành, sáng tạo và nghệ thuật, bao gồm chương trình đào tạo bậc sau đại học - Thạc sĩ Công nghiệp văn hóa và sáng tạo; 2 chương trình đào tạo bậc đại học gồm: Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan, Nghệ thuật thị giác (Nhiếp ảnh nghệ thuật, Nghệ thuật tạo hình đương đại). Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, kinh nghiệm bước đầu của hoạt động đào tạo các ngành công nghiệp văn hóa gắn với tiếp cận liên ngành đã trở thành “vốn tài sản quý giá”, đặt nền móng cho sự ra đời của một đơn vị đào tạo chuyên sâu về sáng tạo và nghệ thuật…

PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương, Khoa Công nghiệp văn hóa và di sản, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các trường nghệ thuật đào tạo đơn ngành có thể đi sâu vào kỹ thuật, chuyên môn, nhưng thường người học lại thiếu cái nhìn toàn cảnh về hệ sinh thái của công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Họ không được đào tạo kiến thức, kỹ năng về quản trị, kinh tế, sở hữu trí tuệ… để có thể đưa các tác phẩm nghệ thuật của mình trở thành sản phẩm hàng hóa trong thị trường. Do vậy, tốt nghiệp một số chuyên ngành đào tạo, sinh viên phải mất nhiều thời gian trau dồi những kỹ năng khác.

Trước đây, muốn kinh doanh sản phẩm văn hóa, họ có thể qua khâu trung gian, nhưng hiện nay với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, người sáng tạo có khả năng kết nối trực tiếp với thị trường. Muốn làm được điều đó, họ cần thêm kiến thức để tham gia một cách chủ động. Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật có các khoa Quản trị và kinh tế sáng tạo, Công nghiệp văn hóa và di sản, Nghệ thuật và thiết kế, Kiến trúc, đô thị và khoa học bền vững… Giảng viên các khoa hỗ trợ nhau dạy các kiến thức liên ngành, để mỗi sinh viên tốt nghiệp một chuyên ngành đều có kiến thức tổng thể về nền kinh tế sáng tạo và nhận ra mình đang ở đâu trong bức tranh toàn cầu ấy…

Thực tế, đào tạo liên ngành không phải xu hướng giáo dục mới, nhưng đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới và ngày càng được quan tâm tại Việt Nam. Trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, với nhiều ngành đa dạng, việc đào tạo liên ngành giúp sinh viên tiếp cận kiến thức từ nhiều lĩnh vực, từ đó phá vỡ ranh giới giữa các ngành học, tạo điều kiện cho sáng tạo và đổi mới.

Tuy nhiên, để đào tạo liên ngành hiệu quả, các trường đại học cũng đồng thời phải là nơi nắm bắt các xu hướng và tri thức mới, là địa điểm trao đổi, đối thoại giữa những người làm sáng tạo với doanh nghiệp và tổ chức liên quan, gắn kết việc sáng tạo với khởi nghiệp, từ đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy công nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển, hội nhập thế giới.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/tiep-can-lien-nganh-de-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-i371906/